Chỉ tính riêng các giống cải phổ biến, quen thuộc thì đã có hàng chục loại, liệu bạn có tự tin rằng mình biết cách phân biệt tất cả các loại rau cải?
Cải là một trong những loại rau quen thuộc trong bữa ăn của gia đình Việt. Tuy nhiên, nếu không phải là người đi chợ và nấu nướng, bạn chưa chắc đã biết cách phân biệt các loại rau cải một cách chính xác. Hãy đọc các thông tin dưới đây để biết thêm về một số giống cải; còn nếu bạn cảm thấy mình đã biết nhiều rồi, hãy tự kiểm tra xem lâu nay mình có nhầm lẫn không nhé.
Cách phân biệt các loại rau cải
Cải ngọt
Cải ngọt có thân màu xanh trắng, tròn, không phân nhánh. Lá có đầu tròn, hơi tù, màu xanh thẫm, càng về cuống thì càng nhạt, mép có nhiều gân.
Về thành phần dinh dưỡng, cải ngọt chứa albumin, đường, vitamin B1, iốt…. Rễ và lá có nhiều chất kiềm thúc đẩy sự tiêu hoá, giúp cơ thể tiếp thu albumin bảo vệ gan, giảm mỡ trong gan.
Cải ngọt thường được các bà nội trợ lựa chọn vì hương vị dễ ăn, kết hợp được với nhiều nguyên liệu khác để tạo ra các món ăn ngon như cải ngọt xào thịt bò, cải ngọt xào nấm, cải ngọt xào tỏi, canh rau cải thịt bằm…
Cách phân biệt các loại rau cải: Cải ngọt thân xanh trắng, lá màu xanh thẫm, đầu tròn hơi tù. (Ảnh: Vegetablesasia)
Cải thảo
Cải thảo cũng là dạng lá cuốn như cải bắp, nhưng nó cuốn theo hình tròn trụ. Lá ngoài có màu xanh đậm, càng vào lớp trong thì màu nhạt dần thành xanh sáng, vàng tươi. Cuống lá cải thảo khá rộng và có màu trắng.
Cải thảo có hình tròn trụ, đỉnh hơi thuôn nhọn. (Ảnh: Tasting Table)
Cải thảo chứa nhiều vitamin A; vitamin C và một số chất khác như carbon hydrat, kali, natri protein… Nó được sử dụng để chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như kim chi, salad, cải thảo xào, canh cải thảo, cải thảo cuốn thịt… hoặc cắt nhỏ nhúng lẩu.
Đặc biệt, gần đây thị trường còn có loại rau cải thảo tím.
Hiện nay thị trường có thêm giống cải thảo tím. (Ảnh: Thoroughly Nourished Life)
Cải thìa
Cải thìa (cải chíp, cải bẹ trắng) rất gần gũi với các bữa ăn của người Việt. Thân cải thìa mập, lùn, cuống dày màu trắng. Cuống có khá nhiều gân và chứa nhiều nước.
Cải thìa có vị ngọt, tính mát. Nó chứa nhiều chất bổ dưỡng như kali, axit folic, vitamin A và C và đặc biệt chứa nhiều glucosinolat.
Loại cải này được sử dụng để chế biến các món cải thìa xào nấm, cải thìa xào bò, canh cải thìa, nhúng lẩu.
Cách phân biệt các loại rau cải: Cải thìa thân mập, lùn, cuống dày màu trắng và có khá nhiều gân. (Ảnh: Healthy Food Guide)
Cải bẹ xanh
Cải bẹ xanh (cải cay, cải sen, hay bẹ dưa) có vị đắng; thân bẹ màu xanh nhạt, lá hình cánh quạt hoặc tròn, gốc cuống lá to, ôm chặt vào thân.
Cải bẹ xanh rất dễ trồng, sinh trưởng tốt. Rau có vị cay khá mạnh, hơi đắng, thường được dùng để muối dưa.
Cải bẹ xanh hay còn gọi là cải cay, cải sen, cải bẹ dưa có vị cay và đắng nên thường dùng để muối dưa. (Ảnh: Blog Utop)
Cải canh
Cải canh còn được gọi là cải đắng, có cuống lá dày, mọng nước, lõm ở giữa tạo thành đường rãnh. Xung quanh lá cải có răng cưa không đều.
Trong cải canh có nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết như canxi, sắt, kali, riboflavin, magiê và thiamine (vitamin B1). Nó cũng chứa một lượng nhỏ kẽm, selen, phốt pho, niacin (vitamin B3) và folate.
Xung quanh lá cải canh có răng cưa không đều. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Loại rau này có vị hơi đắng và cay nhẹ, thường được sử dụng để xào tỏi, ăn lẩu, nấu canh cá rô, canh cá khoai… Do có vị cay nhẹ, nó cũng thường được dùng ăn kèm với các món cuốn như bánh tráng cuốn thịt, bánh xèo, thịt bò cuốn lá cải… Đặc biệt, nhiều người rất mê món cải canh cuốn thịt bò xào lăn.
Cải ngồng
Cải ngồng có hình dáng khá đặc biệt. Thân cải to, mềm, không phân nhánh. Lá to và dày, bề mặt nhẵn. Cây cảnh ngồng được bán cho khách hàng nhiều khi đã ra hoa màu vàng, có vị cay nhẹ hơi đắng.
Cải ngồng rất giàu khoáng chất và các vitamin A, B, C, chất betacaroten chống oxy hóa…Chúng vừa tốt cho sức khỏe, giúp nâng cao sức đề kháng chống chọi lại sự thay đổi của thời tiết, vừa làm đẹp da. Thường xuyên đưa cải ngồng vào thực đơn cũng sẽ rất tốt cho mắt.
Loại rau này phù hợp để chế biến các món như cải ngồng xào tỏi, cải ngồng xào thịt bò, canh cải ngồng nấu tôm…
Cách phân biệt các loại rau cải: Cải ngồng thân to, mềm, không phân nhánh; lá to và dày, bề mặt nhẵn. (Ảnh: Culinaemundi)
Cải xoong
Cải xoong rất ưa đất mát, phát triển tốt ở nơi ẩm ướt, có dòng nước chảy nhẹ. Hình dáng cải xoong khác hẳn so với các loại rau cải khác. Thân cải xoong trôi nổi trên mặt nước, lá phức hình lông chim. Cải xoong có hoa nhỏ màu trắng và xanh lục, mọc thành cụm.
Cải xoong được sử dụng để xào thịt bò, nấu canh, làm salad, ăn lẩu…
Cải xoong có hình dáng khác hoàn toàn với các loại cải khác. (Ảnh: Starfoods Exim JSC)
Cải bó xôi
Cải bó xôi (rau chân vịt, rau bina) là loại cây thân thảo, mọc thẳng đứng. Cuống lá dài, lá tròn, dày, màu xanh đậm. Thân và lá giòn nên rất dễ gãy, dập.
Cải bó xôi có nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, magie, canxi, vitamin A , C, K nên rất tốt cho trẻ em và những người cần bồi bổ cơ thể.
Cải bó xôi thường được dùng để xào, nấu canh, nấu cháo cho em bé.
Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt, rau bina, rất tốt cho em bé. (Ảnh: Tasting Table)
Cải xoăn (cải Kale)
Đây là loại cải mới du nhập Việt Nam và rất được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao. Loại cải này có viền xoăn từ đầu đến cuối lá, lá xanh hoặc tím, thân cứng và to.
Cải xoăn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C, B6, sắt, magie, canxi, kali. Việc thường xuyên ăn cải xoăn có thể giúp đào thải độc tố, tăng cường thị giác, hỗ trợ giảm cân và ngăn ngừa lão hóa xương.
Loại rau này thường được dùng để làm salad, nấu súp, nấu canh hoặc xay sinh tố; khi thưởng thức có vị hơi đắng.
Cải xoăn (cải Kale) có viền xoăn từ đầu đến cuối lá, lá xanh hoặc tím. (Ảnh: Sun Valley Farms)
Cải cúc
Cải cúc còn được gọi là rau tần ô, lá ôm vào thân, xẻ thành hình lông chim. Cụm hoa mọc ở nách lá, màu vàng, mùi thơm.
Cải cúc vừa là rau vừa là thuốc, có tính mát và giúp giải nhiệt, lưu thông khí huyết. Rau cải cúc chủ yếu được dùng để nấu canh với tôm sú, thịt băm, cá khoai hoặc nhúng lẩu. Khi thưởng thức, rau có vị đắng nhẹ, mùi nồng đặc trưng.
Cải cúc lá ôm vào thân, xẻ thành hình lông chim. (Ảnh: Pinterest)
Bỏ túi cách phân biệt các loại rau cải ở trên, bạn sẽ tự tin chọn đúng loại rau cải mình cần mỗi khi đi chợ.
Theo: Afamily