Giữa mùa hè, cá chuồn tìm đến những vùng biển rong nhiều để đẻ trứng cho mùa sau. Ngư dân không đánh bắt trứng cá chuồn. Chỉ là vì trứng nhiều quá, vướng vào lưới nên họ mang vào bờ thôi.
Nhưng không hiểu sao dạo này, từ ngoài khơi dập dìu trôi về bờ từng giề trứng cá chuồn trộn lẫn với những mảng rong. Tôi đã gặp hình ảnh này trên bãi Châu Me, xã Phổ Châu (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào những ngày cuối tháng năm âm lịch.
Có điều lạ là cửa biển Sa Huỳnh cách Châu Me về phía bắc khoảng 5 cây số nhưng chẳng thấy mảng trứng nào ghé lại. Ở phía nam, cửa biển Tam Quan (Bình Định) cách đó cũng cỡ chục cây số cũng chẳng thấy giề trứng nào lảng vảng. Những lão ngư dân thì giải thích là do hướng gió, con nước, dòng chảy gì gì đấy. Riêng cánh trẻ thì buông một câu gọn lỏn: “Tại vịnh Châu Me đẹp, khách tứ phương viếng thăm nhiều nên trứng về để… đãi người mới chứ”.
Là người địa phương, tôi chỉ thấy vui vui vì sự trở lại của trứng cá chuồn sau một năm… nhơ nhớ. Nhưng với những nhóm du khách đang có mặt trên bãi biển, hiện tượng này thực sự đã làm nên “ngày hội vớt trứng” với biết bao nhiêu ngỡ ngàng, ngạc nhiên, thú vị. Đang dạo chơi, chụp hình lưu niệm, ngắm cảnh hoặc ngồi nhâm nhi hải sản bên bờ biển, hầu hết du khách đều xắn quần, ào hết xuống mép nước, cùng với dân Châu Me lội ra ngang đầu gối để vớt những giề trứng cá chuồn màu vàng nhạt đang dập dềnh trôi.
Chiều hôm đó, mấy chục lều quán dọc biển Châu Me rộn ràng đỏ lửa. Suốt một vòng cung bờ bãi đong đầy mùi trứng cá chuồn luộc ngòn ngọt, dịu thơm. Du khách lần đầu tiên thưởng thức món trứng cá chuồn cứ tấm ta tấm tắc khen ngon với nhiều “cung bậc”: “Ngon quá xá, ngon quá trời, ngon gì đâu, ngon ơi là ngon…”. Trong cái ngon ấy chắc hẳn có cái “ngon” khác. Đó là cảm giác “tự hàò”: Chính tui lội xuống biển tự tay “bắt” trứng cá đấy nhé. Đây là trải nghiệm không phải ai muốn có là có đâu nha! Phải có duyên thì biển mới cho lộc đó nghen!
Nhóm bạn người “sở tại” chúng tôi ngồi cạnh bàn của mấy du khách đến từ Kon Tum. Sự đồng điệu trong thưởng thức ẩm thực khiến hai bàn nối liền nhau. Chúng tôi ăn sao, họ “bắt chước” ăn vậy. Này nhé, ăn trứng cá chuồn phải “thô” một chút, nghĩa là phải… hoang dã, phải… bốc mới đúng điệu (dùng đũa thì lịch sự rồi, nhưng sẽ khó khăn, vướng víu khi gắp trứng nếu không có đôi đũa khác hỗ trợ).
Nhón một nhón trứng nho nhỏ thôi, rồi rứt nó ra trong khi tay kia đè giữ màng trứng nặng cả ký còn lại trong đĩa. Chấm chỗ trứng vào chén mắm ớt tỏi đậm đà của riêng mình, đặt lên miếng bánh tráng nướng, dùng lưỡi đỡ lấy và… nhai. Chu choa ơi, ngon hết biết! Từng cái trứng vỡ ra, kêu lụp bụp. Miếng bánh tráng cũng cộng hưởng lên tiếng giòn tan. Lẫn trong tiếng trứng kêu là chất ngọt, vị béo tứa ra, đong đầy mặt lưỡi. Miếng trứng nào còn vướng vài cọng rong biển, người ăn sẽ nghe chút bùi bùi thoang thoảng, đằm vị biển khơi xa. Một cách ăn khác: Kẹp trứng cá giữa hai miếng bánh tráng với vài cọng rau thơm rồi chấm với mắm chua ngọt cũng sẽ ngon… tròn vị.
Bữa đó du khách ai cũng có chút “lộc” trứng cá mang về làm quà cho người thân. Gọi là “lộc” cũng đúng thôi. Trời cho mà. Chứ nếu sợ ướt, không “thân chinh” lội ra chân sóng vớt trứng thì phải mua lại với giá 100 ngàn/kg. Còn nếu mua của ngư dân vớt từ ngoài khơi về, giá đội lên 120 – 150 ngàn/kg chứ không ít hơn. Mà hiếm lắm. Đâu phải lúc nào cũng có.
Một nữ phóng viên trẻ măng đưa hình trứng cá chuồn lên “phây”. Lát sau, rất tự nhiên, cô cười khúc khích rồi đọc mấy cái còm của bạn: “Ôi trứng cá lạ quá! Mày diễm phúc thế”. Một còm khác: “Buồn làm sao buông? Chắc phải ăn trứng cá chuồn. Nhớ phần tao nhé”.
Trần Cao Duyên