Một vài bí quyết dưới đây giúp cho món trứng vịt lộn luộc mềm thơm, ngọt nước, dịu mùi, để lâu vẫn không bị tanh.
1. Chọn trứng vịt lộn tươi ngon
Chọn trứng vịt lộn non của vịt chạy đồng là ngon nhất. Ảnh: Bùi Thủy
Trứng vịt lộn chọn quả non là ngon và giàu chất dinh dưỡng nhất.
Các dấu hiệu nhận biết trứng ngon: Phần vỏ trứng hơi thô ráp, cầm nặng tay, lắc nhẹ không nghe thấy tiếng, trứng ấp khoảng 17-20 ngày tuổi. Khi cho vào nước trứng nổi lên. Nên chọn quả vừa phải, nhiều lòng đỏ son giàu chất bổ dưỡng. Còn trứng vịt già là màu xanh sạm, cầm nhẹ tay, lắc trứng thấy kêu sòng sọc, ăn khô cứng, ít chất hơn.
Trứng vịt lộn mua về nhẹ nhàng rửa sạch. Theo nhiều nghiên cứu, mỗi người lớn khỏe mạnh chỉ nên ăn 2 quả trứng vịt lộn mỗi tuần. Nếu ăn nhiều quá dễ bị dư thừa vitamin A gây vàng da, tăng cholesterol trong máu, là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Vì thế, cân đối số lượng cho phù hợp theo số người.
2. Phụ liệu luộc kèm khử tanh, ngọt nước
Nước dừa tươi, gừng giúp trứng vịt ngọt nước, không tanh. Ảnh: Bùi Thủy
Thông thường mọi người hay luộc trứng bằng nước lã. Nhiều hàng quán ở Sài Gòn tấp nập khách lại có bí quyết riêng là luộc trứng vịt lộn bằng nước dừa tươi để cho vị ngọt tự nhiên. Nên chọn quả dừa có cơm dừa hơi cứng chút vì sẽ cho nước ngọt thanh. Thêm chút gừng tươi đập dập vừa giúp khử tanh, vừa giúp cân bằng âm dương vì trứng vịt lộn theo Đông y vốn mang tính hàn.
Nếu không có nước dừa, có thể pha chút xíu muối, đường vào nước luộc cũng tạo vị ngọt cho trứng vịt lộn.
3. Cách luộc
Luộc trứng vịt lộn tầm 15 phút, ngâm thêm 5 phút chín tới. Ảnh: Bùi Thủy
Cho nước dừa vào nồi, thêm chút muối và vài lát gừng đập dập. Khi nước sủi tăm cho trứng vịt vào muôi rồi nhẹ nhàng cho vào nồi luộc. Khuấy nhẹ cho trứng định hình đều khi chín. Khi nước sôi trở lại hạ lửa nhỏ, đậy vung và luộc trứng khoảng 15-18 phút là trứng chín tới. Tắt bếp, đậy vung tiếp tục ủ khoảng 5 phút cho trứng ngậm nước sẽ chín mọng, ngọt thơm. Cách luộc này giúp trứng luôn thơm nóng, ngọt nước và mùi dịu hơn.
4. Gia vị và rau ăn kèm
Tùy theo khẩu vị mỗi vùng miền mà cách ăn, gia vị ăn kèm cũng khác nhau. Người Hà Nội thường ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, đập trứng vào bát nhỏ, thêm rau răm, gừng thái sợi, có người thêm chút giấm ngâm tỏi. Vị béo ngậy của trứng hòa với vị cay ấm của rau răm, gừng kích thích vị giác ngày mới.
Người miền Nam thường ăn trứng vịt lộn vào buổi tối. Khi ăn đặt trứng lên ly nhỏ uống rượu (còn gọi là cái chung), rồi dùng muỗng nhỏ đập vỏ, múc từng phần ăn dần cùng muối tiêu chanh hoặc một số nơi thêm sốt me, nướng muối ớt… Ở Tây Nguyên thì thường cầm trực tiếp quả trứng trên tay, bọc thêm giấy cho đỡ nóng rồi bóc ăn.
Trứng vịt lộn ăn kèm rau răm, gừng, hạt tiêu cân bằng âm dương. Ảnh: Bùi Thủy
Dù ăn theo cách nào thì rau răm đi kèm trứng vịt lộn không thể thiếu. Đây là cách kết hợp hài hòa âm dương trong cơ thể. Theo y học cổ truyền, trứng vịt lộn tính hàn, bổ dưỡng vì thế cần kết hợp với rau răm vị cay nồng, tính ấm để chống lạnh bụng, đầy hơi. Lượng gia vị cho một lần ăn tối đa 2 quả trứng vịt lộn là 5 gram rau răm tươi và 5 gram gừng tươi.
Chú ý khi ăn trứng vịt lộn: Với phụ nữ có thai không nên ăn nhiều rau răm vì tính nóng không tốt cho thai nhi. Chỉ ăn khoảng hai quả mỗi tuần. Những người bị bệnh cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, tim mạch cũng hạn chế vì ăn nhiều dễ gây tắc nghẽn động mạch.
Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện ăn trứng vịt dễ gây đầy bụng. Các bé từ 5 tuổi trở lên có thể ăn 1/2 quả trứng vịt lộn mỗi lần và chỉ 2 lần mỗi tuần.
Bùi Thủy
Theo VnExpress