Những món ăn nấu với nồi áp suất đều thơm, mềm, lại nóng hổi rất phù hợp những ngày trời mát hoặc ngày đông lạnh.
Nồi áp suất nấu được rất nhiều món ăn ngon lại phù hợp thời tiết. Cách sử dụng nồi áp suất vô cùng đơn giản, nhanh gọn vì nồi áp suất không có các nút nhiệt độ phức tạp như đồ điện. Các món ăn sau khi sơ chế, tẩm ướp gia vị xong, chị em chỉ việc cho vào nồi, đóng chặt nắp lại, đun cho đến khi sôi. Khi sôi, nồi sẽ xì hơi vì thế chỉ việc giảm lửa ở mức nhỏ nhất, đun liu riu là được.
Các món như chân giò hầm, cháo thì chỉ cần đun khoảng 30 phút hoặc hơn một chút là được còn với các món như thịt kho chỉ cần 20 phút đảm bảo thịt thơm, đủ mềm để tạo ra một món ăn ngon vô cùng hấp dẫn.
Chị em cùng tham khảo một vài món ăn nấu với nồi áp suất để nấu cho cả nhà trong mùa đông lạnh giá này nhé!
Chân giò hầm hạt sen
Nguyên liệu: 1 cái chân giò nguyên xương (dùng chân trước sẽ ngon hơn), hạt sen, cà rốt, hành tây, nấm hương, hành, mùi tàu
Cách làm:
– Chân giò cạo thật sạch lông rồi ướp với hạt nêm, gia vị, hành khô băm nhỏ rồi cất vào tủ lạnh khoảng 2 giờ cho ngấm
– Hạt sen, nấm hương ngâm nở. Ninh nhỏ lửa để hạt sen chín bở mà vẫn ko bị nát, để riêng.
– Đổ nước sâm sấp mặt thịt rồi ninh trong nồi áp suất sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp. Dùng đũa xăm thử xem thịt đã nhừ chưa, nếu thịt chưa nhừ thì lại đun tiếp đến khi thịt nhừ nục, có thể xiên đũa qua dễ dàng thì trút hạt sen, nấm hương vào đun cùng, nêm nếm lại cho vừa miệng.
– Hành tây bổ múi cau, cà rốt tỉa hoa xắt mỏng, hành mùi tàu thái nhỏ đợi chuẩn bị bắc thịt xuống thì trút vào nồi.
– Món này giàu năng lượng, hợp với mùa đông và ăn cùng cơm hoặc bánh mì các mẹ nhé. Từng thớ thịt chín nục, mềm thơm, róc xương. Ăn cả bì lẫn mỡ đều không hề có cảm giác béo ngấy mà trái lại còn rất lôi cuốn hấp dẫn từ người già đến trẻ nhỏ.
Chân giò hầm kiểu Đức
Món chân giò hầm kiểu Đức rất ngon tuy nhiên nếu nấu theo nguyên bản sẽ có thể hơi béo vì thành phần có kem Whipping. Vì vậy mình đã có chút điều chỉnh và thay đổi trong công thức để món ăn trở nên hợp khẩu vị với người Việt mình hơn.
Nguyên liệu: Chân giò: 1 cái (500gr), sữa tươi không đường: 200ml, bơ: 30gr; Bột mỳ: 20gr; Khoai tây: 500gr; Dưa chuột muối; Hành, tỏi khô.
Cách làm:
– Chân giò nên chọn mua phần có lõi bắp, vì đó là phần cơ nên ăn thịt chắc và thơm hơn.
– Làm sạch, thấm khô, ướp với gia vị, hành, tỏi băm khoảng 30 phút.
– Bắc chảo, cho 1/2 chỗ bơ vào, chiên sơ chân giò cho xém vàng. Sau đó cho chân giò đã chiên vào nồi áp suất, đổ nước ngập 1/2 miếng thịt, hầm nhừ. Nếu có lá thơm các bạn rắc vào 1 chút sẽ khiến món ăn dậy mùi (các loại lá thơm có thể tìm mua trong siêu thị nhé).
– Khoai tây gọt vỏ, bổ thành những miếng nhỏ, hấp hoặc luộc chín, dùng thìa hoặc rây tán nhuyễn.
– Đặt 1 chảo khác lên bếp, cho nốt 1/2 chỗ bơ còn lại, đun nóng, cho bột mỳ vào xào thơm cùng bơ. Thêm sữa tươi vào chảo đun chín thành sốt kem.
– Dưa chuột muối thái lát, tạo hình rẻ quạt để trình bày cho đẹp.
– Thịt để nguyên miếng hoặc thái khoanh, phần nước hầm thịt có thể trộn cùng khoai tây nghiền hoặc đun với sốt giội lên trên miếng thịt, ăn kèm bánh mì.
Món này rất đắt khách ở các quán bia, nhất là bia tươi nhưng với thời buổi bão giá như hiện nay thì việc đi ra những nơi hàng quán không phải ai cũng có điều kiện để đi thưởng thức thường xuyên. Vậy sao không chọn cách kinh tế hơn là chúng ta tự làm ở nhà nhỉ? Vừa ngon, vừa đảm bảo, lại giữ chân được cái đức lang quân yêu dấu.
Bò hầm khoai tây
Món thịt bò hầm khoai tây vừa thơm ngon lại vừa cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cả gia đình.
Nguyên liệu:
– Thịt bò: 1kg
– Khoai tây: 3 củ
– Cà rốt: 1 củ
– Cà chua: 3 quả
– Ngũ vị hương, hạt tiêu
– Hành, mùi
Cách làm:
– Món này nên chọn phần thịt bò có lẫn gân sẽ ngon hơn. Các bạn rửa thịt sạch rồi thái nhỏ cỡ quân cờ, ướp với hạt tiêu, hạt nêm và 1/2 gói ngũ vị hương. Rồi xào săn và chế nước, hầm bằng nồi áp suất sao cho thịt nhừ vừa tới.
– Khoai tây nạo vỏ, bổ miếng vừa ăn. Cà chua bổ làm tư, cà rốt tỉa hoa xắt khúc.
– Chưng cà chua với chút dầu ăn để tạo màu.
– Cho khoai tây, cà rốt vào xào ngấm mắm ngấm muối.
– Múc thịt bò vào nồi khoai tây rồi ninh đến khi khoai và cà rốt chín bở cũng là lúc thịt bò chín nhừ.
– Rắc hành, mùi thái nhỏ vào nồi rồi tắt bếp.
Vịt hầm hạt sen
Nguyên liệu:
Thịt vịt: ½ con (khoảng 700 gr)
– Hạt sen khô: 50 gr
– Nấm hương: 15 – 20 cái nhỏ
– Nước dừa: 1 quả
– Hành, tỏi, gia vị, hạt nêm, nước tương, hạt tiêu, muối, rượu
Cách làm:
– Thịt vịt đem xát muối, rượu, gừng cho đỡ hôi, sau đó rửa sạch, cắt làm 2 rồi để cho ráo bớt nước.
– Đem thịt vịt ướp cùng một ít nước tương, hạt tiêu, gia vị, hạt nêm.
– Nấm hương, hạt sen rửa sạch (vì thời gian hầm vịt khá lâu, khi vịt mềm thì hạt sen cũng bở tơi nên không cần ngâm nở hạt sen trước).
– Hành và tỏi bóc bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
– Phi thơm hành, tỏi sau đó xếp thịt vịt và hạt sen vào nồi áp suất. Đổ nước dừa vào đun to lửa đến khi nước sôi thì hạ lửa đến mức bé nhất. Để ninh thịt vịt liu riu trong khoảng 20 phút phút (nếu mở kiểm tra vịt chưa mềm có thể đun thêm vài phút). Với nồi thường phải ninh vịt từ 50-60 phút. Khi thịt vịt chín mềm thì cho nấm hương vào đun thêm vài phút là được.
Sau đó nêm nếm thêm hạt nêm, gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. Cho vịt hầm hạt sen ra bát rồi thưởng thức nhé! Xem tại đây để được hướng dẫn bằng hình ảnh.
Thịt kho dưa
Thịt lợn mềm, thơm, kết hợp cùng vị chua dịu của dưa cải khiến món thịt kho dưa trở nên thật ngon miệng và hấp dẫn cho bữa cơm chiều.
Nguyên liệu:
– 300gr thịt ba chỉ
– 1 bát dưa chua
– Hành tím, gia vị, nước hàng,nước mắm, dầu hào
Cách làm:
– Thịt thái miếng vừa ăn, luộc qua thịt để cho thịt ra hết bọt bẩn rồi rửa sạch với nước.
– Rửa qua dưa cho bớt vị mặn và chua
– Cho thịt vào thố, ướp cùng với hành tím, hạt nêm, nước mắm, dầu hào. Đổ nước hàng thắng từ đường vào để lấy màu cho thịt nhé. Ướp thịt trong vòng 30 phút cho ngấm gia vị.
– Cho thịt lên vào nồi áp suất đun tầm 15 phút (nồi thường là 20 phút) đến khi thịt mềm.
– Sau đó, cho dưa vào. Đun tiếp đến khi nước trong nồi sền sệt (khoảng 15 phút nữa). Nếu muốn ăn nhiều nước thì bạn chỉ cần đun đến khi dưa mềm nhé.
– Cho thịt kho dưa ra đĩa và cùng thưởng thức với cơm nóng. Món ăn tuy đơn giản lại rất đưa cơm, nhất là trong những ngày giao mùa như thế này.
Móng giò nấu giả cầy
Nguyên liệu:
– Móng giò: 1 cái (700 gr)
– Mẻ, mắm tôm, hành khô, riềng, bột nghệ, hành hoa, ngổ hương (vài ngọn), hạt nêm, bột canh.
Thực hiện:
– Riềng rửa thật sạch đất cát, thái lát nhỏ rồi đem xay (giã) nát. Hành khô bóc bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Hành hoa, ngổ hương nhặt bỏ rễ và lá già, rửa sạch, thái nhỏ.
– Dùng rơm (giấy trắng) bọc xung quanh móng giò rồi đốt cho đến khi móng giò xém vàng đều các mặt và có mùi thơm. Rửa sạch lại với nước, dùng dao cạo sạch những chỗ bị xém đen, rồi chặt móng giò thành những miếng nhỏ. Ướp móng giò với riềng, bột nghệ và một ít hành, mẻ, mắm tôm, bột canh, hạt nêm. Để móng giò vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng cho thật ngấm gia vị.
– Làm nóng dầu ăn trong một chiếc nồi, rồi cho hành vào phi thơm.
– Chút móng giò vào xào. Đảo đều tay liên tục cho đến khi thịt săn lại. Chuyển móng giò sang nồi áp suất, cho thêm nước vào ngập mặt thịt. Đun đến khi nước sôi thì hạ lửa đun liu riu khoảng 30 phút.
– Ninh móng giò cho đến khi chín mềm (nhưng thịt không quá nhũn) thì nêm thêm mẻ, mắm tôm, gia vị sao cho vừa miệng (có thể cho thêm tí xíu đường để làm giảm độ mặn của mắm tôm). Đun sôi thêm trong vòng vài phút thì cho hành hoa và ngổ hương vào đảo đều rồi tắt bếp.
Cho móng giò nấu giả cầy ra bát, ăn cùng cơm hoặc bún đều ngon.