Hà Tăng nấu 3 kiểu mì ‘ngoại’ đỡ nhàm chán

Thay vì nấu mì tôm đơn giản, Hà Tăng biến tấu thành các món mì kiểu Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan để bữa ăn gia đình phong phú.

Sau hơn một tháng “ở ẩn” không xuất hiện trên mạng xã hội, Tăng Thanh Hà bất ngờ trở lại với diện mạo mới, trẻ trung hơn với mái tóc ngắn do cô vừa tự cắt. Blog nấu ăn của bà mẹ hai con cũng hoạt động trở lại với một số món ăn và đồ uống mới, phù hợp cho những ngày “work from home”, “ai ở đâu ở yên đó”. Tuy từng là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng hiện giờ, các fan quen thuộc với vai trò food blogger của Tăng Thanh Hà. Sự trở lại của cô khiến nhiều người theo dõi blog thích thú.

Thay vì làm các món cầu kỳ, cần nhiều nguyên liệu như trước đây, lần này, “ngọc nữ” biến tấu bữa cơm nhà thành các món mì dễ ăn, dễ nấu lại sẵn có trong các gia đình mùa dịch bệnh. Mì là món ăn quen thuộc mùa này, tuy nhiên, nếu chỉ nấu mãi mì “không người lái” thì rất nhanh chán. Do đó, “cô Trúc” đã trổ tài làm đủ phong cách: mì kiểu Thái, kiểu Hàn Quốc và kiểu Nhật Bản để thay đổi khẩu vị.

Là người theo phong cách ăn uống healthy, ưu tiên nguyên liệu organic, cây nhà lá vườn, nhưng đôi khi, Tăng Thanh Hà cũng lên cơn thèm mì tôm như nhiều người Việt. Sức quyến rũ của món ăn liền này là không thể phủ nhận. Tuy mì gói chứa chất bảo quản, không tốt cho sức khoẻ nhưng thi thoảng ăn một bữa đổi món cũng không ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Hà Tăng nấu 3 kiểu mì 'ngoại' đỡ nhàm chán

Mì kim chi kiểu Hàn.

Tăng Thanh Hà khoe tô mì kim chi kiểu Hàn trong một ngày lười nấu cơm. Trong các loại mì xuất xứ quốc tế, mì kim chi được đánh giá khá hợp khẩu vị người Việt. Ảnh hưởng của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc khiến món ăn quốc dân này thêm phổ biến ở Việt Nam. Món ăn này không chỉ ngon ở mùi vị mà còn đặc biệt ở cách ăn. Thay vì phải nấu hay phục vụ cầu kỳ, mì Hàn Quốc ngon nhất là ăn theo kiểu bình dân, xuề xoà, thậm chí không cần bát đũa, nấu xong ăn ngay ở nồi cũng được.

Tuy nấu mì gói nhưng bà mẹ ba con vẫn chuẩn bị đầy đủ topping như trứng gà, xúc xích, hành lá. Ngoài ra, đã là đồ ăn Hàn, không thể thiếu một đĩa kim chi và củ cải vàng muối chua ngọt. Hà Tăng cũng cho mì ra niêu để giữ nguyên độ nóng sốt. Nước mì chua cay, đậm đà. Sợi mì dai dai ăn kèm xúc xích. Bà xã Louis Nguyễn thích ăn trứng chần kỹ còn món mì nguyên bản Hàn Quốc thường dùng trứng chần còn độ lỏng, khi ăn bùi bùi hơn. Kim chi cay nồng, củ cải chua ngọt, ăn rất “đưa miệng”.

Hà Tăng nấu 3 kiểu mì 'ngoại' đỡ nhàm chán

Mì kiểu Thái đậm đà, chua cay.

Được yêu thích không kém mì Hàn Quốc là các món mì, bún kiểu Thái Lan với vị chua cay đậm đà rất đặc trưng. Đây là món mới nhất vừa được ra lò ở căn bếp nhà Tăng Thanh Hà. Thay vì sử dụng sợi mì gói hay mì vàng, nàng ngọc nữ dùng mì gạo sợi trắng dai ngon, an toàn hơn. Topping ăn kèm khá phong phú với chả cá nhân phô mai – loại thường dùng để nhúng lẩu Thái, tôm tươi, thịt gà, thịt lượn, rau cải, rau mùi, ăn kèm tương ớt chưng còn nguyên hạt cay tê tê.

Nước dùng là linh hồn của lẩu Thái nói chung và món mì kiểu Thái nói riêng. Thông thường, nhiều người mua sẵn gói gia vị lẩu Thái hoặc tận dụng gói gia vị của mì tôm. Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể chế biến nồi nước dùng thủ công với các nguyên liệu đảm bảo hơn. Xương ống chần sơ rồi đun với nước, cho thêm quế, lá chanh, riềng, sả đập dập, đun nhỏ lửa.

Gia vị cần muối, đường, bột ngọt, nước mắm. Sau cùng, bạn phi thơm hành, tỏi, sả băm, cho tương ớt, tương cà, cà chua, hành tây vào xào sơ rồi đổ vào nồi nước dùng là đã hoàn thành. Ngoài ra, nhiều người thích cho thêm cả nước dừa cho ngọt hơn. Vị nước dùng chua cay, thơm thơm. Sợi mì dai, nguyên liệu ăn kèm đầy đủ, đã miệng.

Hà Tăng nấu 3 kiểu mì 'ngoại' đỡ nhàm chán

Mì miso ramen.

Món mì ramen kiểu Nhật từng được Hà Tăng trổ tài vài lần tại nhà. Đây là món ăn truyền thống và là niềm tự hào của ẩm thực xứ sở mặt trời mọc. Có khá nhiều loại mì ramen với các cách chế biến khác nhau. Cô lựa chọn làm miso ramen với nước dùng có vị hơi ngọt, nước dùng từ mỡ gà hay nước dùng cá, đôi khi có cả mỡ lợn. Sợi mì của Miso Ramen thường dày, xoăn và hơi dai. Để làm được nước dùng của miso ramen, bạn cần có tương misu, tương đậu, dầu mè, hạt mè (vừng), rượu sake và nước dùng mỡ gà hoặc cá đều được, ngoài ra còn có hành tím, gừng hầm đến khi sôi.

Bát mì của “ngọc nữ” được khen ngon và trình bày đẹp không kém nhà hàng. Nguyên liệu ăn kèm gồm sườn heo, thịt bằm, rau cả chíp, giá tươi chần. Trứng luộc lòng đào đạt độ hoàn hảo với tiêu chuẩn bên ngoài chín vừa, bên trong còn lỏng, ăn vừa thơm, vừa bùi, lại giúp bát mì thêm ghi điểm. Hà Tăng sử dụng mì vàng, thay vì sợi mì ramen nguyên bản, to hơn và không quen thuộc với người Việt.

Nguyên Chi

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi