Món mì cay đang làm mưa làm gió trong đời sống ẩm thực của teen Việt thực sự không có gì đáng chú ý, mà lại còn có thể gây hại.
Cay là một vị không thể thiếu trong ẩm thực. Vị cay kích thích vị giác, khiến người ta thèm ăn, ăn ngon hơn. Ở những xứ lạnh giá như Hàn Quốc, việc ăn cay và chế biến các món cay đa dạng còn có tác dụng làm ấm người, chống lại khí hậu lạnh buốt nơi đây.
Món mì cay Hàn Quốc thâm nhập vào Việt Nam mới chỉ gần một năm nay và rất nhanh chóng, nó đã gây sốt trong giới trẻ, đầu tiên là ở TP HCM và sau đó là Hà Nội và một vài đô thị khác. Các quán mì cay mọc lên như nấm nhằm thỏa mãn nhu cầu được thưởng thức món mì cay thời thượng của các thượng đế trẻ.
Hai thương hiệu mì cay đang tung hoành ở Việt Nam là Sasin và Naga. Đây chính là tên 2 loại ớt được quảng cáo là “cay nhất thế giới”. Thứ ớt dùng trong mì cay Sasin là Carolina Reaper, loại gia vị được ví là có độ cay còn cao hơn bình xịt hơi cay của cảnh sát Mỹ.
Theo thang đo độ cay Scoville, loại ớt này có độ cay từ 1,5 triệu đến 2,2 triệu scoville, trong khi bình xịt hơi cay mới ở mức 2 triệu đơn vị. Còn loại ớt Naga Viper dùng cho mì cay Naga được lai tạo từ 3 loại ớt cực cay. Nói rành mạch thế để hiểu rằng món mì cay Hàn Quốc thực sự rất cay, vượt xa các món cay của Việt Nam.
Một tô mì cay bạch tuộc cấp độ 5.
Độ cay của thố mì được chia thành 7 cấp độ: cấp 1 tương đương độ cay gấp 3 lần tương ớt Chinsu hoặc 9 thìa cà phê ớt bột, mỗi cấp cách nhau 3 thìa ớt, đến cấp 7 là nguyên 3 trái ớt siêu cay khô Sasin hoặc Naga; chính điều này đã kích thích và lôi kéo người ăn đến món mì cay Hàn Quốc. Còn có cấp 0 và 0,5 và cấp này cũng khiến những người có khả năng ăn cay vẫn phải nhăn mặt.
Nhưng như đã nói ở trên, ngoài độ cay vô địch thì món mì cay này chẳng có gì đặc biệt khiến người ta có thể chết mê chết mệt như món kimbap, canh kim chi hay bạch tuộc nướng.
Thứ mì được dùng để nấu cho món mì cay là loại mì ăn liền sợi to, dai được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ Hàn Quốc có thể mua dễ dàng ở các siêu thị với giá khoảng 60 nghìn đồng cho một gói gồm 10 vắt. Một thố mì cay Hàn Quốc thường sử dụng một vắt mì để chế biến.
Nước dùng của món mì cay Hàn Quốc cũng không có gì đặc biệt, chỉ bật lên hương vị chua chua cay cay giống như món canh kim chi. So với nước dùng của mì Tàu, mì Udon hay Ramen của Nhật Bản, thậm chí là nước dùng của các hàng mì nấu bò, tim cật, gà tần của ta thì nước dùng của mì cay Hàn Quốc thua xa về quy trình chế biến và mùi vị.
Các thứ nguyên liệu để làm nhân mì như bạch tuộc, tôm đồng, mực, thịt bò, xúc xích, bò viên, cá viên cũng rất bình thường. Chất lượng tươi ngon của chúng tùy theo lựa chọn của nhà hàng, tuy nhiên, rất khó để phân biệt liệu chúng có chất lượng cao hay không bởi vị giác của người ăn đã bị đánh gục bởi vị cay.
Nhìn tổng quan, một thố mì cay Hàn Quốc không khó để chế biến bởi công thức của món đồ ăn này rất đơn giản: Nước dùng chua vị kim chi, mì gói sợi to, nguyên liệu làm nhân có thể mua sẵn, một ít bắp cải tím, cà rốt xắt sợi và ớt Saga hoặc Sasin dưới dạng bột hay dạng sấy khô nguyên quả.
Khó có thể đánh giá đây là một món ăn ngon, hấp dẫn bởi bạn sẽ phải chiến đấu với độ cay khủng khiếp của thố mì. Toàn bộ giác quan của bạn khi ăn chỉ là làm thế nào để ăn cho xong, làm thế nào để giảm cơn cay đang hành hạ lưỡi, vòm họng, dạ dày. Mặt bạn sẽ nóng phừng phừng, mồ hôi túa ra, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, bữa ăn sẽ bị ngắt quãng liên tục để uống nước hay tìm cách giảm cay.
Như thế, làm sao có thể thưởng thức được vị ngon của thố mì dai dai, giòn sần sật, của hải sản đậm đà, của thịt bò kết hợp khéo với vị chua của kim chi… Tất cả đều bị át chế bởi sức cay của thứ nước dùng đỏ au và nồng mùi ớt. Người ăn phải căng sức chiến đấu từng thìa một, hơn là thưởng thức một món ăn hấp dẫn.
Khi ăn mì cay Hàn Quốc, đa phần thực khách muốn kiểm tra khả năng ăn cay mình, cố gắng vượt qua mọi thách thức của nhà hàng đặt ra nhằm truyền thông điệp: Tưởng thế nào, vậy cũng thường thôi. Mặt khác, ngay giữa những khách hàng cũng có sự thách thức lẫn nhau, khi chứng tỏ mình ăn cay hơn bạn bè…
Mì cay Hàn Quốc gây sốt có thể lý giải bởi sự ảnh hưởng từ trào lưu ẩm thực xuất phát từ làn sóng điện ảnh Hàn Quốc và K Pop, cộng thêm sự mới lạ. Một món đồ ăn gây sốt nhiều phần bởi tính lạ và tính thách thức của nó. Sự khôn ngoan của những người đem món mì cay Hàn Quốc vào Việt Nam là họ hiểu biết tâm lý “chuộng Hàn” của người Việt và tính hiếu thắng của giới thanh niên. Nhờ đó, họ quảng bá được nét riêng của ẩm thực Hàn Quốc, đồng thời vẫn kiếm tiền tốt.
Tuy nhiên, có một lời khuyên với thực khách Việt. Đừng liều mình thử thách với mì cay Hàn Quốc nếu có vấn đề với dạ dày và đường tiêu hóa. Bởi khi ăn cay quá mức cơ thể có thể chịu được sẽ dẫn tới vấn đề rối loạn tiêu hóa hoặc liên quan đến dạ dày. Và hãy chuẩn bị nhiều khăn tay khi ăn mì cay, bởi bạn sẽ khóc nước mắt, nước mũi nhòe nhoẹt vì ớt nhiều hơn khóc vì bệnh máu trắng của một nữ diễn viên trong thiên tình diễm lệ của phim truyền hình Hàn Quốc.
Parsley