Có ai là người Việt mà không biết món thịt lợn kho? Cái món giản dị, chân chất ấy một thời là mơ ước của bao bữa cơm gia đình, giờ đã thành món bình dân mà khắp “hang cùng ngõ hẻm” có lẽ đâu đâu cũng có, như mắm, như muối, như rau đậu… không thể thiếu mà cũng chẳng có gì cao sang.
Với riêng tôi, thì món thịt kho là hình ảnh của cả một tuổi thơ, gắn với thời bao cấp nghèo khó. Đặc biệt, khi món ấy được mẹ tôi mang về từ những bữa cơm… nước gạo!
Những miếng thịt màu nâu cánh gián, với nửa nạc săn chắc đậm đà, nửa mỡ trong vắt căng mọng lấp lánh và miếng bì nhỏ viền quanh trông mềm mềm dẻo dẻo làm hoàn hảo cho một miếng ngon không thể tả.
Không biết cụm từ “cơm nước gạo” bắt nguồn từ đâu, nhưng những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi khi nghe mẹ nói “hôm nay mẹ sẽ được ăn cơm nước gạo” là chị em chúng tôi mừng rơn.
Số là, thành Nam quê tôi là một thành phố dệt, mẹ tôi làm việc trong nhà máy dệt, như bao công nhân khác. Mẹ làm ba ca, mỗi ngày ăn một bữa cơm ở nhà máy, như bây giờ người ta gọi là cơm công nghiệp. Cơm công nghiệp thì chỉ khá hơn cơm sinh viên một chút, với gạo xấu, chút cá khô, đậu hũ rim, canh “toàn quốc”. Thời gạo châu củi quế, đâu đâu cũng thế, không đói là tốt chứ đâu dám mơ ngon lành, đủ chất.
Thế nên nhà bếp của nhà máy phải cải thiện thêm cho công nhân bằng cách dùng những cơm thừa canh cặn, rau già, nước vo gạo… gọi chung là “nước gạo” để nuôi lợn. Rồi một năm có vài lần nhà máy mổ lợn, cho công nhân được ăn tươi.
Những bữa cơm rộn rịp với thịt lợn kho, giá mướp xào, canh khoai tây hầm xương… được gọi là “cơm nước gạo”. Hôm nào có cơm nước gạo, hôm đó nhà máy như rộn ràng vui hẳn lên. Mẹ cũng vui, vì mẹ nghĩ đến chúng tôi, các con của mẹ ở nhà. Mẹ vui, nhưng niềm vui đó phải đợi đến tối mời xòa ra, khi chị em tôi xúm xít quanh cái bọc giấy xi măng màu nâu mẹ mang về, lúc đó đã tươm dính mỡ.
Mẹ mở bọc giấy ra, những miếng thịt màu nâu cánh gián, với nửa nạc săn chắc đậm đà, nửa mỡ trong vắt căng mọng lấp lánh và miếng bì nhỏ viền quanh trông mềm mềm dẻo dẻo làm hoàn hảo cho một miếng ngon không thể tả. Chị lớn được chia hai miếng, tôi thứ hai được chia ba miếng, em út bé nhất thì bốn miếng. Bao nhiêu là cơm ăn hết veo. Rau luộc hái ở vườn, nhờ có thịt, cũng trở nên ngon lành hơn…
Khi còn bé, mỗi bữa cơm nước gạo của mẹ trở thành niềm vui hồn nhiên của chúng tôi như thế, nhưng tôi đâu biết rằng, để mang về những miếng thịt kho ấy, mẹ đã phải chịu bỏ qua sự sĩ diện, sự “nhìn ngó” của nhiều người khác. Sau này, có lần mẹ kể rằng, mỗi khi ăn cơm nước gạo, là mẹ chuẩn bị sẵn bọc giấy, khi ăn, mẹ gạt những miếng thịt riêng sang một bên gọn gàng, chỉ ăn rau, vừa ăn vừa lén nhìn quanh, lúc không ai để ý thì gặp thịt bỏ vào bọc giấy khuất phía dưới bàn. Có lần, cô bạn ngồi cạnh không thấy mẹ ăn thịt, thì thắc mắc, sao bạn cứ dè xẻn vậy, mấy khi được ăn ngon…
Với riêng tôi, món thịt kho lúc nào cũng nhắc đến thời “cơm nước gạo” của mẹ.
Hồi đó, mẹ chưa đầy ba mươi tuổi, đang trẻ đẹp duyên dáng lắm.
Tôi không lý giải được, vì sao, ngày Tết, giữa bao món sơn hào hải vị, thì món thịt kho (thịt kho tàu, thịt kho trứng, thịt kho măng…) vẫn hiện diện như không thể thiếu. Với riêng tôi, món thịt kho lúc nào cũng nhắc đến thời “cơm nước gạo” của mẹ.