Quầy bánh tôm, bánh gối, há cảo chỉ vỏn vẹn khoảng chục m2 nhưng suốt 10 năm nay nó nuôi sống cả gia đình cô Trần Thúy Nga, giúp cô trang trải và nuôi 2 con ăn học khôn lớn.
Bánh tôm Hồ Tây được coi là một trong những món ăn nổi tiếng ở Hà Nội. Và nhắc đến bánh tôm, ai ai cũng sẽ chỉ về phía Hồ Tây thơ mộng với câu nói quen thuộc “lên Hồ Tây ăn bánh tôm”.
Thế nhưng ở khu vực phố cổ, mỗi khi nhớ đến món ăn này trong những ngày Hà Nội mát mẻ, mọi người đều chỉ về con ngõ Hồng Phúc. Mặc dù là một trong những con ngõ ngắn nhất Hà Nội nhưng ở đây lại có những món ăn vô cùng hấp dẫn, đặc biệt là món bánh tôm khiến ai cũng nhớ đến mỗi khi thèm.
Bánh tôm – Món bánh giản dị, lặng lẽ nơi góc phố nhỏ Hồng Phúc.
Con phố Hồng Phúc giao với Hòe Nhai và hàng Đậu ngắn nhưng lại có tới 4 quán ăn hấp dẫn biết bao thực khác: nào nộm bò khô, bún riêu giò, bún cá và cả bánh tôm, bánh gối, há cảo.
Cửa hàng bánh tôm ở đây cực đơn giản và không khó để nhận ra bởi chiếc tủ kính bày những chiếc bánh vàng ươm được đặt ngay trước cửa. Quán khá nhỏ, chỉ rộng khoảng chục m2 với 2 chiếc bàn dài, một chiếc bàn kê trước cửa còn một chiếc kê trong nhà.
Điều đầu tiên mọi người ấn tượng khi bước vào đó là quán tuy đơn sơ nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng, cô chú chủ quán khá nhanh nhẹn và cởi mở. Thêm nữa, mọi công đoạn nấu nướng đều được đặt trước cửa nên ai cũng dễ dàng nhìn thấy và yên tâm.
Bánh chế biến sơ để trong tủ kính sạch sẽ.
Bánh ở đây làm xong được chiên qua trước rồi đặt trong tủ kính. Khi nào khách gọi mới được đem ra chiên kỹ để giòn, ngon hơn. Trước khi mang ra cho khách, các loại bánh đều được đảm bảo chiên ráo mỡ để ăn đỡ ngấy.
Mỗi chiếc bánh tôm đều có 2 con tôm khá to, chắc thịt vỏ mỏng. Vỏ bánh chín giòn rụm bên ngoài nhưng bên trong vẫn giữ độ dai dai của bánh. Mặc dù để lâu mới thưởng thức nhưng miếng bánh không bị nhũn mà vẫn giữ được độ giòn tan và có độ ngọt từ những con tôm đọng lại.
Tôm chắc thịt, vỏ mỏng.
Nước chấm ở đây khá vừa miệng, ngọt thanh hợp với những miếng bánh chiên béo ngậy như bánh tôm, bánh gối, há cảo. Với những người thích hương vị đậm đà sẽ đánh giá không cao nước chấm bởi thiếu chua nhưng có lẽ đó cũng là chủ đích của chủ quán để phù hợp với tất cả thực khách. Mọi người có thể cho thêm quất, ớt, hạt tiêu để hương vị nước chấm thêm đậm đà.
Được biết, nhiều thực khách đánh giá nước chấm ở đây có một không hai bởi họ không tìm thấy hương vị nước mắm giống như nhiều quán khác. Bát nước chấm có vị ngọt thanh của đường, quất cùng nộm đu đủ và cà rốt. Dù cho nhiều lát ớt nhưng vẫn đậm đà, thanh mát mà không hề bị cay.
Có lẽ chính vì thứ nước chấm giản dị nhưng đặc biệt ấy đã làm giảm đi độ béo ngấy trong những miếng bánh giòn tan khiến bao thực khách phải say lòng bất kể mùa nào.
Nước chấm ngọt thanh hòa quyện với những miếng bánh không tạo cảm giác ngấy.
Ăn kèm rau sống thêm phần thanh mát hơn.
Theo cô Trần Thúy Nga (58 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội), cô mở quán đến nay đã được chục năm và quán cũng là bao kỷ niệm, hồi ức để mỗi khi nhớ lại cô đều rưng rưng nước mắt.
Cô Nga cho biết, cô mở quán từ đôi bàn tay trắng không có gì, kinh doanh thua lỗ, chồng con thì ốm đau bệnh tật. Cô đã phải mượn nhà của mẹ để bán hàng kiếm sống qua ngày. Hàng ngày cô cứ tất bật sáng sớm từ Thụy Khuê lên Hồng Phúc rồi đến chiều muộn lại trở về nhà.
Chủ quán là cô Trần Thúy Nga bán bánh tôm được 10 năm trên phố Hồng Phúc.
Đến với nghề bán hàng ăn, đặc biệt là bánh tôm này, cô Nga chia sẻ, khi cô tay trắng không có gì, cô được một người là quầy phó bánh tôm Hồ Tây dạy nghề trong một tháng. Mặc dù lúc đầu, những mẻ bánh cô làm không ngon, nhưng sau đó nhờ sự góp ý tích cực của khách hàng cũng như sự sáng tạo của bản thân, cô đã gìn giữ được cửa hàng cho đến tận hôm nay.
“Trước đây vợ chồng tôi đều làm nhà nước nhưng sau đó nghỉ. Tôi về đi chợ Trung Quốc, buôn đường dài nhưng không được trọn vẹn, con học hành ngoan ngoãn, thành đạt nhưng kinh tế gia đình lại thất thoát, toàn thua lỗ.
Cuộc sống về tay không tôi mới bán bánh tôm. Lúc mới bán hết tiền, chồng ốm, con ốm, cả gia đình 4 người ốm chỉ mình tôi khỏe nhất, gánh vác mọi thứ. Mới đây chồng tôi mổ dây thanh quản ở cổ có nói được đâu”, cô Nga rưng rưng.
Tôm chắc thịt mỏng vỏ, khi ăn vẫn còn vị ngọt của tôm và giòn tan của vỏ bánh.
Khi mở quán bánh tôm, lúc đó 2 con trai cô một cậu mới học lớp 12 còn một cậu mới học lớp 9. Gia đình điều kiện không có nhưng cô Nga vẫn cố buôn bán để nuôi các con ăn học. Đến nay, quán đã được 10 năm cũng là nơi nuôi sống cả gia đình cô, đặc biệt giúp cô trang trải, nuôi 2 con học đại học thành đạt. Đến giờ một người là quản đốc xe lửa Gia Lâm, còn một người làm bên bảo hiểm Bưu Điện.
“Tôi yêu nghề lắm, trước đây được dạy, người ta không dạy cho khoai lang vào bánh, sau này tôi tự sáng tạo ra. Nước chấm tôi tự làm ai cũng khen ngon, tôi không dùng nước mắm chỉ muối tinh, gia vị, và đường. Dấm nhà cũng tự làm lấy.
Bánh tôi làm cũng mộc mạc không có hóa chất, chất phụ gia chỉ có bột mì và bánh tôm thôi đâm ra vừa túi tiền, vừa dễ bán lại ngon. Vì bánh ngấy nên nước chấm phải thanh ngọt, mát mới không ngấy bánh.
Sáng tôi phải đi từ sớm chọn tôm tươi, đầu hơi múp thì mới chắc tôm ăn ngọt không bị bở. Bột làm bánh tôi phải làm mấy loại sao cho bánh giòn, mềm, xốp”, cô Nga cho biết.
Bánh gối ở đây có vỏ giòn tan, kể cả viền gấp cũng không bị cứng. Nhân thịt đầy đặn có cả trứng cút.
Bánh tôm được chiên lại cho giòn, nóng khi khách đến và được để cho ráo dầu mỡ.
Quán mở cửa từ 10h sáng đến chiều muộn mỗi ngày, đông khách nhất vào giờ cao điểm. Bánh tôm giá 12 nghìn/chiếc, bánh gối 12 nghìn/ chiếc.
Được biết, thời kỳ cao điểm, đặc biệt mùa đông, cô bán khoảng hơn 300 bánh/ngày, chưa kể những hôm phát sinh có nhiều cơ quan đặt. Mỗi ngày cô bán từ 10h sáng đến chiều tối muộn mới nghỉ hàng. Mỗi chiếc bánh tôm có giá 12 nghìn, còn bánh gối có giá 10 nghìn.
Theo Eva