Trứng gà dễ ăn lại giàu dinh dưỡng nên được rất nhiều người ưa chuộng, sử dụng. Tuy nhiên có 3 thời điểm không nên ăn trứng gà kẻo hại sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của trứng gà
Theo thông tin từ website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thành phần của trứng gà gồm lòng đỏ và lòng trắng.
Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng, trong 100 gam chứa protein 13,6 gam; lipid 29,8 gam; 134 mg canxi; sắt 7.0 mg; kẽm 3,7 mg; folat 146 μmg; vitamin A 960 μg; cholesterol 2000mg và rất nhiều các vitamin và khoáng chất khác, cũng như acid béo không no một hay nhiều nối đôi. Chất đạm trong lòng đỏ trứng có các acid amin hoàn thiện và tốt cho sức khỏe, chủ yếu chất đạm ở trạng thái hoà tan.
Thành phần của lòng trắng có ít chất dinh dưỡng hơn, trong 100 gam có 10,3 gam protein; canxi 19 mg. Chất đạm của lòng trắng chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần các acid amin tương đối toàn diện.
Cả lòng đỏ, lòng trắng đều có chất Biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng của cơ thể. Ảnh minh họa.
Trứng gà có nguồn chất béo rất quý là Lecithin. Chất này có ít ở các thực phẩm khác và nhiều trong trứng gà. Nhiều nghiên cứu cho thấy Lecithin có tác dụng điều hoà lượng cholesterol, ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Trứng gà chứa lượng cholesterol đáng kể (600mg/100g), nhưng nhờ sự có mặt của Lecithin sẽ phát huy vai trò điều hoà cholesterol.
Trứng gà cũng là nguồn vitamin và chất khoáng tốt. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, i-ot… Các vitamin như B1, B6, A, D, K thường tập trung đa phần ở lòng đỏ. Trong lòng trắng trứng chỉ có một ít vitamin tan trong nước (B2, B6).
Cả trong lòng đỏ và lòng trắng trứng đều chứa chất Biotin (vitamin B8), tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng của cơ thể.
3 thời điểm không nên ăn trứng gà
Trứng gà bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng có 3 thời điểm được khuyến cáo không nên ăn.
Không ăn khi bị sốt
Trong trứng gà có rất nhiều protein, sau khi ăn sẽ tạo ra một nhiệt lượng lớn. Những người bị sốt, nhất là trẻ em, ăn trứng gà lúc này thì nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên, không phát tán ra ngoài được, do vậy sốt càng cao và lâu khỏi. Vì vậy, khi bị sốt, nên hạn chế ăn trứng gà và những thực phẩm giàu đạm, thay vào đó nên uống nhiều nước, ăn rau quả tươi.
Không ăn khi bị tiêu chảy
Rất nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân tiêu chảy nên được bồi dưỡng bằng những thực phẩm bổ dưỡng như trứng gà. Thực ra, ở các bệnh nhân này, dịch tiêu hoá tiết ra ít hơn, tính năng men tiêu hoá bị giảm nên khả năng chuyển hoá đường, đạm, mỡ không được như trước. Chức năng tái hấp thụ nước và chất dinh dưỡng ở ruột non cũng gặp trở ngại, phần lớn bị thải ra ngoài qua đường tiêu hoá. Vì thế, trong thời gian bị tiêu chảy bệnh nhân không nên ăn trứng gà và để cho đường ruột được nghỉ ngơi.
Không ăn khi bị sỏi mật
Các bác sĩ khuyên rằng bệnh nhân sỏi mật không nên ăn trứng gà do lúc này chức năng co bóp của túi mật trở nên yếu dần nên nếu ăn nhiều thực phẩm giàu protein như trứng, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, sinh ra các triệu trứng như đau, nôn mửa… Tuy nhiên, không phải vì thế mà bệnh nhân sỏi mật phải kiêng hẳn trứng gà. Họ vẫn có thể ăn với lượng vừa phải để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Một số lưu ý khi sử dụng trứng gà làm thực phẩm hằng ngày
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân nêu rõ, trung bình mỗi tuần người trưởng thành có thể ăn 3 – 4 quả trứng nhưng với trẻ em trong tuổi ăn dặm (6 – 7 tháng) thì không nên ăn quá 1/2 quả/bữa và 2 – 3 quả/tuần.
Trẻ 8 – 12 tháng tuổi mỗi bữa nên ăn 1 quả trứng nhưng tối đa mỗi tuần không quá 3 quả trứng. Trẻ 1 – 2 tuổi nên ăn tối đa 1 tuần không quá 4 quả trứng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên không nên quá 6 quả/1 tuần.
Với những người có nồng độ cholesterol trong máu cao hay bị bệnh cao huyết áp thì vẫn có thể ăn trứng nhưng chỉ nên duy trì số lượng 1 – 2 lần/ tuần.
Cần lưu ý rằng, không phải cứ ăn trứng gà là cơ thể sẽ hấp thu được hết dưỡng chất có trong thực phẩm này. Để khai thác tối đa hàm lượng dinh dưỡng có trong mỗi quả trứng gà thì bạn cũng nên:
– Không uống trà nếu trước đó ăn trứng vì protein trong trứng kết hợp với axit tannic trong trà dễ gây khó tiêu.
– Không ăn trứng gà với đậu nành vì sự kết hợp này làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng ở cả 2 loại thực phẩm.
– Tránh ăn trứng lòng đào hay trứng sống vì dễ gây ngộ độc, nôn hoặc bị nhiễm khuẩn.
– Không luộc trứng gà quá chín dễ làm mất dưỡng chất của trứng.
– Không ăn trứng gà luộc để qua đêm.
– Không uống thuốc kháng viêm sau khi ăn trứng gà để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.
Theo: 24h