Trẻ em không nên uống trà xanh do có caffeine gây lợi tiểu, ảnh hưởng cơ thể; gia đình nên sử dụng thảo mộc để pha nước cho trẻ uống.
Vào mùa hè, nhu cầu uống nước tăng lên, nhiều gia đình mong muốn thay đổi thức uống để bổ sung nước cho trẻ, ví dụ trà đào, trà túi lọc có hương vị. Trà xanh có một số lợi ích giúp thư giãn, làm dịu các cơn đau, trị ho và cảm.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo gia đình không cho trẻ dùng thức uống có nhiều thành phần trà xanh và đường. Thức uống chứa nhiều đường làm tăng nguy cơ sâu răng và béo phì, trong khi đó trà xanh chứa caffeine khiến trẻ khó ngủ, bồn chồn, tăng động hơn bình thường.
Một nghiên cứu chỉ ra trẻ uống trà hoặc cà phê thường xuyên bị tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại một. Caffeine dư thừa khiến trẻ căng thẳng, giảm hấp thụ sắt và canxi, từ đó ảnh hưởng huyết sắc tố và xương. Uống trà có đường với số lượng lớn khiến trẻ nạp thừa calo, dẫn tới bệnh tim mạch, tiểu đường type 2.
Gia đình nên sử dụng trà gừng khi trẻ bị cảm, đau bụng. Ảnh: Freepik
Hiện không có nghiên cứu nào chỉ rõ độ tuổi trẻ có thể bắt đầu uống trà xanh. Tuy nhiên, Học viện Nhi khoa Mỹ cho rằng trẻ có thể dùng trà xanh khi được kiểm soát về hàm lượng caffeine. Ví dụ, thanh thiếu niên 12-18 tuổi có thể uống 100 mg caffeine, tương đương một hoặc hai tách trà trong một ngày; còn trẻ dưới 12 tuổi không nên uống trà xanh và không có giới hạn an toàn.
Nếu trẻ bị cảm, cần uống trà, gia đình có thể dùng các loại thảo mộc khác để thay thế, ví dụ trà bạc hà, trà hoa cúc để giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Cần ngâm lá trà hoặc nguyên liệu trong hai đến bốn phút, sau đó pha thật loãng với nước ấm hoặc mát, không cho trẻ uống trà nóng.
Trong đó, trà hoa cúc được chứng minh có tác dụng điều trị sốt, đau bụng ở trẻ. Theo Đại học Y khoa New Mexico, trà hoa cúc cũng có thể giảm căng thẳng, dịu dạ dày. Trà gừng giúp trẻ giảm buồn nôn.
Thanh thiếu niên có thể dùng thức uống có caffeine với liều lượng nhỏ, song nên tránh hoàn toàn caffeine. Tương tự trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cũng có thể gặp vấn đề về phát triển và khó ngủ khi tiêu thụ caffeine. Tốt nhất, gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng, nhi khoa trước khi cho trẻ uống đồ uống có caffeine.
Gia đình cũng có thể cân nhắc tới các loại đồ uống khác tốt cho sức khỏe của trẻ, ví dụ nước ép trái cây nhà làm, sữa (bao gồm sữa hạt), nước dừa không thêm đường hoặc nước có hương vị được làm từ nguyên liệu tự nhiên. Các thức uống này sẽ giúp trẻ bổ sung nước và cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.
Chi Lê (Theo Mom Junction)