Ra Hà Nội thăm người thân nhưng bị ‘shock nhiệt’, Hương Giang Idol nhanh chóng sưởi ấm bằng combo bún mọc và sữa đậu.
Hà Nội đang vào những ngày mùa đông lạnh nhất trong năm khi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 10 độ C. Đây cũng là dịp thích hợp cho các món nóng sốt “lên ngôi” như ngô nướng, khoai nướng, thịt nướng, cháo, ốc nóng… Không thể bỏ qua các món bún phở với nước dùng lúc nào cũng bốc khói nghi ngút, đủ xua tan cái lạnh tái tê bên ngoài.
Ngoài các món bún đặc sản Hà Nội được phổ biến khắp nơi như bún ốc, bún riêu, bún đậu hay bún thang thì “tín đồ bún” ở thủ đô còn có một món tủ khác mà không phải ai cũng biết, nhất là thực khách phương xa. Đó là bún mọc dọc mùng – món ăn rất thích hợp để ăn vào những ngày lạnh. Tranh thủ những ngày ra Hà Nội công tác và thăm gia đình dịp đầu năm, hoa hậu Hương Giang đã bị shock nhiệt bởi trời quá lạnh. Cô nàng nhanh chóng tranh thủ “sưởi ấm cõi lòng” bằng món ăn yêu thích này. Gọi một bát bún, Hương Giang không quên order thêm một cốc sữa đậu nóng hổi – combo hoàn hảo ở các quán vỉa hè Hà Nội vào mùa đông.
Sinh ra và lớn lên ở thủ đô, Hương Giang vốn quen thuộc với món bún mọc dọc mùng. Đây là một món ăn dân dã, thường bán ở vỉa hè trong các khu chợ bình dân. Tuy là món ăn chơi nhưng bún mọc lại có khá nhiều chất với các loại thịt: mọc viên, thịt lợn luộc, sườn hoặc móng giò. Nếu ăn một bát “full-topping” như vậy, đảm bảo bạn sẽ đủ năng lượng để đối mặt với cái rét cắt da cắt thịt miền Bắc. Còn Hương Giang thì chỉ chọn thịt mọc và thịt luộc để giảm bớt lượng mỡ. Ngoài ra, cô gọi loại rau ăn kèm là rau cần, bên cạnh loại rau mặc định là dọc mùng.
Món ăn tuy có nhiều thành phần nhưng cách làm cũng không quá cầu kỳ. Mỗi khi đi ngang qua các hàng bún mọc, thực khách dễ dàng bắt gặp những người phụ bếp đang ngồi tước vỏ những chậu dọc mùng lớn. Dọc mùng được thái xéo, ngấm trong nước muối nhạt để không còn gây ngứa, rồi bắt cho khô để ăn cho giòn.
Bát bún mọc dọc mùng hấp dẫn của Hương Giang.
Sườn được luộc sơ qua rồi luộc lại lần 2 để lấy vị ngọt cho nước dùng. Nấm hương, mộc nhĩ rửa sạch rồi ngâm trong nước lạnh cho nở ra, cắt mũ và thái nhỏ. Để làm được viên mọc – linh hồn của bát bún, người ta sử dụng giò sống, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, thêm các gia vị khác rồi viên lại cho tròn, viên tới đâu thoa dầu ăn hoặc nước tới đó để không bị dính. Khi sườn đã ninh nhừ, chủ quán cho mọc vào cho tới khi nổi lên là chín. Trước khi ăn, người ta thả dọc mùng vào nồi nước dùng cho nóng, đồng thời cũng để chúng nở ra.
Để ăn kèm, bát bún thường có thêm thịt lợn luộc thái mỏng hoặc móng giò beo béo. Bát bún có vị ngọt của xương, giòn giòn beo béo của mọc, vị ngậy của móng giò và thịt lợn. Ngoài ra, mỗi quán luôn phục vụ thêm bát nhỏ để thực khách tự pha nước chấm cho đậm đà. Có người thích ăn xì dầu, thêm ớt, cũng có người lại thích chấm với muối ớt chanh.
Nguyên Chi
Theo: Ngôi sao