Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì không thể ngờ vùng đất này lại có nhiều món ngon và độc đáo đến thế.
Thịt trâu gác bếp
Trâu gác bếp ‘chín’ tới sẽ mềm và đậm đà. Ảnh: baoyenbai.
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.
Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.
Muồm muỗm rang Mường Lò
Con muồm muỗm ngậy và thơm. Ảnh: cungphuot.
Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.
Lạp xưởng Yên Bái
Món đặc sản của vùng miền núi. Ảnh: cungphuot.
Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men.
Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại. Củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.
Xôi và cốm tan Tú Lệ
Cốm tan thơm chẳng kém cốm làng Vòng. Ảnh: cungphuot.
Thung lũng Tú Lệ thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướp, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thêm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn “say” nơi đây chẳng muốn về.
Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng, người ta ví, khi đồ thứ gạo này có thể hương thơm bay xa vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 và tháng 10 hàng năm), may mắn, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen không bắt mắt nhưng ngon miệng. Ảnh: hanoimuare.
Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.
Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.
Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.
Mật ong nhãn Văn Chấn
Những chai mật ong rừng nguyên chất. Ảnh: cungphuot.
Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.
Măng sặt
Măng sặt nhỏ nhưng ngon. Ảnh: baoyenbai.
Cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới tắm cho cây cối, ruộng đồng. Rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài: tươi tắn và sung sức. Đất rừng trở nên ẩm mềm và xốp. Chỉ vài ngày sau, măng sặt đồng loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa.
Măng sặt thon nhỏ, to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món măng này có thể dùng xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của thực khách.
Mắc khén
Mắc khén có hương vị rất riêng và đặc biệt. Ảnh: cungphuot.
Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.
Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.
Bánh chuối Lục Yên
Bánh chuối ngọt ngào, dai dẻo. Ảnh: cungphuot.
Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.
Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.
Mimi tổng hợp
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET