Mùa thu là mùa của đất trời giao hòa, của nhiều món đặc sản khiến người đi xa nhớ mãi về thủ đô.
Hà Nội đang vào thu. Mùa thu ở đâu cũng đẹp và lãng mạn nhưng trong ký ức của nhiều người, mùa thu đẹp nhất là mùa thu Hà Nội. Ngay cả những người không sinh ra và lớn lên ở thành phố này hay chỉ ghé qua như lữ khách thì hương sắc mùa thu cũng không dễ dàng phai mờ trong tâm trí.
Mùa thu Hà Nội không có lá vàng như người ta vẫn nghĩ. Có lẽ vì phần lớn cây trên đường là xà cừ và sấu, chỉ thay lá vào tiết cuối xuân đầu hạ. Ngay cả người sống ở Hà Nội lâu năm cũng không thể biết chính xác mùa thu bắt đầu từ bao giờ. Chỉ khi nào một sáng tỉnh dậy, bước chân xuống giường thấy se se lạnh, bầu trời cao xanh, nắng nhẹ như rót mật, cảm nhận làn gió heo may thổi nhẹ trên mái tóc, những tán cây hoa sữa trên đường Nguyễn Du bung tỏa hương thơm đầu tiên, thì bạn mới có thể nhận ra: thu đã về.
Mùa của hoa cúc vàng
Ở Hà Nội, người ta đếm mùa bằng hoa. Thành phố bốn mùa rõ rệt nên tháng nào sẽ có loại hoa ấy. Do đó, nếu đã lật giở đến những tờ lịch cuối cùng của tháng 9, những hồ sen trên mạn Tây Hồ đã úa tàn mà vẫn chưa thấy hoa cúc vàng thì lòng lại cảm thấy cồn cào không yên.
Mùa này, đâu đâu trên khắp các khu chợ cóc, chợ vỉa hè, bạn cũng có thể bắt gặp bóng dáng những bó hoa cúc đủ màu: trắng, tím. Nhưng phổ biến nhất, đặc trưng nhất là hoa cúc vàng. Những chiếc xe hoa của các cô, các chị từ vùng ngoại ô, chở theo mùa thu dịu dàng len lỏi vào khắp phố phường.
Ngày xưa, người Hà Nội chỉ chuộng cắm hoa cúc đại đóa, đài to, nhiều cánh nhỏ, màu vàng rực rỡ. Ngày nay, chuyện chơi hoa thưởng hoa cũng được giản tiện nên nhiều gia đình chỉ cắm hoa cúc vàng nhưng bông nhỏ hơn. Bó cúc vàng cắm trong bình gốm trắng hoa xanh, nải chuối trứng cuốc, đĩa cốm nhỏ cùng dăm ba quả hồng đỏ không rõ từ bao giờ đã trở thành linh hồn của mùa thu Hà Nội.
Mùa cốm, mùa hồng
“Gió thổi mùa thu hương cốm mới” – câu thơ đó hẳn nhiều người vẫn thuộc nằm lòng từ thời đi học. Ngay cả người chưa từng đến thủ đô cũng biết đến cốm làng Vòng – loại đặc sản dân dã ngàn đời tồn tại âm thầm, bền bỉ giữa lòng thành phố sôi động. Dẫu làng Vòng ngày nay không còn nhiều nhà làm cốm nữa nhưng danh tiếng của ngôi làng cổ cùng thức quà đặc trưng thì vẫn được nhiều người nhớ đến.
Người Hà Nội xa xứ có thể lúc nhớ lúc quên tiếng mẹ đẻ nhưng hương vị cốm Vòng thơm thơm, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi thì sẽ không bao giờ quên được. Cốm được làm từ lúa non gặt sớm, trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tinh tế mới ra được sản phẩm. Người chăm chỉ, khỏe mạnh cùng không làm được cốm mà phải là người thật khéo léo. Để có được cốm ngon, quan trọng nhất là khâu rang cốm, hạt lúa mỏng manh nếu rang không khéo sẽ rất dễ cháy, quá lửa thì mất mùi, nếu lửa chưa tới thì cốm bị dính, không ra được chất tinh túy.
Cốm rang khéo sẽ có màu xanh nhạt tự nhiên chứ không cần dùng đến phẩm màu, vị cốm dẻo dẻo, ngòn ngọt như sữa, mới đạt chuẩn “cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua” như lời một bài hát. Cốm ra thành phẩm được gói trong lớp chiếc sen cuối mùa, bản to rộng, mùi ngan ngát nhè nhẹ. Thế nhưng, nếu gói trực tiếp lên lá sen, cốm sẽ nhanh mất mùi, nên ngon nhất là ăn ngay sau khi mua, còn nếu để thắp hương, người ta sẽ bọc thêm một lớp lá bên trong đễ giữ mùi.
Bên cạnh đĩa cốm, trên bàn thờ gia tiên mùa thu không thể thiếu dăm ba quả hồng, mà lại phải là loại hồng đỏ, quả to, chín mọng. Mùa hồng thường bắt đầu từ tháng 7 tới tháng 9 âm lịch hàng năm nhưng thời điểm chín rộ nhất là tháng 8 âm. Người mua hồng đỏ thường là những người lớn tuổi hoặc các gia đình truyền thống, bởi quả hồng mềm, vị ngọt dễ ăn với người già, thắp hương lại đẹp, đủ sắc màu cho mâm cúng ngũ quả.
Mùa của quà vặt
Mùa thu là mùa tựu trường nên thật dễ hiểu vì sao nhiều loại quà vặt được bày bán tới như vậy, bởi ngoài “thiên thời, địa lợi” khi nhiều loại sản vật bung hương ra trái thì cũng còn bởi lúc này, các cô cậu học sinh đã bắt đầu tíu tít trở lại trường. Trong ký ức thời học sinh của mỗi người Hà Nội, hẳn không thể thiếu sấu dầm, cóc dầm mùa khai trường. Gói quả dầm chua chua, ngọt ngọt, lắm khi vị của đường, của muối, của ớt còn nhiều hơn vị quả nhưng ấn tượng đọng lại trong tâm trí thật khó phai.
Mùa sấu bắt đầu từ cuối hè đến đầu thu. Nếu tháng 6 là trái xấu xanh, ruột cứng, dùng để thêm vào nồi nước canh luộc rau chua thanh mát rượi, hay dùng để làm các loại ô mai cầu kỳ thì sấu mùa thu chỉ còn rơi rớt lại một vài quả chín mềm, vỏ vàng nhạt. Ai khéo tay thì đem dầm với muối, đường và ớt bột, để vài tiếng là ăn được. Còn với những người không đảm đang cho lắm thì riêng việc gọt sấu chín cũng là một thử thách không dễ dàng gì. Vị sấu cuối mùa vẫn còn hơi chua chua nhưng đã có thêm vị ngọt phơn phớt, chấm cùng đĩa muối đường cũng đủ ngon hết chỗ chê rồi.
Ăn quà vặt ở thủ đô thì không thể thiếu món ốc luộc. Không cầu kỳ như ốc Sài Gòn với đủ cách chế biến đặc sắc, ốc Hà Nội chỉ hấp cùng lá chanh theo kiểu dân dã nhưng cũng đủ làm say lòng thực khách khó tính nhất. Ốc Hà Trang ở ngã tư Đinh Liệt – Hàng Bạc bao nhiêu năm vẫn chỉ trung thành với một món ăn duy nhất nhưng dường như lượng khách chẳng bao giờ ngơi vắng. Người ta còn sẵn lòng xếp hàng đợi “dài cổ”, ngồi ngay vỉa hè tấp nập người qua lại, hay ngồi chen chúc trong căn phòng chật hẹp chỉ để thưởng thức con ốc béo mầm, chấm cùng thức nước chấm chua ngọt thanh tao bí truyền, không nơi nào có được.
Mùa của nắng mật ong, mùa của hò hẹn
Tháng 10, thời tiết khá dễ chịu. Bạn đã có thể cảm nhận một chút lành lạnh vào buổi sớm, đôi khi rơi rớt lại một vài cơn mưa cuối mùa nhưng sẽ nhanh chóng chuyển qua tiết trời khô ráo, hanh hao. “Nắng mật ong” là cách dùng từ của người Hà Nội về thời tiết những ngày này. Qua rồi cái oi nóng rực lửa của những ngày hè tháng 7-8, nắng mùa này dịu dàng, chỉ đủ trải đều trên cành cây ngọn cỏ, làm khung cảnh bừng sáng dưới bầu trời cao xanh, chứ không còn khiến bạn cảm thấy ngột ngạt. Nếu ở nhà những ngày này là có lẽ bạn đang “có lỗi” với trời đất đấy.
Thu nay đã khác thu xưa. Đâu còn hình ảnh các cô các chị bán những trái thị thơm giữa lòng thành phố, ngay cả những gánh hàng rong trĩu trịt chở theo bao ký ức thơ ấu cũng đã vắng bóng. Nhưng bạn cũng có thể “lập kèo” mùa thu cho riêng mình. Đôi khi chỉ là cuộc hẹn nơi vỉa hè phố cũ, nhâm nhi ly cà phê dưới chân biệt thự cổ, hay là cuộc hẹn dạo chơi dọc các con phố uy nghiêm cổ kính của dân mê chụp ảnh. Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến ký ức về mùa thu Hà Nội kéo dài mãi.
Bài: Nguyên Chi
Ảnh: Phan Quốc Bảo, Nguyên Chi
Theo Ngôi sao