Con đường vào bản người Nùng uốn lượn quanh co nhưng dịu mùi nếp mới, thứ nếp ấy nấu xôi là tuyệt nhất. Theo phong tục ngày Tết Thanh minh(3.3 âm lịch) hàng năm người Nùng dùng loại gạo nếp mới đó để đồ xôi ngũ sắc cúng tổ tiên.
“Lên màu” cho xôi
Xôi ngũ sắc là lễ vật không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên trong các dịp Tết của người Nùng nơi đây. Xôi được ngâm, đồ từ gạo nếp do chính tay người dân làm ra, hạt mẩy đều để xôi chín sẽ dẻo, thơm, hạt căng đều đẹp mắt.
Để tạo thành xôi ngũ sắc, đồng bào lấy những lá và thân cây mọc trong rừng hoặc vườn nhà để tạo màu cho xôi. Không chỉ đẹp mắt, xôi ngũ sắc còn là món ăn rất thơm ngon, bổ dưỡng và mang hương vị của núi rừng bởi nó được “nhuộm màu” từ các loại lá rừng.
Người dân nơi đây vẫn gọi là xôi ngũ sắc ( 5 màu) nhưng thực tế người dân ở đây chủ yếu làm 3 màu đặc trưng là đỏ, vàng, đen.
Ngoài ra theo quan niệm của người Nùng, ăn xôi ngũ sắc trong các ngày lễ tết sẽ mang lại nhiều may mắn, tốt lành bởi xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ; con số 5 cũng là con số tương sinh, là biểu tượng cho hoà hợp âm dương, trời đất, con người. Đó là món ăn đạm bạc nhưng không thể thiếu dâng lên bàn thờ tổ tiên những ngày này. Sống gắn bó với rừng, nên người Nùng nơi đây đã tận dụng những sản vật từ rừng để phục vụ cuộc sống. Như món xôi ngũ sắc này, cũng chỉ từ những lá cây rừng mà làm nên thương hiệu.
Cây này tiếng dân tộc gọi là cây sla mục thường mọc dại hoặc được người dân mang về trồng ở đồi, núi gần nhà.
Thân cây sau khi được chẻ nhỏ ra sẽ được đun trên bếp nhiều giờ để có được nước màu đỏ dùng nhuộm xôi cho hương thơm đặc biệt.
Gọi là xôi ngũ sắc (5 màu) nhưng hầu như người dân nơi đây chỉ làm 3 màu đó là đỏ đen và vàng rồi trộn đều lại với nhau. Sau đó ai khéo tay thì nặn xôi vào bát sao cho bát xôi có đỉnhh tròn và cao như ngọn núi. Thường người dân nơi đây sẽ nhuộm xôi màu đen bằng lá sau sau, nhuộm mà đỏ bằng thân một loại cây tiếng dân tộc gọi là cô sla mục, còn màu vàng sẽ được nhuộm bằng 1 loại hoa hái từ rừng có tên tiếng dân tộc là cô Bjóoc phón. Loại cây này mọc tự nhiên trong rừng, hoa nở vào mùa xuân có hương thơm rất đặc trưng, đến mùa hoa nở người dân hái về phơi khô dùng quanh năm. Nếu không kiếm được loại hoa này nhiều người sẽ dùng củ nghệ để thay thế.
Đây là lá cây sau sau có vị chát được người Nùng nơi đây dùng để nhuộm xôi màu đen. Thường những người có kinh nghiệm mới biết nhuộm các loại xôi được như màu ưng ý và đẹp mắt
Quá trình làm “chất tạo màu” cũng thật cầu kỳ. Lá cây rửa sạch đem vò thật nát hoặc bổ cối giã nát. Mỗi một loại lá đem vò ở một chậu khác nhau. Riêng hoa Bjóoc phóng nhuộm vàng và cây sla mục nhuộm màu đỏ thì đun nhỏ lửa trên bếp để ra màu. Sau đó, nước đun sôi được đổ vào từng chậu. Khoắng đều hỗn hợp nước – lá, sau đó đem hỗn hợp nước này lọc qua tấm vải sạch. Nước màu giữ lại, xác lá đổ đi, người ta mới chogạo nếp mới vô sạch để ráo vào nhuộm màu.
Đồ xôi cũng lắm công phu
Các loại cây phẩm màu tự nhiên được rửa sạch, giã nát và nấu kỹ sẽ cho ra các màu sắc đặc trưng. Gạo nếp vo, đãi sạch, ngâm vào những chậu nước màu từ 10 – 12 giờ. Trước khi đồ xôi, vớt gạo lên để ráo nước rồi cho vào chõ đồ khoảng 30 – 40 phút cho đến khi xôi chín; quá trình đồ xôi lửa phải đều, không bị khói. Gạo nếp ( khẩu nu) đồ xôi thơm, dẻo, dù nóng hay nguội khi nắm chặt tay xôi sẽ không bị dính. Xôi chín được người thợ đồ xôi sẽ trộn đều 3 màu lại với nhau.
Hoa Bjóoc phón được người dân hái từ rừng về được dùng để nhuộm xôi màu vàng.
Theo quan niệm của người Nùng đây mỗi màu đều có ý nghĩa khác nhau, mâm xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương, ngũ hành, biểu tượng của nhân sinh quan cao đẹp, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Thông qua món xôi đặc biệt này, người Nùng thể hiện sự tôn kính đối với trời, đất, nước, thần linh, tổ tiên, cha mẹ và mong muốn vươn tới sự trọn vẹn, no đủ, hạnh phúc. Mặt khác, xôi ngũ sắc còn thể hiện sự đảm đang, khéo tay của người phụ nữ áo chàm xứ Lạng.
Xôi nhuộm bằng loại hoa từ rừng này có màu vàng đẹp mắt và hương thơm hấp dẫn.
Ở thành phố, nhiều nhà đã chuyển sang thổi xôi bằng nồi cơm điện, bằng bếp gas. Nhưng ở bản người Nùng này họ vẫn đồ xôi bằng củi, bằng chõ men. Kể cả khi cuộc sống hiện đại đã len lỏi trong mỗi nếp nhà nơi đây, người Nùng nơi đây vẫn không bỏ nếp cũ.
Chiếc chõ là một khối men hình trụ, dài khoảng 3 gang tay người lớn, đường kính 30 – 40 phân. Người làm đã nhào nặn và nung rất lâu mà thành, phần đáy có nhiều lỗ. Khi bổ gạo vào người làm thường lót 1 miếng xơ mướt mới lên rồi mới đổ gạo vào. Gạo sau khi đã ăn màu, ráo nước, người ta cho vào chõ. Mỗi màu một tầng riêng. Sau đó, chất củi bắc nồi nước. Nước sôi, người ta đặt chõ trong nồi, đậy vung lại. Hơi thốc qua lớp xơ mướp làm chín gạo. Đun khoảng 1 tiếng là có mẻ xôi ngon. Sống ở vùng đồi núi chủ yếu làm lúa nước và làm nông nghiệp điều đó đã hình thành nên văn hóa ăn cơm nếp đặc trưng của đồng bào Nùng.
Xôi ngũ sắc là món không thể thiếu trên bàn cúng tổ tiên ngày Tết Thanh minh của người Nùng xứ Lạng.
Bằng sự sáng tạo của mình, họ đã có nhiều cách thức để chế biến chúng thành món ăn truyền thống thơm ngon. Nếu đến thăm người Nùng Văn Quan vào dịp Tết Thanh minh chắc chắn bạn sẽ được thết đãi bằng món xôi ngũ sắc lên màu chuẩn tự nhiên có một không hai mang hương vị đặc trưng núi rừng của những con người mến khách nơi đây.
Xôi ngũ sắc có mùi thơm khác biệt bởi hương nếp mới hòa trộn với mùi thơm của hoa “Bjoóc phón”, mùi hăng hăng của lá cây sau sau, mùi ngai ngái của cây sla mục…, tất cả tạo nên một món xôi vừa đẹp mắt vừa có mùi vị đặc trưng riêng của núi rừng xứ Lạng mà ai dù chỉ thử qua 1 lần cũng phải bồi hồi mỗi khi nhắc tới.
Theo 24h