Sa tế sử dụng ớt bột sẽ có nguy cơ nhiễm chất gây ung thư RhodamineB; dầu ăn dùng để chiên ớt và các thành phần khác rất dễ bị oxy hóa… và đặc biệt, nếu không được bảo quản đúng sẽ gây ra các mầm bệnh tật.
Sa tế – gia vị không thể thiếu trong các nồi lẩu nhưng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Ớt trong sa tế có thể nhiễm RhodamineB gây ung thư
Theo thanh tra của Sở Y tế TPHCM, trong những mẫu được lấy và kiểm nghiệm ngẫu nhiên tại nhiều chợ ở địa bàn thời gian qua có sa tế bị nhiễm chất RhodamineB. Đây là loại sa tế khô của một hãng sản xuất ở Bình Chánh, không có hạn sử dụng và chứa hơn 31.7mg/kg chất gây ung thư này.
Cũng tại một cửa hàng bán đồ khô tại chợ Ngọc Hà (Hà Nội), chúng tôi mua một lọ sa tế với giá 7.000đ. Tuy nhiên, vì hàng được bày bừa bộn, chồng chất lên nhau nên nước dầu đỏ bị chảy vẫn còn dính đầy phía ngoài lọ sa tế.
Trên nắp ghi hạn sử dụng 2 năm sau ngày sản xuất, nhưng tìm mãi chúng tôi vẫn không thấy ghi ngày sản xuất. Lớp keo mỏng dùng để kết dính nắp và thân lọ đã bị bong. Khi mở ra ngửi có mùi hăng hắc khó chịu.
Theo ghi nhận tại chỗ, các hộp dạng khay chứa lọ sa tế được chủ cửa hàng bày chồng lên nhau. Nhiều hộp còn dính đầy bụi bẩn và nước dầu loang lổ. Nhãn mác của mặt hàng này đã bị nhòe, thậm chí là đã bị hoen úa do để lâu, bảo quản kém.
GS.VS Đái Duy Ban, nguyên Giám đốc Trung tâm Hóa sinh ứng dụng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, theo logic rất nhiều mẫu ớt bột được chứng minh có chứa chất gây nguy cơ ung thư cao Rhodamine B thì sa tế cũng sẽ có nguy cơ nhiễm chất này.
Bởi thành phần chính của sa tế là ớt bột chưng với dầu, nước và một số gia vị khác. Trong đó ớt bột là thành phần chính tạo nên màu sắc đỏ và độ cay của sa tế. Hầu hết các nhà sản xuất loại thực phẩm này đều không công bố nguồn gốc loại ớt trong thành phần sa tế đến người sử dụng.
Thậm chí có những loại không có tên cơ sở sản xuất hoặc nhập nhèm hạn sử dụng… Điều này cho thấy độ an toàn, tin tưởng của sản phẩm càng thấp.
Dầu ăn trong sa tế dễ bị oxy hóa
Còn TS Đỗ Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học và Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) cho rằng, trong dầu ăn có chứa các axit béo không no và no.
Dầu ăn khi đã được chiên cùng với ớt bột, nước và các chất khác để lâu sẽ xảy ra hiện tượng oxy hóa. Khi dầu ăn bị oxy hóa sẽ không giữ được các đặc trưng ban đầu của gia vị sa tế nữa. Cụ thể như dầu ăn sẽ tạo ra các chất để tác dụng với ớt, nước… tạo ra mùi khó chịu, không còn thơm như ban đầu.
Đồng quan điểm GS Ban cho rằng, các axit sẽ tạo ra các sản phẩm oxy hóa bậc cao như andehit, xêtôn, peroxit… Các chất này tạo ra các gốc tự do, khi ăn vào cơ thể sẽ tạo ra các mầm mống nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, hiện nay còn tồn tại tình trạng nhà sản xuất đúng nhưng người dùng kém hiểu biết khiến sản phẩm không chất lượng.
Tình trạng dùng sa tế trong thời gian dài, đã mở nắp nhưng không dùng hết trong một lần, lại bảo quản kém cũng khiến các thành phần bị biến đổi. Hoặc khi lấy ra dùng có thể bị dây các loại thức ăn khác hay nước lạnh vào khiến sa tế dễ bị thiu, lần ăn sau dễ mắc các bệnh tiêu chảy…
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên dùng sa tế của các hãng sản xuất uy tín, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Dùng đúng hạn sử dụng, khi đã mở nắp không nên để lâu quá 1 tháng. Có thể nhận biết loại gia vị này bị oxy hóa bằng cách ngửi có mùi khó chịu, màu sắc sẫm, không tươi.
Theo KH&ĐS