Dưa bồn bồn muối chua là món đặc sản miền Tây được nhiều người ưa thích.
Trước kia từng là loại cây mọc hoang có hại cho việc đồng áng nhưng nhiều năm trở lại đây, bồn bồn được người dân miền Tây chế biến thành món đặc sản được nhiều người ưa thích.
Bồn bồn, còn được gọi là thủy hương. Đây là một loại cây thuộc họ lau sậy, mọc nhiều ở vùng nước phèn mặn, rễ thả nổi và phần lá dài tựa như lá sả. Từ một loại cỏ hoang dại, được người dân tận dụng làm bữa ăn cho gia đình, bồn bồn bỗng dưng trở thành đặc sản vì hương vị độc lạ của chúng.
Người dân đang thu hoạch bồn bồn. Ảnh: Thám hiểm Mekong
Với những ai chưa từng được thưởng thức bồn bồn, hẳn sẽ tự hỏi hương vị của bồn bồn ăn như thế nào. Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng biết vị ngó sen ít nhất một lần trong đời cũng như vị của măng tươi giòn ngọt ra sao. Vị của bồn bồn ăn tựa như hai vị ngó sen và măng quyện lại, giòn giòn, mát mát, chua chua, ăn rất lạ miệng.
Phần lõi bồn bồn màu trắng sáng, non và giòn được sử dụng làm nhiều món ăn ngon. Ảnh: Thám hiểm Mekong
Bồn bồn được người dân miền Tây sử dụng làm nhiều món ngon chẳng hạn như gỏi bồn bồn, dưa chua bồn bồn, bồn bồn nhúng lẩu, bồn bồn nấu canh, bồn bồn xào tôm thịt, canh dừa bồn bồn,… Bồn bồn là loại thực phẩm rất lành, tự nhiên, dân dã không có chất hóa học. Chính vì là loài cây mọc hoang, không cần đến bàn tay chăm sóc của người dân, hút dinh dưỡng màu mỡ từ đất mà lớn nên dùng làm thức ăn rất yên tâm.
Người ta thường thu hoạch bồn bồn từ lúc cuối hè, khoảng tháng 6 đến tầm tháng 11. Những vạt bồn bồn tua tủa tốt tươi được người dân kéo lên từ mặt nước. Nhặt lấy phần gốc, loại bỏ bẹ bên ngoài chỉ lấy phần lõi non chừng khoảng 30cm. Đây chính là phần để mang đi chế biến các món ăn ngon.
Ngoài bồn bồn nấu canh với nước cốt dừa, bồn bồn mang xào tôm và làm gỏi cũng được nhiều người ưa thích.
Tuy nhiên, món ăn được người tìm mua về làm quà khi đến các tỉnh miền Tây là bồn bồn muối chua. Dưa bồn bồn được đóng gói sạch sẽ trong lọ kín, nhìn lõi bồn bồn ngấu đủ độ chua đẹp mắt, làm món ăn kèm rất hao cơm.
Vào mùa bồn bồn, bồn bồn muối chua được bày bán nhiều ở dọc đường đi lẫn các tiệm tạp hóa. Đây cũng là món ăn quen thuộc và dân dã trong bữa cơm của người miền Tây.
Bồn bồn muối chua không khó làm nhưng tùy thuộc vào “tay làm” dưa của mỗi nhà mà vị chua dìu dịu có chút khác nhau. Lấy phần lõi non và trắng nhất của đọt bồn bồn chẻ làm đôi, ba hoặc bốn tùy sở thích và công thức riêng của từng nhà. Rửa sạch và để thật ráo nước.
Phần nước muối chua cũng có bí quyết khác biệt với muối chua sử dụng giấm như nhiều loại muối chua khác. Phần nước này được làm từ nước gạo có pha chút muối. Sau đó, đặt bồn bồn vào hũ sạch, đổ nước gạo vào, đậy nắp kín và để vài ngày là được.
Bồn bồn muối chua mang hương vị đặc trưng của sông nước, ruộng đồng, ánh lên mùi cỏ tươi và đất. Từng cọng bồn bồn muối có vị giòn, mềm vừa độ, tươi mát như vị ngó sen lẫn bùi bùi của măng tươi. Công thức cơ bản truyền thống chỉ có nước gạo và muối. Tuy nhiên, sự sáng tạo của các nhà làm bồn bồn muối chua cũng thay đổi nhiều phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều người cho thêm đường, tỏi giã nhỏ và ớt cắt lát để tăng thêm vị cay hấp dẫn cho bồn bồn muối chua.
Bồn bồn muối chua được biến tấu với tỏi ớt giúp món ăn thêm hấp dẫn. Ảnh: Sông Hương Foods
Bồn bồn muối chua ăn kèm với các món mặn vừa giúp giảm ngán tốt đồng thời kích thích cảm giác ngon miệng. Bồn bồn muối chua không chỉ là món ăn kèm hấp dẫn mà chúng còn được sử dụng linh hoạt trong các món xào thập cẩm hoặc canh chua. Thực đơn bữa cơm có phong phú hay không tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của người nấu khi kết hợp bồn bồn muối chua cùng với các nguyên liệu khác.
Thực ra, bồn bồn muối chua ăn theo cách nào cũng rất lạ miệng, để lại dư vị hấp dẫn và “cuốn”. Ăn hoài mà không thấy ngán.
Theo: Afamily