Nguyên tắc chung khi pha nước chấm là phần nước lọc để pha phải dùng là nước ấm không nên dùng nước nguội vì nước ấm giúp hoà tan các phần gia vị dễ dàng hơn và cũng làm dậy mùi hơn cho bát nước chấm. Với mỗi món ăn khác nhau phần nước chấm pha cũng sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.
1. Nước chấm nem – chả giò
Nước chấm nem được pha theo tỉ lệ 1 đường + 1 giấm + 1 mắm + 3-4 nước tùy khẩu vị. Ớt bỏ hạt băm nhỏ, tỏi bóc vỏ đập dập băm nhỏ thả chung vào bát nước chấm. Để pha nước chấm nem, đầu tiên bạn cho 3 phần nước vào cho đường, giấm hoà tan, sau đó mới cho mắm vào nêm nếm cân bằng độ chua ngọt mặn, sau đó có thể cho thêm nước nếu cần. Cuối cùng cho ớt, tỏi vào.
2. Nước chấm cho các món cuốn
Bát nước chấm với đầy đủ gia vị, tỏi, ớt làm nên vị đặc trưng của các món cuốn.
Nguyên liệu
– 0,5 lạng lạc rang sẵn, bỏ vỏ
– Tỏi (số lượng nhiều, ít tùy vào khẩu vị)
– Ớt tươi 1 hoặc 2 quả
– Nước mắm
– Dấm, đường
– 100 ml nước lọc
– 1/2 quả chanh.
Cách làm
– Cho lạc và tỏi vào cối, thêm 4 thìa cà phê nước lọc, sau đó giã nhuyễn cho đến khi lạc và tỏi có màu trắng đục.
– Cắt ớt làm 2 phần, gạt bỏ hết hạt, đem băm nhỏ.
– Trộn đều ớt đã băm với lạc và tỏi giã nhuyễn trong bát tô con, vắt cốt chanh, dấm, đường, nước mắm lượng vừa phải.
– Trộn đều các vị với nhau, đổ thêm một muỗng canh nước lọc.
3. Nước chấm ốc
Theo chia sẻ của một chủ quán ốc ngon có tiếng phần nước chấm của quán không dùng nước mắm là nguyên liệu chính như nhiều quán hàng khác vì mùi nước mắm sẽ làm át đi vị của ốc.
Nguyên liệu
– 2 thìa bột canh
– 1 thìa giấm
– 3 thìa đường
– 5 thìa nước ấm
– 1 thìa nước mắm
– 1 củ sả
– 1 mẩu gừng
– 3 quả quất
– Ớt
– Lá chanh
Cách làm
Cho 2 thìa bột canh và nước ấm vào bát hoà cho tan, sau đó thêm đường và giấm khuấy đều, sau đó hoà nước mắm. Nếm thử xem đã vừa miệng chưa. Ớt băm nhỏ, gừng đập dập băm nhỏ, sả băm nhỏ, lá chanh thái chỉ cho vào bát nước chấm.
4. Nước chấm bún chả và bánh cuốn
Nước chấm bún chả và bánh cuốn được pha theo tỉ lệ: 1 đường + 1/2 giấm + 1,5 nước mắm + 3-4 nước (có thể thay bằng nước dừa tươi nhưng cũng phải hâm lên cho ấm). Ớt thái lát hoặc băm nhỏ, thêm chanh hoặc quất.
5. Mắm tôm
Mắm tôm được pha theo tỉ lệ 1 đường + 1/2 giấm + 3/4 – 1 chanh hoặc quất + 1 mắm tôm cùng chút rượu trắng, dầu rán đang sôi và ớt thái lát hoặc băm nhỏ. Để pha mắm tôm bạn chỉ việc đánh bông mắm tôm với đường, rượu, quất hoặc giấm, dầu rán rồi cho thêm ớt.
6. Nước chấm thịt vịt
– 4,5 muỗng súp nước mắm
– 5 muỗng súp đường
– 1 muỗng súp gừng băm nhuyễn
– 2 muỗng cà phê tỏi băm
– 1 muỗng súp nước lọc
– 1-2 muỗng cà phê nước cốt chanh
– 1 muỗng cà phê ớt bằm
Hòa tan lần lượt đường + nước + nước mắm. Sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào và trộn đều.
7. Nước chấm thịt ngan
– 3 muỗng súp nước tương đen
– 2 muỗng cà phê tỏi bằm
– 1 muỗng cà phê ớt bằm
– 1/2 muỗng đường
Hoà tan tất cả các nguyên liệu .
8. Nước chấm hải sản
– 1 muỗng cà phê đường
– 1 ít muối
– 1 muỗng canh tương ớt
– 1/2 muỗng cà phê nước cốt chanh
Đánh đều tất cả nguyên liệu với nhau đến khi hơi sệt là được.
9. Nước chấm cua, ghẹ
– 2 muỗng cà phê đường
– 1 chén nhỏ muối tiêu
– Nước cốt 1 quả quất
– Vỏ quất thái nhỏ cho luôn vào nước chấm.
Vắt nước quất vào muối tiêu, trộn đều với đường và cho vỏ quất thái sợi lên trên.
10. Muối chấm gà luộc, thịt luộc
Muối chấm gà luộc, thịt luộc được pha với tỉ lệ 1 thìa canh bột canh + 1/3 thìa cà phê đường + 1/4 thìa cà phê hạt tiêu mới rang, xay hoặc đập dập cùng chanh hoặc quất và ớt thái lát hoặc băm nhỏ.
(Nguồn: Tổng hợp)