Món ngon ký ức: Thân thương trái đu đủ vườn nhà

Chẳng hiểu sao tôi cứ thích các món ăn từ đu đủ, có lẽ đó là nguyên liệu lành và dân dã luôn gắn bó với tuổi thơ.

Món ngon ký ức: Thân thương trái đu đủ vườn nhà

Đu đủ xào tép dân dã – Ảnh: Hoàng Vũ

Cây đu đủ hồn hậu như người dân quê tôi. Vùng đất đầy cát trắng và đá sỏi chỉ cây đu đủ là vươn lên xanh tốt, vừa um tùm lá che bóng mát cho trẻ con vừa sum suê trái để cung cấp cho cả nhà.

Quả là giống cây dễ trồng. Nhiều khi không chủ định, tôi gọt trái đu đủ chín rồi trút hạt ra vườn. Một thời gian sau từ chỗ hạt mọc lên lú nhú hàng loạt cây đu đủ non như nấm mọc sau mưa, nhìn đáng yêu vô cùng. Thường tôi sẽ tiếc mà mang trồng hết thảy, nhưng mẹ tôi chỉ chọn vài cây rồi cho nó ra khoảng đất rộng. Mẹ nói, con không thể trồng hết một loạt cây, như vậy sẽ không có cây nào thực sự tươi tốt cả.

Một vài tháng sau, cây đu đủ đã vươn lên mạnh mẽ như một chàng trai lực lưỡng, lún phún hoa rồi lúc lỉu trái.

Trái chín thì mang vào bổ tươi hoặc nghiền nhỏ dầm sinh tố với sữa đặc. Trái xanh cũng cho vô vàn món ngon. Như đu đủ hầm chân giò rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là lợi sữa cho phụ nữ sau sinh. Siêng hơn thì làm gỏi. Đu đủ xanh bào sợi, thêm ít thịt ba rọi luộc thái lát, tôm đất lột vỏ là có món gỏi chua chua, ngọt ngọt, dọn ra một cái là hết veo.

Món ngon ký ức: Thân thương trái đu đủ vườn nhà

Món ngon ký ức: Thân thương trái đu đủ vườn nhà

Gỏi đu đủ cá rô thường có trong các bữa tiệc – Ảnh: Nga Nguyễn

Trái đu đủ vừa lành, vừa cho nhiều món ngon dù cao sang hay thanh đạm. Nhà tôi những hôm mưa rét, mẹ làm món đu đủ xào mà hao cả nồi cơm. Đơn giản lắm, đu đủ gọt vỏ, bỏ hột rồi thái lát mỏng. Phi thơm hành tỏi, cho đu đủ vào xào trong vài phút, thêm chút ớt bột cho cay cay, rắc vài giọt nước mắm rồi nhắc xuống. Rải vài cọng ngò lên là xong.

Muốn để dành thì muối chua hoặc làm dưa mắm cá cơm. Miếng đu đủ sau khi lên men vẫn cứ giòn sần sật, thêm vị chua chua, mằn mặn, ngòn ngọt, cay cay… thiệt là món dưa ngon vô đối.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm hồi trung học. Cạnh trường là nhà cô hiệu trưởng, có cây đu đủ sát bờ rào, chủ nhà không để ý mặc cho trái to và chín rụng, chỉ có lũ học trò chúng tôi xem nó là thiên đường. Hễ trái nào chín là bứt sạch, vì giờ ra chơi có bữa trái cây ngon, thời đó làm gì có tiền mà mua cóc ổi mía ghim như bây giờ.

Rồi cũng đến lúc hết hẳn trái chín, vậy là chúng tôi nghĩ tới món gỏi. Quê tôi gọi là bóp thấu, chu choa, ngon lạ lùng, ngồi viết đến đây mà nước miếng tôi cứ tứa ra.

Chiều đó, tan học sớm, tôi xung phong trèo lên cây đu đủ bứt trái xanh, mải vui mà quên mất chiếc áo dài trắng dính đầy mủ, nhưng bi kịch hơn là phi vụ hái trộm đã bị con chó nhà chủ phát hiện rồi sủa inh ỏi. Tôi bứt xong được hai trái thì nhóm bạn chạy tán loạn, ôm theo thành phẩm, để mặc cho tôi bơ vơ trên ngọn cây cùng chủ nhà dưới gốc. May là cô hiệu trưởng thấy phù hiệu thì phì cười và tha tội cho.

Tuổi thơ tôi còn có trái mít non nữa, làm nên nhiều món ngon thần thánh. Có lẽ ngày xưa không có nhiều quà bánh nên trái mít cũng chẳng ở yên, đám học trò bứt sạch mít non không cho nó trưởng thành.

Chiều đó chúng tôi chuẩn bị món thấu ngon nhớ đời. Mít non thái mỏng, đu đủ xanh thái mỏng. Trộn đều với rau răm và rau húng lủi, thêm mắm ruốc, nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt… khi hoàn tất nhìn lung linh như món bánh tráng trộn bây giờ. Nhón một miếng, vị bùi bùi, sừn sựt, chua cay, mặn ngọt, vừa ăn vừa hít hà, sao ngon dữ thần. Sau những bữa “đại tiệc” như vậy, chúng tôi về nhà khỏi ăn cơm.

Siêu thị trước nhà hôm nay có bán đu đủ xanh, tôi đứng tần ngần hồi lâu nhớ về ngày xưa kỷ niệm. Cô bán hàng nhanh nhảu: “Chị làm gỏi Thái à, qua em bào sợi cho”; “Thôi khỏi, cảm ơn em, chị muốn mua nguyên trái”. Những người xung quanh nhìn theo tò mò, không hiểu làm món gì mà mua nguyên một trái to đến vậy.

Chỉ có tôi, lòng lâng lâng hạnh phúc. Tối nay sẽ đãi cả nhà món đu đủ hầm xương, riêng tôi sẽ là món đu đủ thái lát xào cay, chắc phải nấu cơm nhiều hơn mọi ngày.

Theo iHay

Author:

Gửi phản hồi