Bạn bè tôi mỗi khi tụ họp thường ngâm nga câu hát tự chế như nhắc nhở về món ngon một thời: “Thèm ăn canh mảy cá kho, về quê một chuyến ăn no cả đời”. Canh mảy là tên gọi tắt của món canh khoai tréo mảy.
Canh khoai tréo mảy – THANH LYKhoai tréo mảy chỉ chịu “ở” với nền đất gò đồi, sỏi pha thịt nên thuộc diện hàng hiếm nơi phố thị, chỉ xuất hiện ở miền núi, trung du.
Khoai tréo mảy dễ trồng, dây bám vào thân cây, thu hoạch củ vào những ngày cuối tháng chạp, đầu giêng hai. Thế nên, không phải chuyến nào về quê cũng được thưởng thức canh khoai tréo mảy, thường chỉ vào dịp đầu năm mới được ăn no một lần mà nhớ cả năm. Nhất là sau những ngày no nê rượu thịt, một bát canh khoai tréo mảy bên cạnh đĩa cá đồng kho trong mâm cơm như thỏa mãn nỗi khát thèm món thôn dã.
Khoai tréo mảy không chỉ sở hữu vị ngon vừa bùi vừa ngọt, thơm mà khi đào lên nhiều củ có hình dạng kỳ dị. Tuy cùng họ hàng với khoai mỡ nhưng khoai tréo mảy to hơn, có nhiều nhánh. Năm được mùa, đào lên có củ nặng 5 – 6 kg.
Để dành lâu ngày vị khoai thêm đậm đà, ngọt ngào hơn, nên khi “gói ghém” hành lý quay trở lại phố thị sau những ngày về quê ăn tết, không thể thiếu vài củ khoai tréo mảy làm quà.
Không cần nhiều nguyên liệu chế biến, chỉ một ít sườn lợn, vài củ khoai và các loại gia vị nhưng canh khoai tréo mảy đòi hỏi người nấu không xuề xòa, dễ dãi.
Trước tiên chọn những củ khoai còn cứng, tươi, không bị thâm, hà, dập hay bị nứt, sứt. Khoai gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, để ráo. Hành khô, hành lá, hạt tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng tạo ra mùi vị trong bát canh.
Sườn chọn loại sườn non, có xương dẹp và nhỏ, chú ý không chọn sườn có kích cỡ quá nhỏ. Chặt khúc sườn và ướp qua một ít gia vị. Phi hành với dầu cho thơm rồi trút sườn vào xào. Những miếng sườn được ninh với lượng nước thích hợp.
Khi sườn gần chín, cho khoai vào để lửa to chừng mươi phút là khoai vừa mềm. Múc ra bát một ít canh, thêm ngò, tiêu, ăn nóng.
Khói vẫn tỏa nghi ngút, húp tí nước, kèm theo một lát khoai. Khi thưởng thức, nhẹ tay để khoai không bị nát.
Canh khoai tréo mảy có lượng tinh bột vừa phải, thức ăn lành, dân dã, đặc biệt gom tụ đủ vị bùi bùi mang hơi hướm của đất đồi, thanh nhạt của nắng, gió, sương tích tụ lâu ngày, vị thơm thanh tịnh của quế, ngò vườn nhà.
Bát canh thường sóng đôi cùng với cá bống, cá rô đồng kho góp phần giúp bữa cơm thôn điền những ngày xuân thêm ấm áp tình quê.
Theo Thanh niên online