Sẽ có độc giả bật cười rằng tôm – tép có gì mà không phân biệt được, nhưng người ở các địa phương khác nhau nói vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi.
Khái niệm tôm và tép không giống nhau ở một số địa phương. Trong khi nhiều địa phương gọi con tép là sinh vật có nhiều đặc điểm giống tôm nhưng kích thước bé hơn thì với người dân nhiều địa phương khác, tép là từ để gọi những con cá nhỏ tiu tiu, thuộc nhiều loài cá khác nhau. Chính vì vậy mà trong các cuộc trò chuyện, không ít lần tranh cãi xảy ra khi mọi người tranh luận thế nào là con tôm, thế nào là con tép.
Thay vì phân định đúng sai trong những khác biệt của ngôn ngữ địa phương, bạn cần biết phân biệt con tôm và con tép trong ngôn ngữ phổ thông, được quy ước là chuẩn mực, cũng như định nghĩa của sinh vật học về tôm và tép.
Phân biệt con tôm và con tép
Định nghĩa về tôm, tép và cá theo sinh vật học
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thuỷ sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1), cho biết, tôm và tép đều thuộc nhóm động vật giáp xác (Crustacea) hay còn gọi là giáp xác 10 chân. Đây là một phân ngành của ngành chân khớp, gồm hơn 44.000 loài như tôm hùm biển, tôm sú, tôm he, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm sông, tôm đồng, moi….
Hình ảnh bên trái là con tôm, bên phải là con tép.
Tôm, tép đa phần là động vật ăn tạp, bao gồm các loài sống ở nước biển (như tôm hùm) và các loài sống ở vùng nước ngọt (như tôm đồng) hay nước lợ (như tôm càng xanh). Chúng di chuyển trong nước bằng cách bò, bơi bằng cách khua chân hoặc trong một số trường hợp là bơi ngược bằng cách gập người để thoát hiểm – kiểu bơi rất đặc trưng của nhiều loài tôm.
Trong khi đó, cá thuộc về ngành động vật có xương sống, nằm cao hơn động vật chân khớp trên bậc thang tiến hóa. Hiện có khoảng trên 31.900 loài cá, điều này làm cho chúng trở thành nhóm đa dạng nhất trong số các động vật có xương sống.
Như vậy, trong khoa học, cá là cá và tép là tép, chúng thuộc 2 ngành động vật khác nhau. Khoa học cũng phân biệt rõ tôm và tép, thay vì gọi là “con tôm to và con tôm nhỏ” như ở một số địa phương.
Điểm khác nhau giữa con tôm và tép
Theo chuyện gia Nguyễn Thị Hà, tôm và tép có sự khác nhau về kích thước khi trưởng thành, màu sắc và cách sinh sản, cụ thể trong bảng sau:
TÔM | TÉP | |
---|---|---|
Đặc điểm | Là động vật giáp xác (Crustacea) thuộc bộ 10 chân (Decapoda) sống ngoài tự nhiên trong môi trường nước mặn, nước ngọt, nước lợ. Một số loài đưa về sinh sản nhân tạo và nuôi trong ao đạt năng suất cao, thời gian nuôi 3-12 tháng tùy loài. | Cũng là động vật giáp xác cùng bộ với tôm nhưng khác họ, khác loài. Sinh sản tự nhiên trong ao nước ngọt, được thu hoạch liên tục hàng ngày. |
Tên thường gọi |
Tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm he, tôm càng xanh, tôm càng đỏ, tôm tít… | Tên gọi đa dạng, tùy thuộc vào từng địa phương cũng như đặc điểm của tép mà có các tên gọi khác nhau như:
– Tép đồng (do phân bố nhiều ở các đồng ruộng). – Tép mồi (do được dùng làm thực phẩm cho các loài cá săn mồi). – Tép gạo, tép ngô (ở Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và vài nơi ở miền Trung…). – Tép muỗi, tép mòng, tép rong (các tỉnh miền nam). |
Kích thước khi trưởng thành |
Cơ thể dài tới 100-300mm, tùy từng loài tôm và vùng sinh thái chúng sinh sống, thời gian nuôi. Thường tôm đực có kích thước lớn hơn tôm cái. | Phần thân dài tối đa 10-20mm gần như đồng đều nhau. Đến thời điểm nhất định, chúng tự chết rạc trong ao, không thể tăng kích thước dù có nuôi trong thời gian dài. |
Sinh sản |
Sinh sản ngoài tự nhiên, một số loài đã được thuần dưỡng đưa vào sinh sản nhân tạo như tôm sú, tôm thẻ chân trắng… | Sinh sản tự nhiên, một vòng đời sinh sản 3 lần, con cái mang trứng ở phần bụng. |
Phân loại con tôm và con tép bằng cảm quan
Dựa vào cấu tạo bên ngoài, theo ThS Nguyễn Thị Hà nêu đặc điểm phân biệt tép và một số loài tôm, tép như sau:
– Tôm hùm bông – P. ornatus (hay còn gọi tôm hùm sao): K ích thước thương phẩm to, trọng lượng đạt hơn 1 kg/con, có con lên tới 2,5-3 kg tùy theo thời gian nuôi.
Nó được gọi là tôm hùm bông vì thân hình có những đường nét, họa tiết đốm hoa văn.
– Tôm hùm tre – P. polyphagus: Kích thước thương phẩm nhỏ hơn tôm hùm bông, đạt 0,2-0,5 kg/con, được nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Tôm hùm tre có lớp vỏ khá mỏng, nhiều thịt.
– Tôm càng xanh – M. rosenbergii: Kích thước thương phẩm đạt 0,1-2 kg tùy theo thời gian nuôi, con tôm đực có đôi càng rất to, tôm cái kích thước nhỏ hơn tôm đực. Tôm được nuôi phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tôm càng xanh nuôi thương phẩm trong nước ngọt.
– Tôm sú – P. Monodon: Là loài tôm sống ở đáy nên màu sắc hơi sẫm, kích thước thương phẩm thường đạt từ 5-50 con/kg tùy theo thời gian nuôi; đã được sinh sản nhân tạo và nuôi rộng rãi các tỉnh ven biển Việt Nam.
Tôm sú được rất nhiều người tiêu dùng yêu thích.
– Tôm thẻ chân trắng – P.Vanamei: Sinh trưởng nhanh, nuôi mật độ dày, năng suất cao, là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; đã được sinh sản nhân tạo và nuôi rộng rãi các tỉnh ven biển Việt Nam.
Tôm thẻ chân trắng là món ăn phổ biến hằng ngày của người Việt Nam.
– Tép riu – C. flavilineata: Kích thước rất nhỏ, thường dùng để nấu canh, làm mắm tép và làm mồi cho một số loài động vật quý hiếm.
Tép được bán với giá rẻ hơn tôm, được dùng để chế biến một số món ăn.
Trên đây là những thông tin phân tích cụ thể của chuyên gia Nguyễn Thị Hà về việc phân biệt con tôm và con tép, giúp độc giả có cơ sở để tham khảo, để không bị nhầm lẫn giữa hai loài này.
Theo: Afamily