Bữa cơm cuối tuần mà có thêm một đĩa chả mực nhồi ớt chuông thế này sẽ khiến bữa cơm gia đình nhà bạn thêm phần ngon miệng và đẹp mắt!
Chuẩn bị nguyên liệu làm chả mực nhồi ớt chuông:
1. Mực xay nhuyễn 250g
2. Thịt băm hoặc thịt xay 100g (hoặc giò sống)
3. Lòng trắng trứng 1 lòng trắng
4. Ớt chuông xanh, đỏ, vàng: Mỗi loại ½ quả
5. Gia vị: 2g hành lá thái nhỏ, 1 cây rau mùi thái nhỏ, 2g muối
Cách làm chả mực nhồi ớt chuông:
Bước 1: Ớt xanh, ớt đỏ, ớt vàng rửa sạch, loại bỏ hạt rồi thái khoanh dày khoảng 1cm.
Bước 2: Cho mực xay nhuyễn vào bát, thêm thịt băm, lòng trắng trứng, rau mùi, hành lá, muối vào đảo đều theo một chiều.
Bước 3: Thoa một chút dầu ăn vào lòng bàn tay, ngắt từng phần chả mực rồi nhồi vào từng khoanh ớt chuông, ấn chặt chả mực vào khoanh ớt chuông. Đun nóng một ít dầu ăn trong chảo, cho chả mực nhồi ớt chuông vào chiên.
Bước 4: Chiên cho chả chín vàng đều hai mặt rồi thêm 50g nước lọc vào chảo, đậy nắp lại và đun cho đến khi nước trong chảo cạn hết thì mở nắp chảo, chiên lại cho chả chín vàng đều hai mặt rồi tắt bếp.
Thành phẩm chả mực nhồi ớt chuông:
Tự làm chả mực tại nhà không hề khó như bạn nghĩ. Với một chút sáng tạo theo cách trên đây là bạn đã có ngay món chả mực nhồi ớt chuông vừa ngon lại có màu sắc cực kì bắt mắt. Chả mực mềm ngon, ớt chuông giòn ngọt rất hấp dẫn. Chỉ cần thực hiện đúng các bước trong công thức là đảm bảo bạn sẽ có một món chả mực ngon miệng đãi cả nhà vào dịp cuối tuần đấy.
Mực là loại hải sản được nhiều người yêu thích, đây cũng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ăn mực làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mực không chứa nhiều chất béo nhưng lại chứa axit béo omega-3 rất tốt cho cơ thể. Omega-3 không thể được sản xuất trong cơ thể, vì vậy chúng phải được lấy từ thực phẩm hoặc chất bổ sung.
Mực chứa axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Các axit béo omega-3 này có thể làm giảm mức chất béo trung tính, ngăn ngừa cục máu đông, động mạch bị tắc nghẽn, rối loạn nhịp tim và huyết áp cao, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Mực rất giàu chất sắt và vitamin B12, có thể giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Sắt có tác dụng duy trì hàm lượng huyết sắc tố trong máu, đảm bảo hoạt động bình thường của hồng cầu, vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào, phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Ngoài ra, vitamin B12 hỗ trợ sự phát triển tế bào máu khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, một chứng rối loạn máu do tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu lớn bất thường. Các tế bào hồng cầu bất thường không thể phân chia và nhân lên, do đó số lượng hồng cầu sẽ giảm xuống, có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy và thậm chí là sốc. Mực chứa hàm lượng selen cao, một khoáng chất có đặc tính chống oxy hóa giúp tăng cường phản ứng miễn dịch. Do đó, bổ sung selen trong chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính.
Mặc dù mực rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp dưới đây, người dùng không nên ăn mực:
1. Bệnh nhân gút/tăng acid uric máu: Mực có chứa nhân purin có thể làm tăng nồng độ axit uric, bệnh nhân tăng axit uric máu hoặc bệnh gút không nên ăn nhiều vì sẽ gây lắng đọng axit uric dẫn đến sưng, đau, viêm khớp.
2. Người mắc bệnh tim mạch, béo phì: Mực chứa hàm lượng cholesterol cao, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng lipid máu và tích tụ cholesterol ở thành trong của mạch máu, gây tắc nghẽn mạch máu, hoặc tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ ở những người mắc bệnh tim mạch, béo phì.
3. Người bị bệnh chàm nên hạn chế ăn mực vì ăn mực sẽ làm suy yếu hàng rào bảo vệ da.
Chúc bạn làm được món chả mực nhồi ớt thật ngon miệng nhé!
Nguồn: Douguo
Theo: Afamily