Sau nhiều năm bán lòng heo cho nhiều quán cháo lòng, thấy cuộc sống họ khá giả lên, còn mình thì vẫn khổ cực thức khuya dậy sớm, anh Định quyết tìm ‘bí kíp’ để đổi đời. Và khi anh mở quán cháo lòng khách nườm nượp…
Ngày đông khách, anh Định bán tới 300kg lòng, má heo – Ảnh: Vũ Phượng
Sài Gòn có nhiều quán cháo lòng với hương vị khác nhau, giá cũng vô chừng khi quán chỉ 10.000 – 15.000 đồng, bỏ cháo và lòng lẫn lộn, nhưng đa phần các quán bỏ đĩa lòng riêng, tô cháo riêng thì giá tới 50.000 đồng.
Thật khó để định nghĩa thế nào là một tô cháo lòng ngon, nhưng các quán cháo lòng đông khách hẳn có “bí kíp” gì đó của riêng mình. Và “hệ thống” cháo lòng 18A Nam Định của anh Trần Văn Định (32 tuổi, quê Nam Định) cũng là một câu chuyện khá đặc biệt vì quán nào mở ra cũng nườm nượp khách.
Quyết tâm đổi đời
Sinh ra trong gia đình bán gà ở chợ quê, trúng đợt cúm gia cầm nên cả nhà anh Định chuyển vào Sài Gòn bán lòng heo. Học hết lớp 9, anh cũng khăn gói vào Sài Gòn đi làm giúp việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lớn hơn một chút, anh ra chợ cùng bán lòng heo với cả nhà.
Quán của em gái anh Định cũng luôn tấp nập khách ra vào, đa số khách tới ăn món lòng luộc – Ảnh: Vũ Phượng
Chứng kiến nhiều người bán cháo vỉa hè và cả các quán lớn là khách quen của quầy lòng heo của nhà mình luôn tấp nập khách, khá giả lên nhanh chóng, trong khi cả gia đình anh bán lòng heo ở chợ bao nhiêu năm vẫn vậy. Ngày nào cả nhà cũng phải dậy từ 2 giờ sáng, ráng căng mắt để chuẩn bị đi bán, anh Định quyết tâm phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời.
Anh Định kể: “6 năm trước tôi lập gia đình nên càng quyết tâm hơn, nghĩ phải đổi sang bán cháo cho đỡ vất vả. Vậy là tôi xin mấy người mà tôi từng bỏ hàng học nghề mà không ai cho học hết. Tôi đành xem trên mạng, thấy quán nào đông khách, nổi tiếng thì tôi tìm tới ăn, suốt 2 tháng trời đi ăn cháo như vậy. Tôi tìm ra “bí kíp” để có tô cháo ngon”.
2 tô cháo và 1 đĩa lòng cho 2 người có giá 100.000 đồng – Ảnh: Vũ Phượng
Theo anh Định, cháo lòng mà anh thường ăn ở miền Bắc không giống như kiểu ăn của người Sài Gòn. Trong này, tô cháo lỏng hơn, có giá, dồi chiên, nước mắm chấm phải ngọt một chút chứ không mặn chát như ở quê anh.
Quán đầu tiên anh Định mở nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát với quy mô nhỏ. Anh lấy tên quán là 18A Nam Định vì “18 là biển số xe của Nam Định, chữ A thêm vào cho đẹp”. Phải mất 3 năm để có lượng khách hàng ổn định và xây dựng thương hiệu, 3 năm trở lại đây, anh Định mở quán lớn hơn và đa dạng món hơn. Từ đó, khách tới nườm nượp không kịp bán.
Dù là người miền bắc nhưng anh Định tìm ra cách nấu cháo lòng và đáp ứng được cả nhu cầu ăn của người miền nam lẫn miền bắc – Ảnh: Vũ Phượng
Vì thấy khách tới đông, 3 người em ruột của anh Định cũng mở 3 quán khác lấy cùng tên này với nguồn nguyên liệu, công thức giống hệt của anh, khách tới các quán này lúc nào cũng kín bàn. Và cuộc sống của cả 4 anh em cũng thay đổi theo hướng ổn định hơn từ đó.
“Bí kíp” thật sự là gì?
Ngày mới mở quán cháo lòng, anh Định chỉ bán duy nhất cháo và lòng luộc. Sau này có thêm má heo, lòng xào dưa để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách. Mà đây đều là những món “mồi bén” nên nhiều người tới ăn hỏi thêm bia, rượu nên anh Định bán kèm luôn các món này. Càng ngày quán càng đắt khách hơn.
Tại quán của anh Định, cháo lòng chung có giá 25.000 đồng/tô, kêu đĩa lòng luộc kèm tô cháo thì 50.000 đồng. Anh Định cho rằng, giá 50.000 đồng là không “quá chát” vì chất lượng đĩa lòng luôn đảm bảo bằng sự hài lòng của thực khách.
Lòng tươi thơm nức mũi, chấm cùng chén mắm khiến tê đầu lưỡi vì ngon – Ảnh: Vũ Phượng
Anh Định cũng không ngại ngần chia sẻ, “bí kíp” để bán cháo lòng mà khách quay lại thường xuyên là dùng nguyên liệu tươi. Phèo, bao tử anh luộc riêng, để sôi 10 phút thì vớt ra ngâm nước đá cho trắng, giòn, còn lưỡi heo và đồ khác thì luộc chín rồi để ráo nước. “Nói chung quan trọng nhất vẫn là đồ tươi, cứ tươi là ngon chứ không dùng đồ đông lạnh được. Nhà tôi là lò mổ cung cấp lòng luôn nên tôi và quán của các em luôn tự hào, đảm bảo về chất lượng”, anh Định nói.
Anh Nguyễn Duy Tùng (24 tuổi, em rể anh Định) có chi nhánh tại đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) cho biết, khách tới quán phần đông ăn lòng hấp vì lòng giữ nguyên được độ ngọt, có vị thơm của lòng tươi, khách cũng thường chọn ăn phần 50.000 đồng để ăn no và lòng để riêng, chấm nước mắm thưởng thức.
Má heo có giá 45.000 đồng/cái, ăn cùng cháo thì 50.000 đồng – Ảnh: Vũ Phượng
Anh Tùng chia sẻ, nước mắm chấm lòng cũng rất quan trọng, phải chuẩn vị chứ không được quá mặn hay quá ngọt. Chén nước mắm chấm ở đây thường được cắt thêm hành, ớt, tỏi để có mùi thơm nồng, cay cay dễ ăn.
“Trước tôi làm đủ nghề, đi biển, làm thuê, bán thịt heo nhưng chuyển qua nghề này thì ổn nhất. Chi nhánh này tôi mở trúng đợt dịch tả heo châu Phi nhưng cố gắng kiên trì bám trụ, bỏ ra khoản lớn cho mặt bằng và chi phí khác rồi năm nay thì gặp Covid-19. Được cái dịch vừa ổn thì khách tự tìm tới, dọn hàng từ 15 giờ 30 nhưng tới tầm 20 giờ là cơ bản hết đồ rồi”, anh Tùng cho hay.
Truyền nghề miễn phí giúp đồng hương
Theo anh Định, 4 quán của anh em ruột ở khá xa nhau nhưng chưa thể bao quát hết toàn thành phố, không đành để khách ăn cháo đi chục cây số, anh Định đồng ý truyền nghề cho những ai đến hỏi.
Khách đội mưa đến mua lòng – Ảnh: Vũ Phượng
Anh tâm sự: “Đến nay có khoảng 90 quán mang tên cháo lòng 18A Nam Định ở các tỉnh: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Lạt. Riêng TP.HCM có khoảng 50 quán. Tôi chỉ ra điều kiện là tôi chỉ nghề thì không được mở quán quá gần chỗ anh em tôi làm ăn là được rồi. Họ đều là đồng hương hoặc người khó khăn, tôi còn cho mượn vốn rồi chỉ nghề. Trời thương mình rồi giờ mình giúp lại người xung quanh để san sẻ sự may mắn của mình”.
Nhưng chính việc chỉ nghề cho nhiều người cũng là điều đôi khi khiến anh Định lo lắng như: người được chỉ nghề biến tấu hương vị kiểu khác dù vẫn lấy tên 18A Nam Định hoặc thấy khách đi xe ô tô thì tính tiền giá cao hơn bình thường.
Anh Định không ngại chia sẻ “bí kíp” với người muốn học nghề – Ảnh: Vũ Phượng
“Trước khi chỉ ai tôi đều thỏa thuận hết, họ đồng ý hết thì tôi mới chỉ, không chịu thì họ lấy tên quán khác rồi cạnh tranh sòng phẳng với tôi luôn, tôi cũng không ngại, quán nào ngon thì khách sẽ tới quán đó thôi”, anh Định tâm sự.
Thấy sự hào sảng của anh, người viết hỏi: “Nếu bài đăng xong nhiều người tìm tới anh để hỏi cách làm cháo lòng mở quán thì anh có chỉ không?”. Anh không cần suy nghĩ mà đáp luôn: “Bình thường, nếu mà cách xa quán của anh em tôi 3-4km là được”.
Không chỉ giúp những người có chí làm ăn mở quán cháo lòng, các quán của anh em nhà anh Định còn tạo điều kiện đưa người cùng quê vào đây phụ quán, nuôi ăn ở để họ dần ổn định cuộc sống, phụ giúp gia đình.
Nguồn: Thanh niên