Tỏi ngâm chua ngọt có thể dùng ăn kèm với nhiều món ăn để tăng thêm hương vị, đồng thời cũng có nhiều tác dụng với sức khỏe như phòng trị cảm cúm khi giao mùa.
Tỏi là thứ gia vị không thể thiếu trong mỗi gian bếp Việt, thậm chí mâm cơm của nhiều gia đình luôn có tỏi sống, tỏi ngâm… để ăn kèm nhằm gia tăng độ ngon miệng và nâng cao sức đề kháng.
Trong nấu nướng, tỏi được phi với dầu mỡ để làm các món xào, được đập dập cho vào các loại nước chấm hoặc ướp thịt, cá trước khi chế biến, hoặc nướng lên làm món ăn kèm với bí tết. Ngoài ra, tỏi cũng thường được đem ngâm với giấm hoặc nước mắm nhằm kéo dài thời gian bảo quản và tạo ra một món ăn kèm hấp dẫn. Trong đó, món tỏi ngâm chua ngọt vừa dễ làm vừa dễ ăn, lại có nhiều lợi ích sức khỏe, gia đình nào cũng nên có một lọ.
Với món tỏi ngâm chua ngọt, bạn có thể dùng dần cả năm. (Ảnh: Sohu)
Nguyên liệu làm tỏi ngâm chua ngọt
– 5kg tỏi (nên chọn tỏi tím vì loại này có kết cấu giòn hơn, hương vị cũng đậm đà hơn, thích hợp làm món tỏi ngâm chua ngọt).
– 1 lít giấm trắng
– 2 lít giấm gạo
– 300gr đường phèn
– 300gr đường trắng
– 50gr muối
– 30ml rượu trắng.
Các bước làm tỏi ngâm chua ngọt
Tỏi mua về bóc vỏ ngoài để loại bỏ phần bùn đất. Dùng dao cắt bỏ phần rễ, lưu ý không được cắt lẹm vào phần thịt của củ tỏi. Loại bỏ những củ tỏi hỏng dập để không bị lên men thối, làm hỏng món ăn.
Để ngăn chặn các tạp chất, vi khuẩn bám vào bề mặt tỏi, bạn nên rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước, sau đó để ráo.
Ngâm tỏi trong nước muối để làm sạch tạp chất. (Ảnh: Sohu)
Chuẩn bị một ít nước đun sôi để nguội, đổ muối vào rồi dùng đũa sạch khuấy đều cho tan hết. Cho đường và tỏi vào nước, có thể dùng đĩa sạch hoặc các vật nặng sạch khác đè lên để tỏi ngập hoàn toàn trong nước muối, để yên trong hơn 4 giờ.
Sau 4 giờ ngâm tỏi, bạn vớt ra rổ, đặt ở nơi thoáng khí để tỏi khô hoàn toàn.
Tỏi sau khi được làm sạch cần đem hong cho ráo nước. (Ảnh: Sohu)
Đun sôi hỗn hợp đường và giấm cho đến khi tan chảy thì tắt bếp, để nguội hẳn mới sử dụng để ngâm tỏi.
Chuẩn bị lọ thủy tinh sạch và khô (tốt nhất nên tráng nước sôi để tiệt trùng sau khi rửa sạch), cho tỏi vào, đổ nước giấm chua ngọt đã nguội vào sao cho ngập toàn bộ tỏi. Cuối cùng, bạn đổ một ít rượu trắng vào và đậy kín. Để lọ ở nơi thoáng mát. Món tỏi ngâm chua ngọt có thể sử dụng sau 1 tháng.
Tỏi sau khi ngâm 1 tháng có thể sử dụng được. (Ảnh: Sohu)
Tỏi ngâm chua ngọt thành phẩm ăn rất giòn, thơm chứ không hăng. Ngoài tác dụng là món ăn kèm trong bữa cơm, nó còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, trị cảm cúm, giải độc cho cơ thể, đặc biệt trong tiết trời giao mùa. Nếu bị ho khan, viêm họng, ngoài việc ăn tép tỏi, bạn cũng có thể uống một chút nước giấm tỏi pha loãng.
Lưu ý khi làm món tỏi ngâm chua ngọt
Bạn không nên trực tiếp đem tỏi ngâm với hỗn hợp giấm đường mà trước đó cần ngâm qua nước muối để làm sạch, khử trùng, giúp món ăn có thể bảo quản lâu hơn. Nước muối cũng làm giảm vị hăng của tỏi, giúp món ăn có hương vị hấp dẫn hơn.
Khi ngâm tỏi, bạn đừng quên cho thêm một chút rượu trắng, nó có thể làm tăng hương vị của món ăn vừa giúp bảo quản được lâu.
Món tỏi ngâm giấm đường rất thích hợp để ăn kèm để chống ngán, kích thích vị giác. (Ảnh: Sohu)
Dung dịch ngâm tỏi phải được đun sôi và để nguội trước khi đem ngâm, vừa đảm bảo diệt khuẩn vừa giúp hòa quyện hương vị của các nguyên liệu, tỏi sẽ ngấm gia vị tốt hơn và có vị ngon hơn.
Để làm món tỏi ngâm chua ngọt, bạn phải dùng loại tỏi mới và tươi. Bạn nên để ý mùa vụ thu hoạch tỏi để làm món này và bảo quản ăn dần.
Theo: Afamily