Về cơ bản, mâm ngũ quả truyền thống gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại quả có ý nghĩa tượng trưng tốt đẹp cho gia chủ vào dịp Tết đến. Tham khảo cách bày mâm ngũ quả ngày tết hợp phong thủy cho năm mới an khang, may mắn nhiều tài lộc.
Mâm ngũ quả truyền thống bao gồm 5 loại quả cơ bản: Chuối xanh, bưởi, đu đủ, quất/quýt, táo đỏ thể hiện được mong muốn năm mới “ngũ phúc lâm môn” tức đạt được 5 tiêu chí Phúc, quý, thọ, khang, ninh của người Việt.
Ngoài ra có thể bày trang trí thêm xung quanh mâm ngũ quả các loại quả khác như phật thủ, hồng xiêm, xoài, dưa hấu, trứng gà, lê, lựu… với mong muốn bàn thờ tổ tiên ngày tết đầy đặn, đa dạng các loại quả, màu sắc đẹp mắt hy vọng sẽ cả năm gặp nhiều may mắn nhiều tài lộc
Ý nghĩa tượng trưng của từng loại trong mâm ngũ quả
– Chuối xanh: Nải chuối có số quả lẻ tượng trưng sự sinh sôi. Hình quả cong vút như bàn tay bao bọc, chở che, sum vầy đông con nhiều cháu đón nhiều phúc lộc.
– Bưởi: To tròn căng mọng thể hiện sự an khang thịnh vượng
– Cam, quýt, quất: Loại quả màu vàng rực tượng trưng cho quyền lực, công danh thành đạt.
– Táo: Màu đỏ của táo tượng trưng cho may mắn, phú quý an khang.
– Đu đủ: Cái tên đã nói lên được mong muốn sự đủ đầy, ấm no của gia chủ
– Phật thủ: Những nếp quả ôm vào nhau như bàn tay phật che chở cho cả gia đình
– Dưa hấu: Hình tròn căng dồi dào năng lượng, tinh thần, sắc đỏ của dưa tượng trưng cho may mắn, sự sinh sôi, nguồn năng lượng vô tận.
– Xoài: Phát âm giống từ “tiêu xài” ý mong muốn tiêu xài thoải mái không lo thiếu thốn
– Thanh Long: Rồng múa phượng bay, phát tài phát lộc
– Lựu: Nhiều hạt, vị ngọt tức của cải lúc nào cũng đầy nhà
– Lê: Ngọt thanh, công việc làm ăn thuận lợi ít gặp biến cố
– Sung: Biểu trưng cho sự sung túc, con đàn cháu đống
– Đào: Mang lại sức khỏe, giàu có
– Quả trứng gà: Lộc ban phước trời cho, công thành danh toại
– Na: Mắt sáng tinh thông minh sáng suốt, con cháu học giỏi
– Mãng cầu xiêm: “Cầu” tức là cầu chúc cho năm mới vạn sự như ý
– Dừa: Trái dừa ngọt như đong đầy tình mẹ, gắn kết gia đình con cháu hạnh phúc
– Dứa (thơm): Thơm tho – Đa phúc thọ, sự may mắn an lành. Lá dứa sum suê tươi tốt ngụ ý công việc phát triển thuận lợi.
Cách bày mâm ngũ quả Miền Bắc
Ngày tết người Miền Bắc thường được bày mâm ngũ quả gồm các loại quả phổ biến: Chuối xanh, bưởi, quất, đu đủ, thanh long hoặc táo.
Khi bày mâm, chọn số lượng quả là số lẻ, không chọn số chẵn. Số lẻ tượng trưng cho phát triển, sinh sôi nảy nở đâm chồi nảy lộc.
Bày chính giữa là nải chuối ôm trọn quả bưởi hoặc quả phật thủ, cài đan xen xung quanh là những quả quýt vàng, bên trên là những quả khác sao cho “tay chuối” ôm trọn tạo sự sum suê bề thế.
Cách bày mâm ngũ quả ngày tết miền Bắc
Cách bày mâm ngũ quả Miền Trung
Với phong tục vùng miền mỗi nơi mỗi khác nhưng chung quy lại là mong muốn ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng, năm mới nhiều tài lộc. Các loại quả lựa chọn theo sản vật vùng miền, với người miền Trung thì thường chọn những loại quả sau để bày mâm ngũ quả ngày tết: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt.
Cách bày biện trang trí mâm ngũ quả miền Trung đơn giản: Dứa đặt cao nhất, bao quanh là xoài, thanh long và táo, nho đặt dải ngang và quýt bày xung quanh
Mâm ngũ quả ngày tết miền Trung
Ngoài ra có thể sử dụng chuối, bưởi trong mâm ngũ quả tương tự với cách bày miền Bắc sao cho thuận ý nghĩa để bày cúng miễn sao tâm an lạc
Cách bày mâm ngũ quả Miền Nam
Trái ngược với người Miền Bắc, Miền Nam lại không sử dụng các loại quả như chuối, bưởi, phật thủ, táo, cam. Do đặc thù văn hóa vùng miền khác nhau, người Miền Nam thường sử dụng 5 loại quả chính làm mâm ngũ quả như: Xoài, dừa, mãng cầu xiêm, dứa, đu đủ. Ngoài ra còn có dưa hấu tượng trưng cho lòng trung trực, nghĩa khí của người phương Nam.
Mâm ngũ quả ngày tết của người miền Nam
Cách bài trí mâm ngũ quả kiểu Miền Nam thì khá đơn giản, chuẩn bị đĩa dài hoặc tròn. Dừa bày chính giữa, bao quanh là xoài, trái thơm và các quả khác.
Những điều cần tránh khi bày mâm ngũ quả
– Việc thờ cúng thể hiện tâm niệm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên, nên tuyệt đối không thờ đồ hoa quả giả để tiết kiệm chi phí, giữ được lâu.
– Lựa chọn những loại quả ngon đẹp nhất nhưng không chín quá, nên chọn quả xanh hoặc hơi chín. Quả chín để một hai ngày sẽ hỏng khi hết tết sẽ không dùng được “lộc” năm mới.
– Các loại quả bày mâm ngũ quả nên rửa sạch rồi lau thật khô trước khi bày lên bàn thờ. Nếu đọng nước nước hoa quả sẽ nhanh bị thối.
– Gần đây nhiều người hay bày ớt vào mâm ngũ quả cho đẹp mắt nhưng ớt là loại quả cay, nóng không phù hợp khi bày biện thắp hương.
Chúc các bạn bày biện mâm ngũ quả ngày Tết đẹp mắt hợp phong thủy mang lại tài lộc và may mắn cho cả năm nhé!
Theo Eva