Nằm trong con ngõ Lương Sử C ở Quốc Tử Giám, quán bún riêu của anh Hoàng Minh Việt thu hút khách hàng nhờ cách bài trí độc đáo với toàn đồ cổ phong cách quý tộc.
Gần đây, hình ảnh quán bún riêu nằm sâu trong ngõ Lương Sử C (quận Đống Đa, Hà Nội) với phong cách trang trí cổ điển, tái hiện không gian quý tộc xưa và trưng bày nhiều món đồ độc bản do nghệ nhân xưa chế tác, đang gây sốt trên các hội nhóm ẩm thực mạng xã hội.
‘Mẹ vợ tôi bắt đầu bán bún riêu từ năm 1991 đến 1994 dưới dạng gánh hàng rong. Đến năm 1994, bà chuyển sang bán tại Hàng Bún, vào năm 2006, nhường lại địa điểm cho con trai tiếp tục kinh doanh. Còn mẹ vợ tôi chuyển về Hàng Khoai bán, nhưng do vấn đề mặt bằng, quán đã phải đóng cửa cách đây 4 tháng.
Vì mẹ đã tuổi cao và không muốn bà phải vất vả bán hàng ở vỉa hè nữa, tôi quyết định chuyển địa điểm về bán tại nhà từ đầu tháng 10′, anh Hoàng Minh Việt (44 tuổi), chủ quán chia sẻ.
Từ cửa vào, quán được bài trí với bộ tranh tứ quý gồm tùng, trúc, cúc, mai và xuân, hạ, thu, đông. Hai bên cửa đặt tượng con nghê, hình tượng phát triển từ chó đá, thường thấy ở các ngôi nhà xưa của Việt Nam, có nhiệm vụ canh giữ cửa cho gia chủ. ‘Vợ chồng tôi gọi vui con nghê là để đón chào khách khi đến nhà’, chủ quán nói.
Một bộ bàn ghế gỗ được đặt để khách ngồi chờ chỗ trống hoặc dành cho các nhóm đông người.
Anh Việt chia sẻ, không gian quán trước đây là khu vực sinh hoạt của gia đình. Khi mở quán, anh vẫn giữ nguyên cách bài trí cũ, chỉ di chuyển sập và chiếu ngựa lên gác để có không gian cho khách ngồi, còn lại mọi thứ đều giữ nguyên.
Quán mở cửa từ đầu tháng 10, nhưng chỉ sau một tuần, lượng khách đông quá khiến anh lo ngại không phục vụ kịp, ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng nên buộc phải đóng cửa trong 9 ngày.
Hầu hết các đồ vật trong quán đều do vợ anh Việt sưu tầm, tự lên ý tưởng và bày biện.
Bộ tranh tiên cảnh, thuộc dòng tranh cổ và có tuổi đời hơn 60 năm, được treo ở khu vực trung tâm quán làm điểm nhấn.
Những món đồ trang trí, từ gốm sứ đến gạch nung, cùng khu vực để đàn piano và những chiếc đồng hồ cổ, đều kết hợp một cách hài hòa, tạo nên không gian gần gũi và dễ chịu.
‘Đèn Tiffany được vợ tôi mua từng linh kiện rời như chao, đuôi, chân, bóng và tự lắp ráp. Sau nhiều lần thử kết hợp các linh kiện không phù hợp, chúng tôi thay bằng loại khác. Mất nhiều thời gian để ra chiếc đèn hoàn chỉnh. Mỗi chiếc có giá dao động từ 5-10 triệu đồng’, anh Việt cho biết thêm.
‘Từ nhỏ, vợ tôi đã lớn lên trong một không gian giống hệt như vậy với ông ngoại ở Hàng Chiếu, nên rất quen thuộc với phong cách này. Khi về làm dâu, cô ấy cũng thường xuyên sưu tầm đồ trang trí và bày biện trong nhà. Với gu thẩm mỹ tốt, vợ tôi tự thiết kế và trang trí không gian theo ý mình, và tôi luôn để vợ toàn quyền quyết định việc bài trí’, anh Hoàng Minh Việt (áo đen), chủ quán nói.
Chiếc bàn ăn tại quán được làm từ chân máy khâu, mặt bàn kết hợp giữa gỗ và gạch men. Các vật dụng như ống đựng đũa hay hũ đựng ớt chưng đều là gốm sứ.
‘Tôi đã ghé quán 3-4 lần nhưng đều không mở cửa, hôm nay mới có dịp quay lại. Tôi chưa từng thấy quán ăn nào có cách bài trí độc lạ như vậy’, anh Lê Xuân Đỉnh (áo đen), sống tại Ngã Tư Sở, cho hay.
‘Tôi đã ăn ở quán này nhiều lần từ khi còn mở ở chợ Đồng Xuân, nay biết quán đổi địa chỉ nên quay lại ủng hộ. Không gian mới đầy tính nghệ thuật khiến tôi khá bất ngờ. So với cơ sở cũ ở vỉa hè, quán giờ có chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái hơn. Hương vị có chút thay đổi, vị không còn đậm đà như trước đây’, anh Nguyễn Ngọc Duy (quận Đống Đa) cho biết.
Vào giờ cao điểm, từ 11h30, quán đông kín khách. Nhiều người không có chỗ ngồi và phải đứng chờ.
Quán mở cửa từ 10h-14h và 16h-24h, với giá từ 30.000 đến 55.000 đồng/bát. Thực đơn gồm bún riêu cua đậu rán giá 30.000 đồng/bát. Các topping bao gồm giò tai nấm hương, chả cá Hải Phòng, ốc, bò tươi và chả bò viên. Nếu khách gọi 2 topping, giá sẽ là 40.000 đồng, mỗi topping sẽ tính thêm 5.000 đồng.
‘Những người mới đến vì không gian quán lạ, nhưng khi quay lại là vì chất lượng món ăn và giá cả hợp lý, đó chính là thành công của quán’, anh Việt nói.
Tùng Đinh (Ngôi sao)