Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình mà bạn hãy chuẩn bị một mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 tươm tất nhất có thể nhé!
Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm còn được gọi là Lễ Vu Lan (báo hiếu) hay còn được gọi là Tết Trung Nguyên. Ngày Lễ hay Tết này có nguồn gốc từ đạo Phật với sự tích bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi quỷ đói. Bên cạnh đó, Rằm tháng 7 còn trùng với lễ cúng chúng sinh (còn được gọi là lễ cúng cô hồn hoặc xá tội vong nhân).
Tuy cúng cùng một ngày nhưng lễ này hoàn toàn khác nhau, chúng ta không nên nhầm lẫn. Cúng Vu Lan nhằm báo hiếu tổ tiên 7 đời, những người thân đã mất còn cúng cô hồn có mục đích bố thí, làm phúc cho những vong hồn lang thang, không có người thờ cúng.
Rằm tháng 7 năm 2023 rơi vào ngày thứ 4, 30/08 Dương lịch. Vì chính rằm vào ngày thường trong tuần nên nhiều gia đình đã thực hiện chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 từ ngày 11, 12 Âm lịch, nói chung tùy theo cách sắp xếp thời gian của mỗi người.
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng 7 của chị Vũ Thu Hương.
Dưới đây là cách chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên, mâm cúng Phật và mâm cúng chúng sinh, các bạn có thể tham khảo nhé:
1. Mâm cúng thần linh, gia tiên
Mâm cúng thần linh, gia tiên rằm tháng 7 rất giống với mâm cỗ ngày Tết truyền thống, thường bao gồm 2 phần, 1 là mâm lễ, 2 là mâm cỗ mặn hoặc chay.
– Ở mâm lễ thường bao gồm các lễ vật như: 1 đĩa trầu cau, 1 đĩa trái cây, hương, trà, rượu, vàng mã (quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, đồ trang sức…), đèn cầy.
– Ở mâm cỗ mặn, các món ăn sẽ bao gồm những món mặn truyền thống như gà luộc, xôi, giò lụa, nem rán, canh măng, miến xào hoặc rau củ quả xào thập cẩm, canh rau củ… Hoặc có thể là các món ăn hiện đại phù hợp với khẩu vị của gia chủ, miễn là có đầy đủ tấm lòng thành.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 của chị Vũ Thu Hương.
Nếu bạn muốn cúng chay thì có thể chuẩn bị các món chay giống như mâm cỗ cúng Phật.
2. Mâm cúng Phật
Ban thờ Phật vốn là ban thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Rằm tháng 7 là lễ lớn rất có ý nghĩa đối với những người theo đạo Phật cũng chính là ngày lễ Vu Lan báo hiếu.
Mâm cỗ cúng Phật thường gồm các lễ vật như: 1 lọ hoa tươi (hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn… ), 1 đĩa ngũ quả và một mâm cỗ chay gồm các món như giò chay, rau thập cẩm xào chay, nem chay, canh rủ chay hoặc bất cứ món chay nào bạn thích, quan trọng nhất vẫn làm tấm lòng thành tâm, hiếu kính của gia chủ.
Thời gian cúng Phật nên là ban ngày.
Một mâm cỗ chay cúng Rằm của chị Nguyễn Hoa.
3. Mâm cỗ cúng chúng sinh (cúng cô hồn) Rằm tháng 7
Mâm cỗ cúng chúng sinh được thực hiện ở ngoài trời. Thời gian cúng thường là buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 Âm lịch. Theo quan niệm dân gian, đây là thời gian Diêm Vương mở cửa Ngũ môn để các linh hồn trở về Dương thế nên thích hợp nhất để thực hiện lễ cúng.
Mâm cỗ cúng cô hồn thường bao gồm các lễ vật như: Tiền vàng, quần áo chúng sinh, hoa tươi, mâm ngũ quả, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, các bát cháo trắng, các cục đường thẻ, bỏng, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc, mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc dài khoảng 15cm), bánh kẹo các loại, tiền trần (chủ yếu là tiền lẻ), 3 ly nước nhỏ, 3 cây nhang, 2 cây nến…
Có một điều cần lưu ý, nếu bạn muốn cúng cô hồn thì chỉ cúng đồ chay, không cúng mặn. Theo quan điểm dân gian, nếu cúng mặn sẽ khơi dậy tham, sân, si của các vong hồn nên cần phải tránh.
Mâm cỗ chúng sinh chỉ bao gồm các đồ chay, không cúng mặn (Ảnh: Internet)
4. Gợi ý một vài mâm cúng Rằm tháng 7 đơn giản, dễ làm, ai cũng có thể thực hiện được
Một mâm cỗ cúng mặn của gia đình chị Đỗ Thuỳ Linh gồm: Xôi ruốc nấm, nộm tai heo, nem rán, canh mọc, gà luộc, rau củ xào thập cẩm.
Mâm cỗ nhiều món hấp dẫn từ hải sản của chị Trang Mi.
Mâm cỗ chay của chị Đan Vy: – Xôi hạt sen lá dứa – Chè đậu xanh hạt kê – Bánh trái cây đậu xanh (mua sẵn) – Đậu hũ ngâm tương – Chả giò chiên xù – Gỏi nấm đùi gà – Canh chua chay.
Mâm cỗ chay của chị Thuỳ Giang gồm: – Chả rong biển sốt cay – Nấm xào sả ớt – Miến xào rau củ – Nem khoai môn – Salad rau củ – Canh củ sen – Chè bưởi cốm dừa – Bánh xu xê nhân cốm xào – Bánh trung thu nướng, bánh dẻo nhân cốm xào.
Mâm cỗ chay của chị Phạm Thu Hiền
Theo: Eva