Tăng 6 lần liên tục kể từ đầu năm đến nay, giá gas hiện đã ở mức dao động từ 340.000 – 350.000 đồng/bình 12kg. Giá gas tăng cao khiến chi tiêu trong gia đình bị ảnh hưởng, nhiều bà nội trợ cuống cuồng tìm các giải pháp thay thế để tiết kiệm gas.
Từ ngày 1.9 vừa qua, giá gas tiếp tục tăng hơn 800 đồng/kg, tùy nhà cung cấp. Đây là lần thứ 5 giá gas tăng liên tiếp kể từ tháng 5 đến nay. Cụ thể, tháng 5 giá bán lẻ gas tăng 10.000 đồng, tháng 6 tăng 18.000 đồng, tháng 7 tăng 1.000 đồng, tháng 8 tăng 11.000 đồng. Nếu tính luôn từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ gas đã có 6 lần tăng giá với tổng mức tăng 60.000 đồng, 2 lần giảm tổng mức hơn 21.000 đồng và một lần giá giữ nguyên.
Trước tình hình này, nhiều bà nội trợ lo lắng, giá gas sẽ đẩy thâm hụt vào các chi phí sinh hoạt khác trong gia đình. Do đó, nhiều người thực hiện tiết kiệm gas bằng cách chuyển sang sử dụng bếp điện từ, nồi ủ hoặc mua các thiết bị tiết kiệm gas để gắn vào bếp.
Chị Nguyễn Thùy Nhi (ngụ phường 6, quận 8, TP.HCM) chia sẻ, ngoài việc nấu nướng cho gia đình 6 người, chị còn có một nhà hàng ẩm thực nhỏ nên giá gas tăng khiến giá thành sản phẩm bán ra cũng tăng lên. Lợi nhuận vì thế mà eo hẹp lại, chưa kể chi phí cho sinh hoạt gia đình cũng tăng hơn trước.
Chọn nồi nấu phù hợp, để ngọn lửa vừa phải… là cách tiết kiệm gas được nhiều chuyên gia khuyến cáo. (Ảnh minh họa).
Để tiết kiệm gas, chị Nhi thực hiện một số “mẹo” nấu nướng mà các bà nội trợ chia sẻ trên mạng xã hội như khi nấu chè thì ngâm hạt cho thật mềm, hầm xương thì dùng nồi ủ, nồi áp suất…, còn nếu nấu canh, nấu nước dùng thì dùng nước sôi đun từ bình điện thay vì nấu trực tiếp bằng nước lạnh. Tuy nhiên, các biện pháp này khiến việc nấu nướng tốn thời gian mà khoản tiết kiệm lại không được bao nhiêu.
Một chủ cửa hàng bán bếp ga cho biết, chủ đề tiết kiệm gas được nhiều người quan tâm, nhất là các bà nội trợ, các gia đình trẻ khi mua sắm dụng cụ bếp mới. Theo vị này, để tiết kiệm gas, khi nấu cần chú ý tới ngọn lửa, chỉ cần điều chỉnh núm bếp gas sao cho ngọn lửa vừa với đáy nồi là được. Vì nếu ngọn lửa quá lớn sẽ rất tốn gas nhưng món ăn lại lâu chín hơn. Nguyên nhân là lượng nhiệt thay vì tập trung vào đáy nồi lại bị phân tán ra xung quanh, bị gió thổi tràn ra ngoài…
Ngoài ra, nhân viên tư vấn ở cửa này cũng cho rằng, bếp nấu cần được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày để tránh cặn bẩn đọng lại làm bít các lỗ khí trên đường dẫn gas. Qua đó, cũng giúp nguồn gas từ bình lên bếp ổn định, ngọn lửa cháy đều, thức ăn nhanh chín và tiết kiệm gas hơn.
Còn theo ông Trần Hùng, chủ cửa hàng gas (quận Bình Tân, TP.HCM) thì cho rằng, khi giá gas tăng cao liên tục như hiện nay, nhiều thiết bị tiết kiệm gas với thiết kế, giá cả khác nhau được rao bán. Tuy nhiên, việc tiết kiệm được nhiều hay ít phần lớn phụ thuộc vào cách sử dụng của người nấu bếp.
Việc lau bếp thường xuyên cũng giúp tiết kiệm gas, giữ ngọn lửa ổn định khi nấu nướng. (Ảnh minh họa).
Ông Hùng ví dụ, nếu trước khi vào nấu nướng, người nội trợ chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, nấu liền một mạch thay vì bật tắt bếp liên tục sẽ vừa giúp tiết kiệm gas vừa tăng tuổi thọ cho bếp. Hay như chỉ cần một thiết bị đơn giản là vòng chắn gió cho những gian bếp có gió lùa nhiều cũng sẽ giúp tập trung ngọn lửa, tiết kiệm gas khi nấu nướng…
Theo Eva