Giấm quả lê không chỉ có hương vị tinh tế, hấp dẫn mà còn có tác dụng làm đẹp da, phòng chống bệnh tật; cách làm giấm quả lê rất dễ, không gây tốn thời gian của bạn.
Giấm quả lê không chỉ có hương vị thơm ngon do sự kết hợp của giấm và quả lê lên men mà còn được chứng minh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Theo các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc, việc sử dụng giấm lê mỗi ngày sẽ giúp bạn có làn da sáng, phòng ngừa mụn nhọt, nám da do nó tác dụng thanh nhiệt, bảo vệ gan.
Bên cạnh đó, giấm lê còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chống mệt mỏi, giảm ho khan, bổ phổi khi thời tiết thay đổi.
Giấm quả lê có hương vị thơm ngon và rất dễ làm. (Ảnh: Douguo)
Cách làm giấm quả lê tại nhà
Nguyên liệu:
– Lê: 2 quả
– Giấm gạo: 250ml.
– Đường phèn: 20 gram.
Lê rửa sạch, ngâm trong nước muối để loại bỏ tạp chất, sau đó gọt vỏ và cắt lát. Lưu ý không cắt lát quá lớn, sẽ không có lợi cho quá trình lên men.
Lọ thủy tinh làm sạch, lau khô trước khi ủ giấm.
Sau khi ủ 20 ngày, bạn có thể đem giấm quả lê ra sử dụng. (Ảnh: Douguo)
Lần lượt cho lê vào đường phèn vào lọ. Xếp từng lớp lê mỏng rồi tới lớp đường xen kẽ để nguyên liệu có thể hòa trộn đều với nhau. Cuối cùng, bạn đổ giấm gạo vào và đậy kín.
Sau khi bảo quản 20 ngày, bạn có thể lấy giấm lê ra sử dụng.
Giấm lê giúp làm đẹp da và tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Douguo)
Khi sử dụng giấm lê, bạn nên pha với nước ấm theo tỷ lệ 1:10, mỗi ngày không uống quá 3 thìa giấm lê. Bạn có thể thêm vài lá bạc hà để tăng độ thơm ngon cho cốc nước.
Sản phẩm nên làm vừa đủ để sử dụng trong vòng nửa năm, không nên để quá lâu.
Lưu ý khi tự làm giấm quả lê tại nhà
Khi chuẩn bị nguyên liệu để làm giấm lê, bạn cần chọn quả lê tươi, không bị dập nát hoặc bị khô, mềm. Do sản phẩm được dùng để uống trực tiếp nên bạn cần chọn loại giấm tự nhiên, không có thành phần hóa học để đảm bảo sức khỏe.
Có thể thay thế đường phèn bằng mật ong đều tốt.
Không uống quá liều lượng vì có thể gây tác dụng không tốt. (Ảnh: Douguo)
Lúc mới ủ, bạn có thể lo lắng khi thấy quá trình sủi bọt của lọ giấm, tuy nhiên khi đã lên men thì lượng bọt sẽ giảm đi nhiều. Nếu bạn không thích lớp bọt, có thể sử dụng màng lọc.
Theo: Afamily