Chân chất bánh xèo "bốn mùa" quê hương

Làng mình có nhiều hàng quán bán quà vặt. Nhưng cái quán ‘đọng’ trong tâm trí mình nhiều nhất là quán bánh xèo của dì Năm Hậu. Quán là cái chòi lợp bằng lá dừa, quây quanh ba mặt cũng bằng lá dừa…

Chân chất bánh xèo "bốn mùa" quê hươngN

hững cái bánh xèo của dì Năm Hậu dư sức làm êm cái bụng của họ cho đến trưa dù chỉ với 10.000 đồng mỗi “suất”

Ba mình nói bốn mùa trong năm đều lần lượt “diễu hành” trên bánh xèo của dì. Theo ba, bánh xèo mùa xuân có ruốc biển hồng hồng, béo ơi là béo. Bánh xèo mùa hạ có giá đỗ, thịt nạc, ăn mát mềm cái lưỡi. Bánh xèo mùa thu có tép đồng đỏ lựng, ngòn ngọt, giòn giòn. Bánh xèo mùa đông có tôm đất thơm lừng, nuốt xuống bụng rồi hương vẫn còn đọng trên đầu lưỡi. Chỉ nghe ba nói thôi mình đã nuốt nước miếng đánh ực.

Chị mình hỏi em thích bánh xèo mùa nào, mình nói ngay “bánh xèo mùa đông”, bởi cái bánh xèo mùa này vừa có mấy con tôm đất ngọt lịm, lại vừa… đẹp vì màu vàng của nghệ tươi. Hơn thế nữa, trong cái lạnh căm căm của mùa đông, ăn một miếng bánh xèo là đưa vào dạ dày một chút hơi ấm của than hồng

Tầm bốn giờ sáng, khi những nếp nhà trong xóm còn im lìm trong sương sớm đã thấy quán dì Năm Hậu đỏ đèn, mười bữa như chục bất kể gió mưa. Dì lọc cọc, lạch cạch bê cái này, bưng cái kia từ nhà ra quán khoảng nửa giờ là đã nghe tiếng “xèo xèo” của vá bột đổ vào khuôn bánh. Hình như cùng với tiếng gà gáy rộ gần xa, tiếng “xèo xèo” trong quán của dì cũng là thanh âm chộn rộn “chào buổi sáng”.

Dăm ba người ra đồng, vài ba người đi biển giấc hừng đông hay ghé quán dì đầu tiên. Họ ngồi trên đòn tre, rứt miếng bánh xèo nóng chấm nước mắm chua ngọt hay nước chấm làm bằng mỡ heo, mắm, đường, đậu phộng phi với hành hoa. Những cái bánh xèo của dì Năm Hậu dư sức làm êm cái bụng của họ cho đến trưa dù chỉ với 10.000 đồng mỗi “suất”.

Khi nắng hồng loang trên mặt đường làng thì quán dì Năm Hậu “đổi” khách. Đó là mấy cô cậu học trò trường làng. Con gái kẹp tóc, con trai đầu trọc, cặp vứt một bên, ngồi quanh mẹt bánh xèo. Một dãy bảy tám đứa mà có tiếng ồn nào đâu. Đứa nào cũng im lặng như để “cảm nhận” cái ngon phong phú của từng miếng bánh. Mép bánh thường giòn. Giữa bánh thường dai để giữ lấy “nhưn” bánh làm bằng tôm, thịt. Đứa nào rứt bánh không khéo, cái “cốt lõi” của miếng bánh rớt xuống đất thì tiếc ngẩn, tiếc ngơ.

Ăn bánh xèo quán dì Năm Hậu còn được “khuyến mãi” mấy lát xoài và dưa leo nữa. Dì nói bánh xèo béo, nên ăn kèm rau quả cho đỡ ngán. Mình ăn xong, bốc mấy lát xoài nhấm nháp trên đường tới trường, bụng nghĩ: bánh xèo ngon vầy, ngán sao được mà ngán?

Trần Cao Duyên

Author:

Gửi phản hồi