Nhìn các mâm cơm tươm tất này ai cũng nghĩ chị Diệu Thùy phải mất nhiều thời gian chế biến nhưng thực tế, bà mẹ đảm chỉ bỏ ra 30-40 phút là xong.
Công tác tại một một trường đại học lớn ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), bận bịu nhiều việc nhưng chị Diệu Thùy (38 tuổi) vẫn chăm chỉ vào bếp nấu ăn mỗi ngày. Bà mẹ đảm chia sẻ, nấu ăn chính là sở thích của bản thân từ khi còn nhỏ.
Chị Diệu Thùy đam mê nấu ăn từ nhỏ.
Ngày ấy, cứ mỗi lần nhìn bà và mẹ nấu ăn là chị lại xin được phụ giúp. Qua những lần như thế, dần dần 8X đã có thể tự nấu được những bữa cơm đơn giản cho cả nhà. Chị cảm thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu tình yêu thương, luôn đề cao những giá trị truyền thống. Có lẽ vì thế mà chị Thùy cũng tự ý thức sẽ trở thành một người phụ nữ của gia đình.
“Mình có bà nội, bà ngoại và mẹ là những người phụ nữ luôn hướng về gia đình. Ai cũng đảm đang, khéo léo, nấu ăn rất ngon. Bà, mẹ là người đã khơi gợi trong mình tình yêu bếp núc”, chị nói.
Hiện tại khi đã có gia đình riêng, chị Thùy lại càng bảo vệ quan điểm, căn bếp là nơi giữ lửa, sưởi ấm yêu thương những thành viên trong gia đình và bữa cơm hàng ngày chính là sợi dây gắn kết sự yêu thương ấy.
“Kết thúc các hoạt động chính trong một ngày, khi trở về căn nhà nhỏ thì bố mẹ tạm gác lại công việc phía sau, con cái tíu tít chuyện trường lớp trong bữa cơm tối. Khác với những bữa ăn trưa vội vàng thì những lúc đó chỉ muốn thời gian trôi chậm lại để cả nhà được quây quần bên nhau lâu thật lâu!”, chị Thùy khẳng định.
Chính vì vậy mà bà mẹ đảm luôn cố gắng tự tay chăm chút cho từng bữa ăn. Có lúc 8X sẽ nấu ăn theo sở thích của các con, khi thì chị lại muốn các con tập thích nghi với tất cả các món ăn.
Các món ăn luôn được chị Diệu Thùy nấu dựa trên nguyên tắc “đảm bảo tính khoa học, lành mạnh”. Chị luôn lựa tìm nguồn thực phẩm hữu cơ, xây dựng thói quen uống sữa hạt thay thế sữa động vật. Chị còn thường sử dụng những bài thuốc dân gian như yến chưng, chanh ủ muối… để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà.
Riêng với các bữa ăn hàng ngày, chị sẽ cân bằng nguồn thực phẩm có nguồn gốc động vật và nguồn gốc động vật, hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, ưu tiên các món luộc, hấp.
“Mình tập cho các con ăn nhiều rau, củ quả và thi thoảng là những bữa an chay… Thật may là tụi nhỏ rất hợp tác. Trong mắt tụi nó, mẹ chúng là siêu nhân, qua tay mẹ món gì cũng “ngon tuyệt cú mèo”, chị vui vẻ kể.
Chị Thùy chia sẻ, bữa ăn nhà mình rất đa dạng phong phú chứ không chỉ có những bữa cơm truyền thống. Thỉnh thoảng chị lại “đổi gió” cho cả nhà bằng các món phở, mì hay đồ cuốn. Các con chị rất thích món mì mẹ tự làm. Chị tự tạo màu sắc phong phú cho các bát mì từ màu tự nhiên nên vô cùng bắt mắt, hấp dẫn, kích thích vị giác bất cứ ai thưởng thức.
Vào các dịp cuối tuần có thời gian rảnh, 8X lại được thỏa mãn lòng đam mê làm bánh mì, bánh ngọt, trà hoa quả, hay siro. Chị Thùy kể, mình có tình yêu đặc biệt với bánh mì. Vì vậy chị hay tự tay làm những chiếc bánh mì xinh xắn vào bữa ăn sáng hay bữa phụ cho các con.
Chị cũng hay làm tặng bạn bè, người thân những món ăn mà mình thực sự tâm đắc. Có những người bạn ưu ái dành tặng chị “ngàn sao Michelin”. 8X trân quý và luôn xem đó là lời động viên để mình nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu bếp.
Nhiều người thấy chị chia sẻ những bữa cơm chỉn chu hàng ngày đã nghĩ 8X đầu tư nhiều thời gian cho nấu ăn. Nhưng với chị Thùy lại không hoàn toàn như vậy. Cách sắp xếp công việc theo thứ một cách khoa học đã giúp chị biến bếp núc trở thành thứ vô cùng đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng.
“Một lần đi chợ hoặc siêu thị mình thường mua thức ăn cho 1-2 ngày, rồi về sơ chế sạch cất tủ lạnh. Mình thấy làm vậy lúc nấu ăn cũng rất nhàn. Các bữa sáng thì thường mình chuẩn bị trước từ tối hôm trước để sáng hôm sau bớt tất bật.
Còn các bữa ăn chính thì bỏ ra thời gian từ 30-40 phút để chế biến. Nhà mình có 4 thành viên, bé lớn nhà mình 12 tuổi, bé thứ 2 cũng 6 tuồi nên các bé tự làm được nhiều việc và giúp mẹ việc bếp núc”, chị Thùy tự hào nói. Bà mẹ đảm còn khẳng định, những lúc cùng các con vào bếp lại là dịp bản thân chia sẻ với các con giá trị của đồ ăn để giúp các con biết quý trọng sức lao động của người nông dân.
Theo: Eva