Mỗi món ăn có hương vị riêng, đặc biệt thích hợp để thưởng thức trong mùa đông, chị em hãy lưu lại nhé!
1. BÁNH HỎI HEO QUAY
Nguyên liệu:
– Thịt ba rọi rút sườn.
– Bánh hỏi.
– Hành tím, tỏi, ớt, hành lá, rau sống, dưa leo, củ cải, cà rốt, đậu phộng, giá đỗ, chanh.
– Gia vị: Đường, dầu ăn, nước mắm, muối hạt.
Cách làm:
– Thịt ba rọi rửa sạch với muối và dấm, để ráo. Dùng dụng cụ đâm thành các lỗ nhỏ trên bì heo.
– Dùng giấy bạc lót phần thịt và phủ lớp muối hạt lên bề mặt bì.
Cho vào nồi chiên hơi nước, set nhiệt 200 độ thời gian 30 phút, sau đó gạt hết lớp muối và set nhiệt 200 độ thời gian 20 phút là miếng thịt heo quay giòn bì vàng ươm giòn tan.
– Hành lá, rau sống, dưa leo, giá đỗ rửa sạch để ráo. Hành lá cắt nhuyễn, hành tím thái mỏng phi vàng, dầu sôi đổ vào bát hành lá thành bát mỡ hành. Dưa leo thái miếng vừa ăn xếp vào mẹt. Rau sống và giá đỗ cho ra đĩa.
– Củ cải, cà rốt gọt vỏ rửa sạch bào sợi, cho dấm, đường, muối vào ngâm 15 phút và vắt nước. Có đồ chua ăn kèm bớt ngán.
– Bánh hỏi ho vào nồi chiên hơi nước hấp 5 phút cho bánh nóng. Rải từng bánh lên mẹt có lót lá chuối, thêm mỡ hành cuốn lại xếp vào mẹt.
Pha nước chấm chua ngọt với nước mắm, nước lọc, đường, chanh, tỏi và ớt băm nhỏ. Nếm thấy vừa miệng là được. Thêm đồ chua cà rốt củ cải là nước chấm ngon hết sẩy.
Lần lượt xếp bánh hỏi, heo quay vào mẹt, rắc topping đậu phộng, ăn kèm nước mắm chua ngọt cùng rau sống.
2. THỊT NƯỚNG XIÊN
Nguyên liệu:
– 350g thịt nạc thăn
– 150g mỡ gáy
– Gia vị ướp: 1 thìa nước mắm, 1 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, 1 thìa dầu điều, 1/2 thìa cafe ngũ vị hương, 1/2 thìa cafe tiêu xay, 1 xíu sữa đặc, 2 thìa cafe tỏi phi vàng.
– 3 thìa cafe đường.
Cách làm:
– Thái mỡ thành miếng nhỏ, ướp đường 1 tiếng để miếng mỡ trong và giòn hơn.
– Thịt nạc thăn cắt miếng to, mỏng, dùng cán dao đập dập miếng thịt để mềm hơn.
– Ướp thịt nạc thăn với gia vị đã chuẩn bị khoảng 1 tiếng.
– Lấy miếng nạc thăn cuốn bên ngoài miếng mỡ.
– Nướng lần 1: 15 phút – 180 độ C.
– Lật thịt, nướng thêm 7-10 phút ở 200 độ C.
Thịt chín xong, thơm nức mũi, mềm ngon, màu lên đỏ vàng rất đẹp.
Món thịt nướng ăn với cơm, xôi hay bánh cuốn, bún đều ngon.
3. DẠ DÀY NHỒI HÚNG CHÓ NƯỚNG
Chuẩn bị:
– 1 cái dạ dày heo to, dày, có nhiều phần đen
– 10 ngọn rau húng quế
– 1 gói bột cà ri ông đầu bếp
– 1 ít tiêu hạt có tiêu xanh càng tốt
– 1 ít húng đỏ ăn kèm
– Hành khô
– Gia vị: Muối, mì chính (tùy ý), nước mắm, hạt nêm (tùy ý)
Cách làm:
Bước 1: Làm sạch dạ dày
Dạ dày heo mua về muốn sạch, bạn có thể rửa như sau. Dùng dao lọc hết các phần mỡ thừa bám xung quanh dạ dày. Sau đó dùng kéo cắt nhẹ phần dạ dày và lộn mặt sau đó cắt bỏ hết tạp chất bên trong. Dùng dao cạo sạch phần vàng trên đầu dạ dày.
Lộn mặt bên ngoài dạ dày để phần nhẵn hướng ra bên ngoài. Lưu ý, mùi hôi của dạ dày xuất phát từ chất nhầy nên chỉ cần làm sạch lớp chất nhầy này dạ dày sẽ không còn mùi khó chịu.
Cho dạ dày vào trong một cái nồi to hoặc chậu, rồi cho lượng bột mì thích hợp vào. Tốt nhất bạn nên rải đều bột mì này lên từng phần của dạ dày lợn và bắt đầu xoa đều tay, nhất là đối với mặt bên trong. Đối với phần dạ dày nhăn hơn, bạn cũng phải rắc thêm bột mì lên, rồi xoa mạnh tay.
Lưu ý, khi lộn mặt trong của dạ dày, lúc rắc bột mì, nên cho thêm 3 muỗng canh dấm, 1 muỗng canh muối vào, bóp rồi để yên từ 1-2 phút. Giấm cũng giúp bột mì khử mùi hôi. Muối giúp khử trùng.
Nhiều người không hiểu tại sao lại dùng bột mì để rửa lòng lợn. Bột mì có khả năng hấp thu mạnh nên có thể hút sạch hết chất bẩn, nhờn bám trên dạ dày, còn giấm có tác dụng khử mùi tanh, muối khử trùng. Vì vậy khi rửa lòng lợn, bạn hãy cho bột mì và giấm và chút muối vào nhé.
Sau đó, rửa dạ dày với nước sạch vài lần là xong.
Bắc một nồi nước vừa, thêm muối trắng đun sôi thì cho dạ dày vào luộc khoảng 5 phút. Vớt ra rửa thật sạch rồi lộn phần có màng mỡ ra ngoài.
Bước 2: Nhồi rau húng quế
Rau húng quế rửa sạch nhồi căng vào dạ dày thêm tiêu và chút muối, dùng chỉ trắng khâu miệng dạ dày lại.
Bước 3: Luộc dạ dày
Cho dạ dày vào luộc với nước có muối, hành khô cả vỏ. Luộc sôi lửa vừa 35 phút.
Bước 4: Ướp dạ dày
Dạ dày luộc xong, vớt ra ướp với bột cà ri, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, tiêu xay trong 20 phút.
Bước 5: Nướng dạ dày
Làm nóng nồi chiên không dầu rồi cho dạ dày vào quay. Để nhiệt 200 độ C và kiểm tra liên tục. Vì dạ dày đã chín nên cho vào nồi chiên không dầu chỉ để làm vàng giòn mặt ngoài. Nhớ phết dầu ăn liên tục để tránh bị khô.
Khi dạ dày đã vàng đều 2 mặt thì mang thái ăn nóng.
Dạ dày nhồi húng quế nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc mắm tôm kèm húng quế, húng đỏ vô cùng hấp dẫn.
Dạ dày nướng thơm nức, giòn giòn quyện lẫn mùi thơm của húng quế quyến rũ vô cùng, chẳng ai có thể cưỡng lại được!
4. TÔM NƯỚNG MUỐI ỚT
Nguyên liệu:
– Tôm càng xanh.
– Muối hạt.
– Sả.
Cách làm:
– Cho tôm vào rổ xả dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Rửa sạch tôm thêm một lần nữa và để ráo nước. Dùng khăn giấy thấm khô phần nước còn đọng trên thân tôm. Để tôm ráo nước hoàn toàn trước khi ướp muối nướng để tránh bị văng nước khi nướng.
– Sả rửa sạch, thái sả thành sợi to.
– Lót lớp lá chuối lên khay để chống dính và dễ dàng vệ sinh sau khi nướng. Cho muối hột vào khay và rải đều sao cho phủ kín khay.
Sau đó dải lớp sả và lần lượt xếp tôm lên trên. Xếp tôm thành từng lớp, không nên xếp chồng chéo lên nhau để tôm chín đều.
Xếp một lớp sả lên trên lớp tôm. Sả sẽ giúp khử mùi tanh của tôm và tạo thêm hương vị thơm ngon cho món ăn.
– Cho khay tôm vào nồi chiên và nướng tôm trong khoảng 10 phút.
Khi vỏ tôm chuyển màu đỏ thì lật tôm lại, nướng thêm 5 phút nữa.
Xếp tôm ra đĩa và thưởng thức ngay khi còn nóng cùng muối tiêu.
5. CHẢ BÒ NƯỚNG LÁ LỐT
Nguyên liệu bao gồm:
– 200gr thịt bò xay.
– 100gr ba rọi xay.
– 30gr sả xay.
– 5 củ hành tím băm nhuyễn.
– 6 đầu hành băm nhuyễn.
– 500gr lá lốt.
– Gia vị: Hạt nêm, đường, nước mắm.
Cách làm:
Cho thịt bò xay, ba rọi xay cùng sả xay, hành tím băm nhuyễn, đầu hành băm nhuyễn, một ít lá lốt thái nhỏ vào bát. Nêm chút hạt nêm, xíu đường, nước mắm vừa ăn sau đó trộn đều.
Để ướp 30 phút.
Hết thời gian ướp, lấy từng phần thịt vào lá lốt cuộn lại.
Xếp chả bò lá lốt lên khay, cho vào nồi chiên hơi nước.
Nướng lần 1: Chọn chức năng chiên, nhiệt 150 độ C thời gian 20 phút.
Nướng lần 2: Nhiệt 180 độ C, thời gian 8 phút.
Nếu có than hoa thì nướng trên bếp than hoa càng ngon. Hoặc lò nướng cũng rất hấp dẫn.
Hết thời gian, cho chả bò lá lốt nướng ra đĩa, cuốn kèm bún cùng rau củ quả, chấm mắm nêm cực ngon.
Chúc các bạn thành công!
Theo: Eva