Mâm cúng Trung thu của mẹ Việt 19 năm ở Hàn

19 năm sống ở Busan, chị Thanh Thủy quen tất bật chợ búa, nấu ăn, chuẩn bị mâm cúng theo đúng phong tục người Hàn mỗi mùa trung thu gần kề.

Chị Thanh Thủy sinh năm 1982, quê gốc Tiền Giang và từ nhỏ lớn lên tại TP HCM. 22 tuổi, chị kết hôn với chồng Hàn Quốc, sinh hai con và làm công việc phiên dịch viên tại thành phố biển Busan. Làm dâu nơi xứ lạ, chị Thủy bắt nhịp dần với các phong tục tập quán quê hương nhà chồng.

Mâm cúng Trung thu của mẹ Việt 19 năm ở Hàn

Chị Thanh Thủy, nàng dâu Việt Nam ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Nói đến trung thu, chị Thủy cho hay tại Đông Á, Hàn Quốc là đất nước coi trọng ngày lễ này nhất. Ở Việt Nam, “Trung thu là Tết thiếu nhi”. Tại Trung Quốc, đây là dịp gia đình đoàn viên. Còn với Hàn Quốc, trung thu là cái Tết lớn nhất năm, tương đương Tết Nguyên đán của người Việt và người Hoa.

Chị Thủy giải thích: “Trung thu là lúc mùa màng bội thu, người Hàn Quốc muốn tạ ơn trời đất và tổ tiên. Thời tiết ấm áp, không còn nóng như lúc mùa hè, cũng chưa giá lạnh như khi sang đông. Rau củ, trái cây đa dạng. Những điều này càng thuận lợi cho việc cúng bái”.

Do đó, mâm cúng Trung thu của người Hàn Quốc cũng phong phú và phức tạp. Tùy điều kiện gia đình, mâm cúng dâng ba, năm hoặc bảy loại trái cây; mỗi loại bày ba, năm hoặc bảy trái. Nhà chị Thủy thường chọn lê, táo, dưa hấu, hồng, ổi…

Trên mỗi đĩa trái cây, quả đặt cao nhất được cắt một phần đầu. Chị cho biết người Hàn quan niệm cắt sẵn để ông bà tổ tiên dễ dàng thưởng thức. Sau khi cúng xong, các đĩa trái cây được đem ra trước cửa, đối với nhà đất, hoặc đặt xuống sân chung cư để mời những người đã khuất về ăn.

Mâm cúng Trung thu của mẹ Việt 19 năm ở Hàn

Trên mâm cúng trung thu năm ngoái của gia đình chị Thủy, songpyeon là loại bánh tròn màu nâu, giống bánh trung thu của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trong khi người Hoa, người Việt rộn ràng làm và mua bán bánh nướng, bánh dẻo trung thu, người Hàn không thể thiếu loại bánh truyền thống songpyeon trên mâm cúng. Đó là thứ bánh làm bằng bột gạo nếp, bên trong nhân đậu xanh hoặc mè và được hấp chín. Hình thù của songpyeon ngày nay biến tấu đa dạng, có khi đúc khuôn trông giống bánh trung thu; có lúc phần vỏ bóng mượt từa tựa bánh dày ngải cứu, bánh dày gấc của bà con miền núi phía Bắc Việt Nam.

Ngoài trái cây và bánh songpyeon, mâm cúng Tết trung thu người Hàn còn cần đĩa cá khô chiên, bánh gạo tteok-bokki, các món canh, ba hoặc năm loại rau cùng nhiều loại kim chi. Chỉ cúng duy nhất sáng 15/8 âm lịch nhưng gia đình chị Thủy thường đi chợ trước đó vài ngày. Tối 14 âm, chị cùng các em gái của chồng làm bánh, chuẩn bị nguyên liệu để sáng hôm sau nấu nướng.

Không có ban thờ quanh năm như người Việt, người Hàn bày đồ cúng trên bàn gỗ, phía sau căng khung tranh. Chị Thủy cho biết chồng chị là con trai cả nên vợ chồng chị sống cùng mẹ chồng. Mỗi dịp Trung thu, các em chồng sẽ tề tựu về nhà chị cùng cúng lễ và đón Tết.

Mâm cúng Trung thu của mẹ Việt 19 năm ở Hàn

Một loại bánh songpyeon hơi giống bánh dày ngải cứu của Việt Nam.

Mặc dù làm phiên dịch tiếng Hàn từ lúc còn ở Việt Nam, chị Thủy chưa biết nhiều về phong tục Trung thu Hàn Quốc, trước khi theo chồng xa quê hương. Những ngày đầu làm dâu nơi đất khách, chị thấy hơi khó khăn trong việc nấu nướng vì người Hàn ăn cay, dùng nhiều ớt. Nhưng quen dần, chị thấy mọi thứ đơn giản và mâm cúng không còn là gánh nặng.

Mỗi năm, người Hàn được nghỉ Tết Trung thu ba ngày. Riêng năm nay, kỳ nghỉ kéo dài 6 ngày do trùng cuối tuần. Ngoài việc cúng lễ tại nhà, vợ chồng chị Thủy thường đi thăm mộ tổ tiên, lễ chùa vào dịp này. Bản thân chị còn dành thời gian họp mặt với hội chị em đồng hương Việt Nam ở Busan, tham gia hoạt động múa truyền thống, thăm các ngôi làng văn hóa, xem đấu vật…

Mâm cúng Trung thu của mẹ Việt 19 năm ở Hàn

Chị Thủy cùng các chị em Việt Nam thăm làng văn hóa Gamcheon dịp nghỉ trung thu. Ảnh: NVCC

Phong Kiều

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi