Quán bún dọc mùng của bà Thảo ở phố Ngô Sĩ Liên thường được biết đến với tên “bún chửi”, nhưng dường như “cái tâm trái với cái miệng” của người làm đặt trong món ăn đã níu chân thực khách suốt 20 năm nay.
Đến quán vào 12h trưa, khu để xe không còn chỗ trống, tầng một cũng chật kín người ngồi, có lẽ nhiều người mới hiểu được áp lực của người bán hàng như bà Thảo và hiểu được vì sao nổi tiếng là quán bún chửi, khách vẫn nườm nượp ghé ăn.
Tầng 1 chật kín khách vào giờ ăn trưa.
Vì sao quán bún chửi nổi tiếng vẫn nườm nượp khách ghé qua?
Quán bún chửi Ngô Sĩ Liên nổi danh bao lâu nay không khó có thể tìm thấy. Đặc điểm nhận ra quán trong dãy phố này chính là khách hàng nối lượt nhau đi vào và bà chủ nổi danh trên khắp các tờ báo, truyền hình và lên cả CNN ngồi ngay trước cửa làm đồ cho khách.
Có lẽ, với những người đến đây ăn lần đầu tiên sẽ dành hàng loạt điểm trừ cho quán. Điểm trừ đầu tiên chưa cần bước chân vào để chuẩn bị nghe chửi của bà chủ quán chính là chỗ để xe bất tiện, không có người dắt, trông xe.
Đến quán 12h trưa mang chiếc bụng đói meo, chắc chắn bạn sẽ mang thêm chút bực bội bởi việc tìm một chỗ để xe quá khó khăn, khu đối diện với quán đều kín chỗ. Nếu để quá lên thì bị đuổi “Ăn bún chửi không để đây được đâu” còn để đúng chỗ thì không biết xếp vào đâu. Đó chưa kể, bạn sẽ phải mang thêm tâm trạng lo lắng cho chiếc xe của mình vì không có ai trông, trong khi đó, ở Hà Nội người ta vẫn nói vui rằng “một mét vuông 4 thằng ăn trộm”.
Không gian ở ngoài quán bún chửi Ngô Sĩ Liên.
Điểm trừ thứ 2 đó là không gian quán, những thứ bộn bề nồi xoong, bát đũa ở trước cửa “đập” ngay vào ánh mắt khi vừa để xe xong xuôi.
Nếu so với những quán bình dân khác, quán bún chửi Ngô Sĩ Liên có diện tích khá thoải mái, thế nhưng khách cứ tấp nập vào ra khiến cho mọi người cảm giác chật chội, nhỏ bé. Hơn nữa, những đồ ăn thừa của khách trên bàn được gạt hết xuống nền nhà để dọn bàn mới cho khách vào càng khiến không gian không đẹp trong mắt thực khách.
Điểm trừ thứ 3 đó là bà chủ quán gương mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, ít khi nở nụ cười càng khiến cho những người đến ăn lần đầu hoang mang, lo sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo “bị chửi”.
Tầng 2 cũng kín chỗ.
Và điểm trừ cuối cùng đó chính là nhân viên phục vụ quá lâu. Nếu đến quán vào giờ ăn trưa, chắc chắn bạn sẽ phải “chờ dài cổ”, khoảng chừng 15 phút mới có được bữa trưa cho mình.
Nhận điểm trừ nhiều như vậy, điều gì khiến quán bún chửi Ngô Sĩ Liên luôn luôn đông khách, thậm chí mọi người chấp nhận ngồi chờ để được thưởng thức bát bún của “thánh chửi”?
Có lẽ nếu bỏ qua những điểm trên và “tặc lưỡi” “quán bình dân mà”, mọi người sẽ thấy được khá nhiều điều níu chân thực khách suốt bao năm qua, “thì ra bà chủ cũng không chửi nhiều như trong clip” và thích thú với bát bún đầy ụ ở đây.
Bát bún dọc mùng sườn và thịt đầy ụ.
Gọi bát bún đầy đủ hay bát bún riêng từng loại bạn cũng chỉ phải trả 40 nghìn/bát, từ bún thịt, bún lưỡi, bún sườn, bún móng. Hơn nữa, bạn sẽ được “no căng bụng” với bát bún đầy ắp ở đây. Miếng thịt, miếng sườn hay miếng lưỡi được thái to dày dặn, không làm hàng mỏng dính, không bị hoi như ở nhiều nơi khác.
Bát khá nhiều thịt, sườn ăn đẫy đà.
Bún ăn mềm, nước dùng có màu vàng đẹp mắt và dọc mùng giòn, không bị ngứa khi ăn. Nước dùng ngọt thanh đậm đà, nếu để ý kĩ sẽ thoáng nhận ra vị của nghệ. Ngoài ra, nước chấm thịt có chút lạ miệng. Tuy chưa phải là quán bún dọc mùng ngon, xuất sắc nhất nhưng bát bún ở đây rất đáng “đồng tiền bát gạo”.
“Ăn theo quy trình sẽ không bị chửi”
Nghe tên quán bún chửi, với những người lần đầu tiên đến chắc hẳn sẽ luôn mang tâm trạng lo sợ, rón rén. Đặc biệt sau khi xem xong video của CNN hay những video ghi lại bà chủ nói khách hàng như “tát nước vào mặt” nỗi lo sợ càng dâng cao hơn bởi có thể mình sẽ là một trong những người tiếp theo bị chửi giống như vậy, không dưng rước bực vào người.
Thế nhưng, bà chủ quán nổi tiếng “thánh chửi” ở đây cũng không chửi nhiều như mọi người nghĩ, có thể sau nhiều bài báo bà đã rút kinh nghiệm, kiềm chế sự bức tức của bản thân và cũng có thể bà chỉ nói với những người khách khó tính. Còn với những vị khách thân thiết, có chọc bà cũng chẳng buồn chửi.
Mọi người lặng lẽ bước vào quán và tìm chỗ ngồi phù hợp.
Theo một vị khách quen của quán nói vui hiện nay bà Thảo vẫn giữ phong cách phục vụ đặc biệt này bởi “không chửi làm gì có khách đến ăn, có thể buổi trưa đông khách bà mệt không chửi nữa”. Tuy nhiên theo vị khách này, bà chỉ chửi với những người khó tính rồi cũng không để bụng với ai và nếu đi ăn theo quy trình này sẽ không bao giờ phải bị chửi cả.
“Mọi người đến ăn cứ tự động để xe vào khu vực đối diện quán, khóa cổ lại cho chắc ăn vì ở đây không có người trông xe. Sau đó, mọi người vào tìm chỗ ngồi rồi đợi nhân viên phục vụ đến để gọi món. Mình làm như vậy bao năm nay, đến chẳng bao giờ nghe chửi cả.
Bún ở đây khá đầy đặn, ngon và giá cả hợp lý nên mình thường xuyên đến đây. Bà chủ nóng tính, khách đòi hỏi nhiều mới nói lại thôi còn bình thường bà chủ cũng dễ gần, vui vẻ, thậm chí còn cười với khách, thỉnh thoảng còn không tính tiền trà đá”, vị khách này chia sẻ.
Nhiều người bảo bà chủ đã bớt chửi hơn ngày xưa.
Vị khách này vừa dứt lời, một người phụ nữ mái tóc tém cá tính bước ra từ quán ăn vui đùa, chọc để bà chửi, không quên kèm theo câu nói “đầu xuân năm mới đừng có chửi nhé”. Đáp lại đó, bà Thảo lại nở nụ cười vui vẻ.
Dường như khi bà cười là một hình ảnh người phụ nữ khác, người phụ nữ vất vả mưu sinh sáng tối, nóng tính, phổi bò, không để bụng bao giờ.
Theo Hồng Nhung (Khám phá)
Theo Eva