Đảm bảo những món lẩu ngon, dễ làm này sẽ giúp cả nhà có một kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 thêm quây quần, đầm ấm và ý nghĩa.
1. LẨU GÀ THUỐC BẮC
Nguyên liệu:
– 1 còn gà ngon
– 1 gói gia vị thuốc bắc, loại ngon
– Nấm hương
– Đồ nhúng đi kèm (tùy sở thích): nấm, thịt bò, đậu phụ, rau ngải, mì tôm…
Cách làm:
– Lọc tách gà ra lấy phần thịt đem thái miếng vừa ăn để nhúng lẩu.
– Phần bộ xương gà và cổ, cánh cho vào nồi nước lạnh cùng gói gia vị thuốc bắc. Ninh khoảng 45 phút thì nêm nếm mắm muối cho vừa khẩu vị là được nồi nước lẩu ngon. Thả thêm ít nấm hương đã ngâm mềm vào.
– Rau, nấm tươi các loại rửa sạch, bày ra đĩa.
– Các đồ nhúng kèm như thịt bò không ướp mặn, chỉ cho xíu dầu vào ướp cho mềm thịt thôi.
– Với nguyên liệu lẩu gà thuốc Bắc thì chấm gia vị muối tiêu chanh là ngon nhất.
2. LẨU RIÊU CUA
Nguyên liệu:
– Mọc tự viên.
– Bắp bò, sụn non heo.
– Tim lợn, xương ông, đậu phụ, váng đậu, bột nghệ, giấm bỗng, hành khô, cà chua.
– Cua xay sẵn.
– Các loại rau ăn lẩu riêu: Hoa chuối, cải cúc, nấm, bầu bào, hoặc bạn có thể làm thêm các loại xà lách, tía tô, rau mùi cắt nhỏ để thả vào lẩu. Mướp và rau dền cơm ăn lẩu riêu cũng rất ngon, nói chung tùy sở thích.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Bắp bò, sụn non heo đem rửa sạch rồi thái vừa ăn, riêng thịt bò thì ướp chút gừng.
– Tim lợn thái mỏng.
– Xương ống lợn ninh lấy nước.
– Đậu phụ lượng vừa ăn, đem rán vàng.
– Váng đậu cắt miếng rửa sạch, chiên giòn.
– Các loại rau ăn lẩu rửa sạch.
Bước 2: Nấu nước lẩu
– Cua xay đem lọc lấy nước. Sau đó thêm chút muối vào nước cua, khoắng đều. Cho lên bếp đun lửa vừa, đến khi thịt cua bắt đầu kết lại thì cho bé lửa lại. Thịt nổi hết lên mặt nước thì vớt ra bát riêng. Làm như vậy thịt cua sẽ đóng tảng, không vỡ vụn.
– Nước nấu cua vừa rồi để làm nước dùng luôn.
– Gạch cua thì phi hành khô thơm rồi xào cùng chút nước mắm rồi cho lẫn vào thịt cua.
– Đổ nước xương đã ninh vào nồi nước cua, nêm gia vị, thêm bỗng rượu, cà chua, bột nghệ vào, nêm nếm cho vừa miệng rồi đun sôi.
Cho nước dùng lẩu ra nồi lẩu, đun sôi rồi nhúng các nguyên liệu vào để thưởng thức thôi. Nước lẩu chua thanh, lên màu đẹp, vô cùng hấp dẫn.
3. LẨU BÒ NHÚNG MẮM
Nguyên liệu làm lẩu bò nhúng mắm ruốc
– Bắp bò (hoặc thăn bò, nhưng bắp bò sẽ ngon giòn hơn).
– Rau ăn kèm tuỳ thích (cải, nấm, rau muống, mồng tơi…).
– Mắm ruốc.
– 1/2 trái thơm (dứa).
– Hành tây.
– Nước dừa.
– Các loại gia vị: sả, hành tây, tỏi, ớt.
Cách làm lẩu bò nhúng mắm ruốc:
Bước 1: Sơ chế
– Phi tỏi vàng, cho một ít vào thịt bò.
– Các loại rau ăn lẩu rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Nấu nước dùng lẩu
Phần tỏi phi còn lại để trong nồi, cho tiếp sả và ớt băm nhuyễn vào phi thơm. Tiếp theo cho 1 muỗng canh sate, 2-3 muỗng canh mắm ruốc đảo đều, rồi cho nước dừa vào. Cho vào nồi 1 lít nước dừa hoặc 1/2 dừa + 1/2 nước lọc đun sôi. Nước dùng sôi thì cho thơm xắt lát, nêm thêm đường phèn cho đậm đà. Cho hành lá, hành tây vào là xong.
Bước 3: Thái thịt bò
Thái bắp bò thành lát mỏng, ướp với một muỗng canh nước mắm và dầu ăn rồi xếp ra dĩa. Rắc sả, hành tây, ớt và ít tỏi phi lên trên.
Bước 4: Pha nước chấm
– 1 muỗng canh mắm ruốc + 3 muỗng canh nước dùng + sả tỏi ớt băm nhuyễn, trộn đều trong 1 bát.
Dọn tất cả nguyên liệu ra mâm cùng nồi nước lẩu, nhúng các nguyên liệu và thưởng thức. Bạn có thể sử dụng phở, bún, mì ăn kèm đều ngon.
Đảm bảo hương vị hấp dẫn của lẩu bò nhúng mắm ruốc hấp dẫn chắc chắn bạn không thể nào quên.
4. LẨU CÁ KÈO
Nguyên liệu làm lẩu cá kèo
– 500g cá kèo
– 300 g xương ống
– 200g măng chua
– Dứa (thơm), cà chua, hành tím, sả, ớt
– Rau ăn kèm: Rau muống, rau nhút, rau cù nèo, bông bí…
– Bún
Cách nấu lẩu cá kèo đơn giản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Cá kèo làm sạch, sau đó cho vào thau nước dấm gạo và muối pha loãng ngâm 10 phút để khử mùi tanh và sạch nhớt của cá, rửa lại cho sạch và để ráo.
– Cà chua cắt múi cau, dứa cắt miếng vừa ăn. Hành tím, sả, ớt băm nhuyễn.
– Các loại rau, hoa ăn lẩu nhặt rồi rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Nấu nước dùng lẩu
– Xương ống heo ngâm với nước muối và dấm loãng 15 phút rồi rửa sạch.
– Cho xương vào nồi với phần sả già đun để lấy nước dùng, vớt bọt thật kỹ để nước dùng trong.
– Phi hành, sả, ớt băm cho thơm lên rồi thêm cà chua vào xào sơ. Tiếp theo, cho dứa và măng chua vào. Nêm hạt nêm, đường, bột ngọt rồi trút hết vào nồi nước dùng.
– Khi nước lẩu sôi lại nêm theo khẩu vị rồi tắt bếp, nêm thêm một muỗng canh nước mắm ngon vào để tăng hương vị cho món lẩu.
Bước 3: Thưởng thức
– Khi ăn, cho nước dùng ra nồi lẩu, bật bếp cho sôi lên thì thả cá kèo vào. Khi cá chín, cho rau ăn kèm vào nhúng. Bạn cũng không nên quên một chén nước mắm ngon cùng ớt cắt lát để chấm cá nhé.
Thịt cá kèo ngọt chấm vào chén nước mắm mặn dầm ớt với nước lẩu chua chua cay cay bảo đảm là một gợi ý tuyệt vời.
5. LẨU MẮM
Nguyên liệu làm lẩu mắm:
– 300gr mắm (mắm cá linh và mắm cá sặc)
– 200gr thịt heo quay hoặc thịt ba chỉ
– 500gr cá hú
– 200gr tôm
– 400gr mực
– 200gr chả cá
– 2 trái cà tím
– 50gr sả bằm
– Tỏi, ớt, chanh
– Nước hầm xương hoặc nước dừa
– Rau sống các loại (rau đắng, rau muống bào, giá hẹ, cọng súng, kèo nèo, bông điên điển… hoặc rau khác tùy khẩu vị)
Sơ chế nguyên liệu:
– Cá hú cạo sạch nhớt, rửa lần một với nước muối pha loãng và rửa lần hai với nước ấm pha dấm cho sạch nhớt. Sau đó cắt khoanh vừa ăn. Đầu, đuôi cho vào nấu trước, khúc giữa để ăn lẩu sau.
– Thịt ba chỉ/ heo quay cắt nhỏ vừa ăn.
– Tôm luộc xong bóc vỏ.
– Mực làm sạch, trụng sơ, cắt nhỏ.
– Chả cá cắt vừa ăn.
– Cà tím rửa sạch, cắt khúc rồi bổ làm tư.
– Rau sống các loại rửa sạch, để ráo nước.
Cách chế biến:
– Cho mắm vào nồi nhỏ, đổ nước ngập phần mắm rồi đem nấu sôi cho đến khi thấy thịt mắm rục ra thì tắt bếp. Lọc qua rây lấy nước mắm, bỏ xương.
– Phi tỏi, ớt rồi để riêng.
– Cho sả băm vào xào cùng thịt ba chỉ/ heo quay cho thịt săn vàng.
– Tiếp tục cho đầu và đuôi cá vào chiên sơ cho cá thật thơm cùng với vài trái ớt.
– Cho phần mắm đã lọc xương cùng 1,5 lít nước dừa hoặc nước hầm xương vào. Nấu vừa sôi thì hớt bọt, giảm nhỏ lửa. Vì mắm đã mặn nên chỉ nêm đường và bột ngọt cho vừa ăn là được. Cuối cùng là cho cà tím, tỏi ớt phi và rau nêm vào.
– Khi ăn lẩu thì cho thêm các nguyên liệu: tôm, mực, cá hú, chả cá, thịt quay vào.
– Món lẩu mắm gần như bắt buộc phải ăn kèm rau sống mới ngon.
6. LẨU THÁI HẢI SẢN
Chuẩn bị:
– Tôm, mực, ngao, bề bề, thịt bò
– Gia vị: sả, riềng, hành tím khô, gừng, lá chanh, cà chua, nước dừa, cốt dừa, gia vị lẩu thái tomyum, nấm hương
– Mì tôm, bún, miến… tùy ý
Cách làm:
– Nấu nước dùng: Có hai cách lấy nước cốt làm nước lẩu
Cách 1: Hầm râu, đuôi mực (khô) kèm ít con tôm khô để lấy nước. Vị nước dùng sẽ đậm vị hải sản rất ngon.
Cách 2: Hầm theo cách truyền thống, cho xương cục vào ninh lấy nước.
Cho dầu ăn vào nồi, dầu nóng già thì cho sả đập dập, cắt khúc dài, 4 lát riềng thái mỏng, hành tím khô thái lát và ít gừng vào đảo đều, dậy mùi thơm.
Tiếp đó cho ít cà chua thái múi cau vào xào nát, đổ nước ninh ở trên vào, thêm nước dừa, cốt dừa (xay ra từ cùi dừa) và gia vị lẩu thái tomyum, nấm hương.
Nêm nếm vừa ăn, thêm sa tế, đun sôi cho lá chanh xé đôi vào, tắt bếp. Nhiều gia đình có thói quen cho ít cọng hành tây, cần tay vào ăn cũng rất thơm và ngon. Vậy là xong nước lẩu.
– Các lại hải sản sơ chế làm sạch, bày ra đĩa.
– Các loại rau nhúng kèm rửa sạch, bày lên đĩa.
– Cho nước dùng ra nồi ăn lẩu, bật bếp đun sôi rồi thả các nguyên liệu vào để thưởng thức.
Theo: Eva