Không chỉ được dùng để làm mặt trống, làm nẹp đập lúa, qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị người Thái ở Sơn Lam, da trâu bò còn trở thành một món ăn ăn rất hấp dẫn, lạ miệng – da trâu muối chua – món không thể thiếu trong những ngày Tết của dân tộc ở vùng núi phía Bắc này.
Nguyên liệu để làm món da trâu muối (hoặc da bò muối, thường bà con dùng da trâu để làm món này) bà con chuẩn bị da trâu miếng dày mịn, giềng giã nhỏ, gạo rang thơm giã nhỏ thành thính, một lượng tỏi bóc, ớt thái nhỏ vừa đủ, cùng các gia vị khác như đường, muối, mì chính.
Da trâu rất dày và dai nếu không biết cách chế biến sẽ bị cứng. Theo chị Hà Thị Liên (tổ 4, phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La): Để chế biến được món da trâu muối chua giòn, ngon, thơm thì khâu sơ chế là quan trọng nhất.
Da muối chua chỉ dùng da trâu, không dùng da bò do dễ bị bở – Ảnh: Dân việt.
Để có được món da trâu muối chua ngon, giòn khâu chế biến là quan trọng nhất. Da trâu dày nên cần được sơ chế đúng cách để món ăn không bị cứng. Đầu tiên phải làm sạch da trâu bằng cách đun nước sôi, cho một ít tro bếp vào nước. Cho từng miếng da trâu nhúng vào nước nóng, cạo sạch. Tiếp đó, nướng da trâu trên bếp than cho chín vàng, phồng lên, lại cho vào chậu nước trắng rửa sạch, rồi mới cho vào nồi luộc cho da trâu mềm, bấm được thì vớt ra, không để da bị nhũn quá.
Da trâu luộc chín tới thì khi muối mới có độ giòn sần sần ngon miệng.
Phần da được luộc xong sẽ để nguội rồi thái thành từng miếng như ngón tay út. Từng miếng da vàng ươm được thái rất đều nhau sẽ nhanh chóng được cho vào chum sành để ướp gia vị. Chị Hà Thị Liên, cho biết thêm: ” Mỗi món ăn sẽ kết hợp với 1 loại gia vị đặc trưng thì mới tạo được hương vị riêng. Với món ăn này, người Thái chúng tôi thường trộn da trâu cùng bột gạo, riềng, tỏi ớt giã nhỏ, đường, muối và nước đun sôi để nguội. Tất cả hỗn hợp này cho vào chum sành đậy kín trong khoảng 1 tuần là có thể dùng được luôn.”
Da trâu sau khi luộc chín sẽ có màu vàng bắt mắt, có độ mềm dẻo vừa phải. Khi thái da trâu cần khéo léo để thái những miếng đều nhau để gia vị được thấm đều.
Tùy theo sở thích mà có thể thưởng thức món ăn này theo những cách khác nhau. Nhưng đơn giản nhất là sau khi da trâu đã được ủ chín thì ăn trực tiếp để cảm nhận được mùi thơm, độ giòn nguyên bản của nó. Hoặc có thể trộn cùng ít rau thơm, hoa chuối thái nhỏ và lạc rang để làm nên món nộm lạ miệng, thanh mát.
Nộm da trâu là món ăn được ưa thích ngày tết của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.
Da trâu muối miếng khi ăn có bì giòn sần sật, bùi, chua, có hương vị của riềng lẫn vị cay cay của ớt, mùi thơm rất dễ ăn. Trong rất nhiều món ăn này Tết của đồng bào Thái Sơn La, món da trâu muối chua là món ặn ngon, đặc biệt là có tác dụng giải rượu, giảm độ ngấy của bánh trưng. Chính vì thế trong những ngày tết gia đình nào của đồng bào Thái Tây Bắc không thể thiếu vại da trâu muối chua, nó được ví như món dưa hành của đồng bào miền xuôi.
Món da trâu muối chua ngon là vậy nên giờ đây món này không chỉ là món ăn ngày Tết, mà nó còn là một trong các món ăn trong thực đơn ở các nhà hàng ẩm thực dân tộc ở Sơn La.
Chị Lường Thị Mai, bản Lầu, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La là một người chuyên muối da trâu chua để bán, cho biết: “Trước đây tôi hay muối da chua để ăn, mọi người được ăn đều khen ngon, dễ ăn. Sau này tôi làm thử để bán, thấy bán được, từ đấy tôi đã chuyển sang làm da chua muối, gia đì tôi đã có thu nhập từ bán da trâu muối chua”.
Theo Người lao động