Trời trở lạnh cũng là lúc góc bếp nồng ấm hơn với những món mùa đông như thịt hầm hay cà ri.
Nhắc đến cà ri chắc có người thích, có người không. Thực ra cà ri cũng có muôn hình muôn vẻ. Cà ri Thái cay, béo ngậy với nước cốt dừa và rau thơm có lẽ hợp với khẩu vị người Việt nhất. Còn các món cà ri của Malaysia hay Ấn Độ nhiều gia vị lạ hơn, nhưng ai ăn được thì sẽ thích lắm.
Cà ri ngon trước hết là nhờ các nguyên liệu tươi ngon. Cũng như nhiều món hầm khác, ăn cà ri sau khi nấu một ngày sẽ ngon hơn bởi món ăn đã ngấm gia vị, đậm đà hơn nhiều.
Ba món cà ri được giới thiệu ngày hôm nay không quá cay và nồng. Chỉ cần điều chỉnh vị cho vừa là bạn sẽ có những món ăn rất tuyệt cho những ngày trời lạnh tới.
Canh cà ri đỏ
Đây là món canh hơi cay vị cà ri Thái, và ngọt bùi vị nước cốt dừa. Món này sì sụp với cơm nóng rất ngon!
Nguyên liệu (cho 2-3 phần ăn):
1 thìa canh cà ri Thái màu đỏ (red curry paste)
1 củ hành tây, bóc vỏ thái nhỏ
2 quả bí ngòi, thái cỡ 2cm
4 củ khoai tây, gọt vỏ, thái cỡ bao diêm 400ml nước cốt dừa
500ml nước xương hoặc nước lã
1-2 thìa mắm ngon
Ít rau mùi làm sạch băm nhỏ
Cách làm:
• Cho cà ri đỏ và hành tây vào nồi, đảo cho đến khi hành tây chín mềm. (Trong sốt cà ri đỏ đã có chút dầu ăn. Nếu thấy hơi khô bạn có thể cho thêm chút dầu ăn).
• Tiếp đến, cho 500ml nước xương hoặc nước lã vào nồi cùng với khoai tây và đun cho khoai nhừ. Cho tiếp nước cốt dừa và bí ngòi vào nấu đến khi chín. Nêm nếm nước mắm vừa ăn, cho canh ra đĩa, rắc rau mùi và ăn nóng với cơm.
Sốt cà ri đỏ Thái dạng sệt có thể mua tại các siêu thị.
Thịt bò hầm kiểu Malaysia
Món cà ri này có tên là rendang, rất phổ biến ở Singapore, Malaysia và Indonesia. Rendang là món dành cho mùa lễ hội. Thông thường ở Malaysia, rendang rất cay và được nấu đến khi khô. Nhưng nhà tôi lại thích rendang dạng hầm, có thêm nước sốt ăn “vào” cơm hơn. Công thức này đã được cải biên, dùng gia vị tươi nên không quá nồng như món ăn bản xứ.
Nguyên liệu (cho 4-5 phần ăn):
Phần sốt cà ri:
3 củ hành ta, bóc vỏ
2 trái ớt
4 nhánh tỏi
1 nhánh gừng cỡ đốt tay
1 nhánh riềng cỡ đốt tay
1 củ nghệ cỡ đốt tay
1 thìa cà phê dầu ăn
Phần thịt cà ri:
1 thìa canh dầu ăn
1kg thịt bắp bò, thái miếng bao diêm 2 củ sả, lấy phần đầu trắng, đập giập 4 lá chanh
1 miếng quế khô
400ml nước cốt dừa
Muối, gia vị
Cách làm:
• Cho tất cả nguyên liệu phần sốt cà ri vào máy sinh tố xay nhuyễn. Bắc nồi lên, cho dầu ăn vào đun nóng, đổ nguyên liệu đã xay vào nồi, đảo đều tay cho đến khi thật thơm (khoảng 3 phút).
• Tiếp đến, thả thịt bò vào đảo đều cho săn lại và ngấm sốt. Thêm lá chanh, sả, quế khô vào nồi, tiếp đến là nước cốt dừa. Cho thêm nước lã đến xâm xấp mặt thịt và 1 thìa cà phê muối. Đun sôi rồi vặn nhỏ lửa để liu riu cho thịt chín mềm (khoảng 40 phút đến 1 tiếng).
• Khi thịt đã mềm, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Ăn nóng với cơm hoặc bánh mì.
Cà ri gà miền Nam
Ở phương Tây món này được biết đến với cái tên: cà ri Việt Nam. Người Việt ở Nam bộ nấu món này với bột cà ri Ông Ấn Độ bán ở các cửa hàng đồ khô. Khi du nhập vào Việt Nam, món ăn này được cho thêm khoai lang nên ngọt hơn và bớt vị cay nồng.
Nguyên liệu (cho 4-5 phần ăn):
1 con gà khoảng 1,5kg, cắt thành 8 miếng vừa ăn
2 thìa canh bột cà ri Ông Ấn độ 2 thìa canh nước mắm ngon
2 thìa canh dầu ăn
1 củ hành tây bóc vỏ, thái nhỏ 4 nhánh tỏi bóc vỏ, giã nhỏ
1 nhánh sả to
1 quả cà chua thái miếng 400-500g khoai lang thái nhỏ, thái miếng cỡ bao diêm 400ml nước cốt dừa Nước dùng vừa đủ
Gia vị, muối, hạt tiêu, ớt bột
Cách làm:
• Cho bột cà ri và nước mắm vào gà trộn đều, để khoảng 30 phút cho ngấm.
• Bắc nồi to lên bếp, hâm nóng dầu ăn rồi cho hành tây, tỏi và sả vào phi thơm. Tiếp đến cho gà vào đảo đều.
• Khi gà đã săn, cho nước cốt dừa vào, thêm nước đến xâm xấp mặt thịt. Nêm nếm một chút muối, đun lửa vừa khoảng 10 phút đến khi thịt gà chín hẳn.
• Tiếp đến, cho khoai lang và cà chua vào, đun liu riu đến khi khoai lang chín mềm nhưng không nát. Nêm nếm gia vị, nếu thích cay bạn có thể thêm 1 thìa cà phê ớt bột.
• Ăn cà ri nóng với cơm hoặc bánh mì.
Bài: Hoàng Anh
Ảnh: Kiyoshi Jiro