Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ… khách

Trong con hẻm nhỏ ở Q.3 (TP.HCM) có một gánh tàu hũ hiện diễn đã 28 năm. Dù có đau ốm, cô chủ gánh đều cố gắng mở bán vì “cô nhớ mấy đứa nhỏ đến mua, nói tụi con ở xa lắm”.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách
Cô Nguyễn Thị Hiệp bắt đầu bán tàu hũ từ năm 25 tuổi, đến nay đã bán được 28 năm.

Gánh tàu hũ rộn rã một góc con hẻm

Quẹo xe vào con hẻm 284/15 từ đường Lê Văn Sỹ, sẽ dễ dàng bắt gặp một gánh tàu hũ ngày nào cũng đông người lui tới. Đó là gánh hàng của cô Nguyễn Thị Hiệp (53 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đã hiện diện tại đây được 28 năm. Trải qua gần 30 năm, gánh tàu hũ của cô Hiệp như một điểm dừng chân quen thuộc của nhiều thực khách gần xa khi qua đây, thậm chí còn là một nơi gợi nhớ ký ức tuổi thơ của biết bao người.

Cô Hiệp bán tàu hũ mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, khách đến mua có lúc lai rai, có khi lại tấp nập, nên lúc nào cũng thấy người qua kẻ lại tại gánh hàng. Người mua đủ mọi lứa tuổi, chiếm phần đông hơn cả là các bạn trẻ học sinh, sinh viên. Cô Hiệp nói: “Trong ngày cô bán đông nhất là tầm 4 giờ chiều, vì đây là giờ tan học nên rất nhiều em học sinh, sinh viên đến mua”. Cô Hiệp chia sẻ thêm, ngồi bán ở đây xấp xỉ 30 năm nên đi cùng biết bao thế hệ bạn trẻ, nhiều bạn học sinh nay đã ra trường đi làm nhưng có dịp vẫn ghé qua mua ủng hộ.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Nước đường có vị ngọt thanh.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Cô Hiệp dùng từ 8 kg đến 12 kg đâu để làm ra lượng tàu hũ đủ bán hằng ngày.

Hằng ngày vào giờ tan tầm, gánh đông kín chỗ, thực khách lui tới cười nói rộn rã xung quanh nồi tàu hũ nước đường. Bạn Huỳnh Thị Tuyết Hoa (20 tuổi) cho biết: “Mình mua tàu hũ của cô từ hồi còn bé, lúc còn học THPT chiều nào cũng hẹn bạn bè ra đây ăn”. Cô Hiệp còn kể, nhiều em thường xuyên đến mua đến nỗi cô nhớ mặt biết tên và xem như con cháu, thậm chí có mấy bạn nhà tận Bình Dương, mỗi lần lên Sài Gòn không quên ghé mua và chào thăm cô.

Chẳng phải đơn thuần mà gánh tàu hũ đông khách như vậy, tàu hũ của Cô Hiệp được làm rất kỹ lưỡng. Cô cho biết, đậu nành dùng làm tàu hũ được lấy từ quê nhà ở Quảng Ngãi, hạt đậu được trồng trên đất cát Quảng Ngãi tuy nhỏ mà chắc. Vì vậy, suốt 28 năm qua cứ khoảng 3 tháng cô Hà lại về quê để mang đậu vào, mỗi đợt như vậy vận chuyển từ 6 đến 7 tạ. Nước đường được chế biến từ đường tự nhiên, cho ra mật đường có vị ngọt thanh vừa phải, không gắt hay đắng như đường hóa học, hơn hết là an toàn sức khỏe. Thêm vào đó là những viên bột lọc dai, vài lát gừng thơm, ấm bụng khi ăn. Các thành phần được cô chủ hết sức chú trọng, chế biến cẩn thận, nhờ đó mà những chén tàu hũ thơm nóng mới có thể níu chân bao khách hàng suốt 28 năm.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Mỗi chén tàu hũ có giá 6.000 đồng.

30 năm bôn ba Sài Gòn lập nghiệp

Ngày trước, hồi còn ở quê nhà Quảng Ngãi, cô Hiệp có làm nghề may một thời gian, nhưng cuộc sống lại quá khó khăn, nghèo túng trong khi gia đình đông anh chị em. Cô Hiệp lúc ấy mới 25 tuổi đã cùng một người bạn vào Sài Gòn lập kế sinh nhai, công việc bán tàu hũ từ ấy mà bắt đầu. Theo lời cô kể lại, thời xưa mẹ cô cũng từng làm nghề này, nên đã cặn kẽ truyền dạy cô cách chế biến tàu hũ. Từ đó cô đã nối liền phần đời của mình với gánh hàng.

Mỗi ngày từ 2 giờ sáng cô đã phải thức dậy vo đậu, bắt nước sôi để làm bột lọc, nấu nước đường, làm đến 5 giờ rưỡi mới hoàn tất. Thời gian đầu, cô Hiệp cũng gánh hàng đi bán dọc các con đường xung quanh, sau 5 năm sức khỏe yếu dần nên cô mới tìm một chỗ bán cố định. Cô buôn bán trước giờ chủ yếu một mình, thời gian gần đây có chồng cô là chú Huỳnh Ngọc Trung, 56 tuổi ra phụ rửa chén, bưng bê, dọn dẹp. Mỗi ngày cô Hiệp bán khoảng 8 kg đậu, có ngày lên 12 kg.

Nhiều lần cô Hiệp cũng rất mệt mỏi, thấy vợ vất vả chú Trung cũng khuyên cô nên ở nhà vài hôm để giữ sức khỏe. Nhưng cô nhớ đến hình ảnh những bạn trẻ từ xa đến ủng hộ, cô Hiệp thấy rất quý mến, cô tâm sự: “Cô nhớ có mấy đứa nhỏ đến mua, nó nói con ở xa lắm, hôm nay con gắng đến ăn tàu hũ của cô. Nghĩ đến những đứa ấy, cô thấy thương lắm, nên không muốn nghỉ”.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Cô Hiệp bán tàu hũ ở đây lâu năm, mọi người ai cũng quý mến vì sự thân thiện và gần gũi của cô.

Nghe cô tâm sự, thì mới được biết cô Hiệp cũng bị mắc bệnh lupus ban đỏ, nên cô rất sợ ánh nắng mặt trời gây nên tình trạng chóng mặt, mệt mỏi. Điều này cũng gây cản trở rất nhiều với công việc buôn bán ngoài đường mỗi ngày của cô Hiệp. Ngày đầu mới bán, mỗi chén tàu hũ có giá 1.000 đồng, về sau lên 2.000, 5.000 và hiện tại là 6.000 đồng một chén. Tuy bán rất đông khách nhưng cũng chẳng lời được bao nhiêu, cuộc sống cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày, thêm gánh nặng tiền thuốc men. Dù vậy, cô Hiệp vẫn tỏ ra rất lạc quan và vui tươi, hầu như ai đến mua cũng đều cảm nhận được sự niềm nở và thân thiện của cô. Nhờ đó, gánh tàu hũ trải qua 28 năm vẫn luôn níu chân biết bao thế hệ thực khách gần xa.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Ngoài khách ăn tại chỗ, lượng khách mua về cũng rất nhiều.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Mỗi ngày sinh viên, học sinh đến mua ủng hộ cô Hiệp rất đông.

Gánh tàu hũ gần 30 năm trong hẻm Sài Gòn: Không dám nghỉ bán vì nhớ... khách

Lượng khách đến đông nhất vào tầm 4 – 5 giờ chiều.

Nguồn: Thanh niên

Author:

Gửi phản hồi