Bánh khẩu thuy, khâu nhục, bánh coóc mò hay tôm chua là những thứ ngon có tiếng để du khách ăn một lần là nhớ mãi.
Bánh khẩu thuy
Bánh khẩu thuy là thứ bánh không thể thiếu để dâng lên đất trời cầu mong mùa màng bội thu. Bánh tròn đầy nho nhỏ như quả trứng cút, có màu vàng của mật mía, ăn ngọt, thơm, giòn tan trong miệng. Tại các lễ hội người Tày, thứ bánh này sẽ được bày bán đề khách thập phương mua về làm quà.
Lạp sườn hun khói
Làm lạp sườn là công việc khá phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Thường thì gần tết, khi mổ lợn người ta mới có dịp để làm. Lạp sườn khi làm xong sẽ được hong khô trên gác bếp để thịt săn chắc lại. Thường thì mọi người nơi đây sẽ đem chiên lạp sườn sau đó thái lát, chấm với mắm gừng, hoặc thái thành những miếng dày đem chiên với mỡ, rưới thêm chút nước mắm, hành tươi.
Khâu nhục
Đây là món ăn cầu kỳ thường được chế biến trong tiệc tùng, cưới hỏi hoặc lễ tết. Bánh được làm từ thịt ba chỉ và khoai môn xếp chồng tỉ mỉ lên nhau, tạo thành hình nhọn trông giống như một mỏm đồi nhỏ. Bánh khâu nhục có thể ăn với cơm trắng hoặc với bánh gật gù đều khá ngon. Vị béo của thịt, khoai ngọt bùi cùng với nước sốt thịt đậm đà hòa quyện tất cả lại với nhau khiến cho người ăn không thể nào quên được hương vị này.
Tôm chua Ba Bể
Tùy mỗi vùng có cách chế biến tôm chua khác nhau nhưng tôm chua Ba Bể lại có hương vị rất đặc biệt, ngon hơn hẳn. Khác với tôm chua xứ Huế nổi tiếng với vị ngọt gắt của đường, chua cay nồng nàng của ớt của giềng, tôm chua ở đây mang mùi vị ngọt tự nhiên, ngọt dịu, chua thanh hơi cay một chút.
Bánh gio
Làm bánh gio rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải khéo tay tinh mắt thì mới ngon được. Bánh gio có màu vàng sáng, bắt mắt, dễ bóc khi ăn, có mùi thơm rất đặc trưng. Thứ nước mật chấm cùng với bánh làm từ đường mía, có mùi thơm, màu vàng đậm. Bánh gio ngon là phải mềm mịn mà vẫn giữ được độ dai, thơm của lá chít.
Bánh coóc mò
Bánh coóc mò là thứ quà không thể thiếu cho trẻ nhỏ nhất là vào các dịp như đầy tháng hay thôi nôi. Bánh có hình chóp nhọn, thường được xâu thành từng chùm. Bánh sau khi luộc có màu xanh nhạt, có vị thơm của lá dong, vị dẻo mềm của gạo nếp và vị ngọt bùi của nhân đậu đỏ. Bánh có thể ăn cùng với mật ong hoặc mật mía để hương vị thêm đậm đà, hấp dẫn.
Rượu men lá
Đến Bắc Kạn mà không uống rượu men lá quả thật là phí công chuyến đi. Rượu này phải uống bằng cốc mới chứ không uống bằng ly được. Cái hay ở rượu này là uống thế nào cũng khiến mệt người, uống xong chỉ cần ngủ một giấc là sáng hôm sau tỉnh táo như thường.