Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Chưa bao giờ chị Nguyễn Khánh Huyền sợ phải nấu nướng nhiều ngày Tết. Thậm chí, chị thích những ngày Tết vì có thời gian nghỉ ngơi nấu nướng món mình thích.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Năm nào Tết Nguyên Đán đến cũng là lúc chị Nguyễn Khánh Huyền (44 tuổi, Hà Nội) và gia đình lại háo hức vì sắp được tận hưởng mùi nước lá mùi đặc trưng, thưởng thức những món ăn cổ truyền và được quây quần sum họp đông đủ bên gia đình.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Chị Nguyễn Khánh Huyền.

Yêu thích Tết vì được ăn món ngày thường không có

Mặc dù chị Huyền nay đã ngoài 40 tuổi nhưng cứ mỗi khi Tết đến chị lại háo hức và thích thú giống như thời thơ ấu của mình. Chị Huyền cho biết, chị sinh ra trong thời buổi thiếu thốn nên hồi bé niềm vui Tết của chị đơn giản lắm, chỉ là được mặc chiếc áo đẹp mẹ may những hình thù ngộ nghĩnh lên trên, được đốt pháo hoa và được ăn những món ăn ngày thường không có.

Chị vẫn còn nhớ, năm nào cũng vậy những ngày gần Tết, mẹ khéo tay đi tìm vải may quần áo cho 2 chị em, khâu những hình thù ngộ nghĩnh vào trong bộ quần áo khiến chị rất thích. Chính vì vậy, lúc nào chị cũng ngóng Tết đến để được mặc quần áo đẹp.

Không những vậy, mẹ còn truyền cảm hứng cho chị thêm yêu ngày Tết thông qua những món ăn. Đó là hương vị của chiếc bánh chưng, giò xào, bát canh bóng và canh măng đến bây giờ dù đã có 2 con trai chị vẫn không thể nào tìm lại được hương vị ấy.

“Mình thích Tết lắm không như trẻ con bây giờ. Tụi nhỏ hiện nay không hào hứng như mình ngày trước khi được mặc quần áo mới, ăn món ăn ngày thường không bao giờ được ăn. 

Đến bây giờ mình vẫn còn nhớ mãi bữa ăn ngày Tết của mẹ thường gói bánh chưng, giò xào, làm bát canh bóng, canh măng rất ngon, đậm đà, béo, có vị thanh nữa. Bản thân mình bây giờ nấu cũng không tìm được hương vị ngày xưa và không biết nấu làm sao để được như thế. Có thể bây giờ đầy đủ hơn không tìm được vị như ngày xưa nữa”, chị Huyền tâm sự.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Chị thích Tết vì được ăn những món ngày thường không có.

Nhờ có mẹ truyền cảm hứng mà khi lấy chồng dù ở riêng nhưng chị không hề gặp khó khăn trong chuyện bếp núc, đặc biệt là nấu mâm cỗ ngày Tết. Năm nào cũng vậy, chị luôn cố gắng mang không khí Tết ấm áp, gần gũi vào trong ngôi nhà nhỏ của mình để cho mỗi thành viên đều háo hứng và yêu Tết cổ truyền không chỉ qua những món ăn truyền thống mà còn qua mùi nước lá mùi đặc trưng của Tết vào chiều 30.

Thông thường sau khi dọn nhà cửa, bày biện xong xuôi, cả nhà mình sẽ tắm bằng nước lá mùi. Hai bạn nhà mình rất yêu Tết, thích ngóng đến Tết không phải là được nhận lì xì mà đơn giản là được tắm nước lá mùi. Bạn nào ngửi cũng bảo đó là mùi của Tết.

Mình cũng thích mùi đặc trưng ngày Tết này lắm. Thậm chí mình còn mua lá mùi già cắm vào một chum đầy hoa nữa để góc nhà cho thơm. Hoặc dù không tắm nhưng mình vẫn đun nước lá mùi để trong nhà có không khí khác biệt so với ngày thường, để các con biết rằng chỉ có Tết mới có thứ mùi thơm này”, chị Huyền chia sẻ.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Tuyệt chiêu giúp nấu ăn ngày Tết nhàn tênh

Chị Huyền bộc bạch, mọi người thường nói sợ Tết và chị cũng vậy vì chị sợ phải ăn nhiều. Thế nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy sợ việc bếp núc, nấu nướng ngày Tết. Đối với chị nấu ăn ngày Tết cũng bình thường và rất nhẹ nhàng, thậm chí chị có thời gian nghỉ ngơi, nấu món mình thích nhiều hơn.

Vì biết sắp xếp công việc nên gần 20 năm “cai quản” chuyện bếp núc trong nhà chưa bao giờ chị cảm thấy tất bật làm mâm cơm ngày Tết. Mọi thứ chị đều sắp xếp thời gian rõ ràng nên có thể làm nhanh chóng, bày biện đủ thứ món chỉ trong vòng 20-30 phút.

Thông thường, ngày Tết chị phải làm 4 mâm cơm: mâm cơm tất niên, mâm cơm mồng 1, mồng 2 và mồng 3 hóa vàng. Với những món cơ bản như giò xào, cá trắm đen kho, dưa góp chị sẽ làm trước rồi để sẵn trong tủ lạnh. Món thịt xá xíu chị cũng làm sẵn rồi để tủ bảo quản đến ngày hôm đó chỉ việc thái sẵn và làm nóng lại.

Với món nộm bò khô cũng vậy, thịt bò chị sẽ làm trước, nước chấm nộm cũng sẽ pha sẵn để trong chai bảo quản tủ lạnh. Hôm nào ăn chị chỉ việc nạo đu đủ rồi trộn các nguyên liệu với nhau nhanh chóng.

Còn với món canh măng, măng lưỡi lợn hay măng xé bao giờ chị cũng ngâm và luộc thật kỹ rồi thái mỏng và xào bảo quản trong tủ. Móng hay sườn cũng được ninh sẵn để khi ăn chỉ cần thả măng vào là xong.

“Ngày 30 Tết mình thường làm mâm cơm cúng tất niên vào buổi trưa. Trong lúc làm mình chuẩn bị những món cần cho ngày Tết như ninh sườn rồi nấu cơm, luộc gà luôn để buổi tối cúng giao thừa,.. Chính vì vậy, mình chỉ bận vào ngày 30 một lúc thôi, không vất vả nhiều”, chị Huyền cho hay.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Nhiều món chị làm sẵn nguyên liệu để hôm nào nấu chỉ việc mang ra đun nóng cho nhanh.

Mâm cơm Tết của chị thường có giò xào, các loại giò, canh măng, canh mọc, nem cua bể và có thêm cá tươi hấp hoặc làm chả tùy sở thích. Trong đó, món ăn truyền thống có dưa hành, giò xào,… còn mọi người cảm thấy ngán có thể ăn cá, cơm hoặc cá trắm kho.

Năm nào cũng vậy, chị đều làm nồi cá trắm đen kho để ăn ngày Tết và mâm cỗ có to đến đâu cũng phải có một đĩa nem cua bể Hải Phòng thơm ngon, nóng sốt.

Chính vì chuẩn bị sẵn từ trước, khi nào làm mâm cơm cúng mới bỏ ra nấu nên bữa cơm ngày Tết của chị cũng giống ngày thường chỉ mất 20-30 phút, kể cả khi làm món nem cua bể ăn ngay.

“Mình không có thời gian đi chợ hàng ngày nên cứ 1-2 lần/ tuần mình đi chợ. Tủ lạnh nhà mình lúc nào cũng dán danh mục thức ăn mua từng ngày để tránh tình trạng thức ăn để lâu mất chất. Thông thường thức ăn mình để không bao giờ để tủ lạnh quá 10 ngày. Chính vì vậy ông xã bất chợt có khách mình cũng có thể chuẩn bị được ngay mà không hề cập rập”, chị Huyền chia sẻ bí quyết.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Món nem cua bể hôm nào ăn chị mới làm.

Theo chị Huyền, nghĩ đến Tết mọi người lại thấy mệt vì ngại nấu nướng và phải bày vẽ quá nhiều món. Tuy nhiên chị luôn tạo cho mình những năng lượng tích cực làm theo sở thích và luôn nghĩ Tết cũng như ngày thường, chỉ là được ăn nhiều món truyền thống và được chuẩn bị kỹ càng, cầu kỳ những món ăn đó mà ngày thường không có thời gian làm. Đặc biệt chị cảm thấy vui hơn vì có thời gian làm những món ăn truyền thống, được nghỉ ngơi làm những món mình thích.

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Mẹ Hà Nội tiết lộ tuyệt chiêu nấu ăn ngày Tết nhàn tênh, chẳng hề lo sợ

Mâm cơm cúng ông Công ông Táo của chị.

Đối với chị, Tết thể hiện những giá trị truyền thống, thể hiện sự đoàn tụ, sum vầy của gia đình nên dù có bận bịu mọi người cũng nên dành thời gian chăm chút bữa ăn ngày Tết để thể hiện tình cảm tình yêu thương trong gia đình, để đón năm mới sum vầy, hạnh phúc hơn.

Dưới đây, chị Khánh Huyền sẽ chia sẻ cách làm nem truyền thống theo phong cách người Hải Phòng và giò xào nhanh chóng ngày Tết.

1. Nem cua bể Hải Phòng

Nguyên liệu:

– 200g thịt cua

– 100g tôm sú bóc nõn

– 250g thịt nạc băm nhỏ

– 02 quả trứng gà

– ½ củ cà rốt

– 1 củ su hào

– 100g giá đỗ

– 100g miến

– 5 cái mộc nhĩ

– Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu, dầu ăn, bánh đa nem.

– Ăn kèm: Bún, rau thơm, rau xà lách

– Nước chấm: đường, chanh, tỏi, ớt.

Cách làm:

– Mộc nhĩ ngâm nở rửa sạch thái chỉ, miến ngâm mềm cắt nhỏ, cà rốt, su hào gọt vỏ bào sợi.

– Cho các nguyên liệu trên vào bát tô cùng thịt băm, thịt cua và trứng gà.

– Thêm gia vị ½ thìa bột nêm, ½ thìa hạt tiêu rồi trộn đều.

– Thấm bánh đa nem cho ẩm với 1 chút bia. Trải bánh đa nem ra khay cho phần nhân vào giữa, gói lại. Nem cua bể thường gói vuông chứ k gói tròn như các loại nem bình thường.

– Đặt chảo lên bếp đun sôi dầu ăn rồi cho nem vào rán.

– Rán vàng nem cua bể rồi gắp ra qua thấy giấy thấm dầu.

– Xếp nem cua bể lên đĩa ăn nóng kèm bún, rau sống và nước chấm chua ngọt.

2. Giò xào

Nguyên liệu:

– Một cái tai lợn

– Một cái lưỡi lợn

– Một bắp giò

– Mộc nhĩ khô

– Nấm hương

– Hành khô

– Gia vị: Hạt tiêu, bột canh, nước mắm

– Khuôn ép giò xào

Cách làm:

– Đầu tiên phải cạo sạch lông tai thật sạch sẽ, sau đó bóp muối rồi rửa lại thật sạch.

– Cho tai, lưỡi và thịt bắp giò vào 1 chiếc nồi, sau đó thêm 1 chút muối, giấm và 1 nhánh gừng đập dập, cuối cùng đổ nước vào nồi ngập thịt rồi đậy vung lại, đun tới khi nước sôi bùng thì tắt bếp.

– Vớt lưỡi ra cạo sạch hết lớp màu trắng, rửa sạch bằng nước và để cho ráo nước. Tiếp tục vớt tai và thịt bắp giò ra, xả nhanh dưới vòi nước lạnh và để ráo.

– Ngâm mộc nhĩ, nấm hương cho mềm và sau đó rửa sạch. Hành khô bóc vỏ sạch.

– Sau khi tai và lưỡi đã được làm sạch, chúng ta bắt đầu thái thịt bắp giò, tai và lưỡi thành những miếng mỏng dài tầm ngón tay.

– Thái mộc nhĩ, nấm hương thái dài, hành khô thái lát

– Ướp toàn bộ phần thịt, tai, lưỡi với muối, tiêu, nước mắm trong khoảng 30 phút.

– Sau đun nóng chảo, thêm dầu ăn, phi thơm hành, cho thịt vào xào đến khi săn lại. Nêm nếm cho vừa ăn, thêm mộc nhĩ, nấm hương vào xào đến khi hỗn hợp đều và chín kỹ. Rắc thêm chút hạt tiêu đảo đều và tắt bếp.

– Khi hỗn hợp còn nóng bạn hãy cho nhanh vào khuôn, lèn thật chặt để chảy bớt mỡ. Và cuối cùng để thật nguội, lúc này thịt đã kết dính với nhau tạo thành một khối thì hãy tháo giò xào ra khỏi khuôn.

Như vậy, bạn đã hoàn thành xong món giò xào giòn ngon đúng kiểu miền Bắc. Tuy nhiên, để món giò xào đúng như hương vị ngày Tết cổ truyền, nhất là ở miền Bắc khi trời rét, khi thái giò ra ăn, bạn không quên chuẩn bị thêm 1 đĩa dưa muối hoặc hành muối, đúng hương vị ngày Tết miền Bắc.

Theo Hồng Nhung (Ảnh: NVCC) (Khám phá)

Nguồn: Eva

Gửi phản hồi