Vị chua đến nheo mắt hòa cùng cái mặn mặn ngọt ngọt cay cay của món ăn quê khiến nhiều người nhớ đến thời còn con nít.
Hằng năm cứ vào giữa tháng tư, khi cây chùm ruột trong vườn bắt đầu bóng mẩy những quả chín, là lúc trẻ con miền Nam chuẩn bị rổ rá và cây tre dài để chọt quả chùm ruột. Gọi là đi chọt bởi cây chùm ruột thường mong manh, cành lại dễ gãy nên khó leo trèo tận nơi mà hái. Cứ trải tấm nilon ở dưới gốc hoặc một người cầm rổ hứng, người kia cầm cây chọt thì chẳng bao lâu sau đã có được một mớ.
Cây chùm ruột trĩu quả những ngày đầu tháng Tư. Ảnh: Duy Khánh
Chùm ruột có hai loại, vị ngọt và vị chua. Loại trẻ con chọn để giã nhỏ làm món chùm ruột mắm đường là chùm ruột chua, bởi cái chua chua chát chát khi pha với nước mắm và đường các, cùng mớ ớt hiểm, ăn mới tạo cảm giác mạnh cho cái miệng.
Một số vùng khác, trẻ em và cả các cô gái thích ăn chua không trộn cùng nước mắm và đường mà mang chùm ruột giã xong trộn với tí muối ớt. Cách chế biến này cũng thú vị và kích thích vị giác không kém, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều người sành ăn món dân dã, pha với đường và mắm khiến chùm ruột giảm được vị chua. Cách chế biến đơn giản, sau khi hái xong, chùm ruột được rửa sạch rồi cho vào thau nhôm hoặc vào cối, dùng chày giã nhuyễn. Người yếu yếu bao tử, ngại ăn quá chua thì vắt nước cho bớt chua, sau đó cho vào đường cát, nước mắm nguyên chất và cắt vài lát ớt rồi trộn đều lên, ăn ngay.
Điều khiến món ăn đi vào ký ức tuổi thơ chính là vị đặc trưng của chùm ruột khi hòa với đường và mắm. Cái chua chua chát chát, chút mằn mặn cùng mùi đặc trưng của nước mắm và vị cay đến phải hít hà của ớt hiểm khiến người ăn một lần phải nhớ. Để rồi mãi về sau, khi nhắc đến món ăn, hương vị của món ăn tự nhiên sẽ ùa về trên đầu lưỡi.
Đĩa chùm ruột sau khi đã được chế biến. Ảnh: Thiên Chương
Do dễ trồng, bán chẳng được giá là bao nên ở miền Nam chùm ruột là món quà quê dễ kiếm. Có khi thấy cây của nhà hàng xóm trĩu quả, chỉ cần gợi ý thèm cũng có thể được cho, hoặc bỏ vài nghìn bạc cũng đã có thể có một túi nhỏ, ăn đủ chua lè lưỡi.
Ngoài giã nhỏ trộn mắm đường, chùm ruột còn được ngâm để làm mứt. Mứt chùm ruột có vị ngọt ngọt chua chua ăn lạ miệng mà không ngán. Riêng chùm ruột ngọt thường được ăn luôn sau khi hái xuống khỏi cành.
Không chỉ ăn quả, thân cây chùm ruột có thân mềm, màu xám trắng còn là nơi nhiều cô cậu học trò dùng đầu compa khắc lên thân cây những dòng chữ. Để nhiều năm sau, khi quay về gốc chùm ruột cũ, kỷ niệm của một thời lại tràn về.
Thiên Chương