Thuở nhỏ, tôi cứ mong đến ngày giỗ, chạp để được ăn xôi nước. Giờ không còn thiếu thốn như xưa nhưng mỗi khi nhìn thấy món ăn ngọt ngào ngày thơ bé là vẫn cứ thèm thuồng.
Món xôi nước – TRANG THY
Xôi nước lạ lẫm với khách phương xa nhưng quen thuộc với người dân quê tôi, vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi. Chế biến nhiều công đoạn nên xôi nước chỉ hiện diện vào những ngày đặc biệt trong gia đình.
Gạo nếp được cho vào nước ngâm đêm trước rồi vớt ra xay thành bột vào sáng hôm sau. Tiếp đến, cho bột vào túi vải buộc chặt rồi dùng vật nặng đè lên trên cho ráo nước. Sau đó, cho bột ra thau nhựa, nhồi với ít dầu phộng rồi nắn thành viên tròn dẹp xinh xinh.
Dùng chảo rang ít mè (hạt vừng) đã tách vỏ tỏa hương thơm dịu thì nhấc khỏi bếp. Cho đường và nước cùng gừng tươi xắt nhuyễn vào nồi rồi bắc lên bếp. Khi đường hòa cùng gừng bốc mùi thơm thì cho những viên bột nếp vào rồi dùng vá khuấy nhẹ, đun nhỏ lửa. Xôi chín, dùng vá múc ra chén nhỏ, rắc ít hạt mè lên trên cho thêm thơm ngon.
Xôi nước là món ăn sau cùng của bữa ăn, dẫu lúc này đã no bụng nhưng vẫn ngon miệng làm sao. Nếp dẻo mềm, vị ngọt của đường hòa cùng cay dịu từ gừng quyện với hương thơm của mè khiến lòng lâng lâng. Những bậc cao niên nhấm nháp xôi nước bên chén trà thơm gật gù ra vẻ hài lòng khi “tụi bay chịu khó làm món ngày xưa ông bà thích ăn”.
Những chén xôi nước còn được bà hay mẹ mang sang biếu láng giềng để tỏ lòng thơm thảo, tình nghĩa xóm làng thêm gắn bó. Vị ngọt lành, dẻo thơm được sẻ chia để cùng dìu nhau bước qua những gian khó. Với tôi, dù tóc đã pha sương nhưng mỗi khi ăn xôi nước chợt thấy mình trở về những ngày thơ dại thấm đẫm thương yêu.
Nguồn: Thanh niên