Ngọt thơm, thanh thoát chè bông cau của mẹ

Món chè được nấu cúng dâng đất trời, nhẹ nhàng mà thanh thoát.

Ngọt thơm, thanh thoát chè bông cau của mẹ

Mỗi lần ba mạ cúng ngoài trời vào ngày rằm hay ba mươi mùng một, nếu trời quang mây tạnh, ba kê cho mạ cái bàn nhỏ bên cạnh cây cau trong sân.

Cây cau của ba là giống cau lùn, hầu như khi nào cũng có cả hoa và trái trên cây, cứ đến tối là tỏa hương thơm ma mị mà ngọt lịm, và những lúc như thế sẽ quyện thêm với mùi khói hương trên bàn cúng.

Đó là cái bàn gỗ đã cũ có mặt bàn nhỏ, vừa đủ để bát hương, cây đèn dầu, hai tách nước lọc, bình hoa tươi, và đĩa trái cây nhỏ, có khi thêm bốn chén chè bông cau được múc trong mấy cái chén ngọc nhỏ xíu trong suốt.

Mạ nấu chè bông cau cúng ngoài trời vô cùng đơn giản, nhanh gọn mà thanh thoát. Đậu xanh ngâm, đãi sạch vỏ, mạ hấp chín khô tơi. Kế đến mạ nấu nước đường phèn ngọt thanh thanh rồi thả nhẹ đậu xanh vô, cho sôi riu riu lại là xong.

Mạ luôn dặn con gái rằng nấu nhanh thì nhanh nhưng phải nhớ để đậu sôi riu riu trong nước đường một lúc để thấm đậu và lửa phải thật nhỏ để không làm sôi nát hột đậu.

Đôi khi chè bông cau của mạ có đánh vô chút bột năng hay bột sắn dây để làm đặc, khi chè nấu xong, những hạt đậu màu vàng nhạt lơ lửng tỏa lên một hương thơm dịu dễ chịu, nhưng khi cúng thường mạ nấu chè nước vì muốn chè cúng càng thanh tao càng tốt.

Chiếc bàn cúng ngoài trời bên cạnh cây cau cứ thoang thoảng mùi khói hương trầm, mùi hoa cau, mùi chè mới nấu, có mạ đứng bên cạnh khấn vái cầu xin cho trời yên bể lặng, cửa nhà trong ấm ngoài yên, gia đình ai cũng bình an vô sự.

Ba thì thỉnh thoảng đi ra đi vô coi bàn cúng, chờ hết nhang rồi lạy tạ. Mấy chén chè bông cau thường sẽ được “cấp” ngay sau đó. Húp miếng nước ngọt thanh vô miệng, thấy luôn cả những tàn hương bay vương vô chén chè, ai cũng có một cảm giác thật đặc biệt khi ăn chén chè mạ vừa khấn vái trời đất xong.

Abby Anh Phạm

Author:

Gửi phản hồi