Bạn cũng có thể chế biến món bún chả, nem cua bể hấp dẫn này đãi khách tới chơi nhà, đảm bảo ai ăn cũng mê tít.
Cuối tuần có nhiều thời gian rảnh rỗi bạn hãy thử làm món bún chả, nem rán cho cả nhà thưởng thức xem sao nhé. Chắc chắn ai cũng phải mê tít. Tham khảo cách làm bún chả nem rán của chị Vũ Thu Hương dưới đây:
Mẹt bún chả gồm các món:
– Bún rối tươi.
– Nem rán.
– Chả thịt nướng.
– Rau thơm.
Tham khảo cách làm nem rán, chả nướng dưới đây:
1. NEM CUA BỂ
Chuẩn bị nguyên liệu:
– 400 gram thịt nạc xay
– Bánh tráng nem( nếu được bạn hãy sử dụng nem bản vuông để trông thật giống món ăn truyền thống của người Hải Phòng nhé )
– 300 gram thịt cua
– 15 gram nấm mèo ( mộc nhĩ )
– 15 gram nấm hương
– 100 gram giá đỗ
– 1 củ cà rốt
– 1 củ đậu
– 2 quả trứng gà
– Hành lá
– Các loại gia vị : Hạt nêm, muối, mỳ chính
Cách làm nem cua bể:
Bước 1: Sơ chế
Củ đậu và cà rốt, hành tây thái nhỏ.
Miến, mộc nhĩ cùng nấm hương đem ngâm với nước ấm khoảng 5 phút để nở rồi cũng đem thái sợi nhỏ.
Giá đỗ rửa sạch và cắt khúc nhỏ hơn.
Bước 2: Làm nhân
– Thêm thịt lợn xay, thịt cua cùng cà rốt, củ đậu, mộc nhĩ, miến, nấm hương, giá đỗ, 3 quả trứng gà vào trộn đều với gia vị là muối, hạt nêm, một chút hạt tiêu.
Bước 3: Cuốn nem
– Nhúng nhẹ hoặc quét lên mặt bánh tráng một chút nước để bánh tráng mềm dễ cuốn hơn. Nên dùng một chút nước cốt chanh thay cho nước. Cách này sẽ làm nem giòn hơn sau khi rán.
– Đặt tấm bánh tráng lên một mặt phẳng, cho nhân vừa đủ vào giữa rồi gập 4 góc lại thành hình vuông.
Bước 4: Rán nem
– Cho dầu ăn vào chảo và đun nóng. Sau đó, cho cuốn nem đã gói xong vào rán vàng đều hai mặt. Có thể dùng chảo nhỏ, lòng sâu để nem được ngập dầu. Cách này sẽ giúp nem vàng và giòn hơn.
– Khi rán xong, đặt nem lên trên tấm giấy thấm dầu để loại bỏ bớt dầu thừa.
– Cắt nem thành miếng nhỏ cho dễ ăn.
2. CHẢ NƯỚNG
Nguyên liệu:
– Vỉ nướng: vỉ khi mua về Cần được sơ qua lửa để làm bay đi lớp dầu tráng bên ngoài, sau đó được xoa một lớp dầu ăn , để khi nướng thịt ko bị dính vào bề mặt của vỉ .
– Bún rối: 3kg.
– Rau sống: kinh giới, tía tô, húng quế, mùi, giá đỗ, xà lách.
– 1kg thịt nạc vai (tương ứng 3 thìa cà phê nhỏ bột canh, 2 thìa đường , 3 thìa mì chính, 3 thìa nước mắm nguyên chất), 1 thìa nước hàng để tạo màu, 1 thìa canh hành khô, 1 thìa canh tỏi khô băm nhỏ, hành lá thái nhỏ.
– Thịt miếng, 1 kg (nên chọn loại thịt ba chỉ rọi quế, làm số lượng nhiều bạn có thể chọn thêm thịt cổ, thịt nách, đó là những phần thịt ngon khi nướng sẽ có mùi vị đặc trưng). Gia vị ướp cùng: 3 thìa cà phê mì chính, 3 thìa đường, 2 thìa bột canh, sả băm nhỏ vắt lấy nước cốt, 1 thìa nước hàng, 1 thìa canh hành khô, 1 thìa canh tỏi khô băm nhỏ, hành lá thái nhỏ.
– Hành khô: 1,5 lạng, sả: 1,5 lạng
– Đu đủ xanh thái lát. Cho tiếp 1/3 muỗng canh muối vào tô rồi trộn đều, ướp khoảng 15 phút sau đó rửa sạch cà rốt và đu đủ lại với nước. Thêm tiếp 1.5 muỗng canh đường, 1/4 muỗng canh muối, 1 muỗng canh giấm, 1/2 muỗng canh tỏi băm vào rồi trộn đều và ướp thêm 15 phút nữa.
– Gia vị: Nước mắm, bột canh, đường, hạt tiêu.
Cách làm:
Bước 1: Làm chả viên
– Thịt nạc vai rửa sạch, để ráo nước , xay nhỏ.
– Hành khô bóc vỏ, bằm nhuyễn.
– Trộn chung tất cả nguyên liệu: Thịt xay, hành, các loại gia vị. Ướp khoảng 15 phút. Sau khi tẩm ướp, bạn có thể xoa một ít dầu ăn vào lòng bàn tay để khi nặn viên thịt ko bị dính vào tay, dùng thìa múc một lượng thịt nhỏ, nặn viên tròn hơi dẹt xếp lên vỉ nướng đã được xoa dầu ăn.
Chú ý khi nướng bạn cần đốt cho than cháy đều, tránh tình trạng khói âm ỉ dễ làm cho chả có màu đen, để có được những viên chả màu vàng ruộm, ăn ko khô, đòi hỏi người nướng phải thực hiện hai quy trình, thứ nhất đó là nướng sơ, từ khi thịt còn sống đưa lên vỉ nướng than Hoa bạn cần nướng chín từ 60-70%, sau đó để nguội và đến khi ăn thì tiến hành nướng thêm lần 2, làm được như vậy thì món chả viên sẽ ko bị khô xác và có mùi vị rất đặc trưng .
Bước 2: Làm chả miếng
Thịt thái miếng mỏng vừa ăn, tẩm ướp với các gia vị phía trên. Sau khi tẩm ướp gia vị khoảng 15 phút, xếp chả lên vỉ thực hiện thao tác nướng 2 lần giống như với chả viên. Cần chú ý xếp thịt theo cách sau, phần thịt nạc xếp chính giữa, phần thịt ba chỉ (vừa nạc vừa mỡ xếp xung quanh, để khi nướng thịt ko bị cháy mà có độ chín vàng đều.
Yêu cầu thành phẩm: Thịt nướng có màu vàng ruộm, thơm mùi gia vị tẩm ướp, ăn không bị khô, xác, nước chấm có vị ngọt của đường, thanh của dấm , đậm đà của nước mắm.
3. PHA NƯỚC CHẤM BÚN CHẢ
Chuẩn bị:
Nước mắm, giấm, đường, hạt tiêu, ớt, tỏi. Để tránh nước mắm có vị tanh các bạn có thể cho thêm một ít cam thảo để tăng vị ngọt mát.
Cách pha:
– Pha nước chấm gồm nước đun sôi, nước mắm, tỏi ớt băm nhỏ, đường, giấm, hạt tiêu: Bắc nồi lên bếp, cho vào non 1 chén nước mắm (khoảng 200ml), non 1 chén đường (khoảng 200gr), 1/2 chén giấm (khoảng 100ml) và 2 chén nước lọc vào và tiến hành đun cho các gia vị tan hoàn toàn và nước mắm bắt đầu sôi thì tắt bếp.
Chúc các bạn thành công!
Theo: Eva