Tuy cách làm các món chay khá kỳ công và nhiều nguyên liệu khó kiếm nhưng nó thể hiện tấm lòng của bạn và ăn cũng rất ngon nữa đấy.
1. Nui gạo nấu chay
Với các nguyên liệu dễ mua như rau củ, đậu phụ bạn có thể nấu một nồi nui thơm ngon đổi vị cho cả nhà cuối tuần.
Nguyên liệu:
– 1 củ cà rốt
– 1 củ khoai tây
– 1 củ khoai lang
– 1 củ su su
– 500 g nấm bao tử
– 5 lát chả chay bán sẵn, bạn có thể mua tại siêu thị
– Đậu phụ chiên cắt lát
– 1 viên đường phèn, xì dầu (nước tương), đường, muối, hạt tiêu
– Tỏi tây (barô), dầu ăn.
Cách làm:
– Gọt cà rốt, khoai tây, khoai lang, su su, nấm cắt bỏ chân, ngâm chung vào âu nước muỗi pha loãng.
– Chả chay cắt lát mỏng, rán sơ.
– Nấm sau khi rửa sạch, để ráo, cắt lát mỏng. Đun nóng dầu ăn, phi tỏi tây thơm, cho nấm vào xào, thêm vào hai thìa canh xì dầu, một ít muối, đường, một ít hat tiêu, đậy kín nắp khoảng 6 – 8 phút.
– Cho đậu phụ, chả chay vào xào cùng với nấm, tiếp tục đậy kín nắp, đun lửa nhỏ để nguyên liệu thấm gia vị. Đun khoảng 10 phút thì tắt bếp.
– Cà rốt, khoai tây, khoai lang, su su sau khi rửa sạch, để ráo, cắt khúc vừa ăn. Cho tất cả rau củ vào nồi, châm nước lạnh ngập mặt, đặt lên bếp đun sôi, thêm đường phèn, một ít muối. Đun đến khi dùng đũa xiên nhẹ qua cà rốt mềm.
– Cho đậu phụ, nấm đã xào ở bước 4 vào nồi, tiếp tục đun sôi khoảng 5 phút nữa thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, tắt bếp.
– Dùng chảo nhỏ, cho một ít dầu điều, phi tỏi tây thơm, tiếp theo đổ phần tỏi tây xào thơm lên bề mặt của nồi súp ở bước 6, đun sôi lại nồi nước súp khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp.
– Đun nồi nước sôi, cho nui gạo vào nồi, luộc chín, đổ ra rổ cho ráo nước.
– Khi dùng múc một ít nui gạo vào bát, thêm nước súp, rau củ và đậu phụ, nấm, chả chay, dùng nóng.
2. Bún gạo xào chay
Một chút biến tấu bún gạo với các loại rau củ, nấm… giúp tạo nên món xào chay vừa ngon vừa không lo bị béo.
Nguyên liệu:
– 450 g bún gạo
– 2 củ cà rốt
– 1 ít nấm mèo
– 1 nấm tay hẹ
– 1 ít hành lá, hành tây, cần tây
– 1 miếng đậu phụ chiên
– đậu phộng rang
– tỏi băm, tiêu
– gia vị: muối, đường, bột nêm nấm, nước tương.
Cách làm:
– Cà rốt, đậu phụ và nấm mèo thái sợi. Hẹ, hành lá thái khúc
– Cần tây thái lát. Hành tây thái theo múi cau.
– Bún gạo ngâm với nước ấm khoảng 30 phút rồi vớt ra, để ráo.
– Làm nóng dầu, phi thơm hành. Cho cà rốt, nấm mèo, cần tây, hành tây vào xào vài phút.
– Tiếp đến cho đậu phụ vào. Nêm ít hạt nêm nấm, đường, muối và nước tương. Các nguyên liệu như hẹ, hành lá được cho vào xào chung rồi cho ra đĩa để riêng.
– Sử dụng lại cái chảo đó, phi thơm dầu với tỏi băm rồi cho bún gạo vào đảo sơ. Nêm ít đường, muối, hạt nêm nấm, nước tương cùng ít nước lọc.
– Đảo đều đến khi bún mềm thì cho hỗn hợp rau đã xào vào trộn đều. Tắt bếp, rắc ít tiêu nếu thích.
– Món này dùng ngay lúc còn nóng, bạn có thể làm thêm chén nước tương tỏi ớt để ăn kèm.
3. Bún mắm chay
Từ món bún mắm nổi tiếng của người miền Tây Nam bộ, bạn có thể biến tấu với các loại rau củ để chế biến nên món bún chay đậm đà mà không kém phần thơm ngon.
Nguyên liệu:
* Nước dùng:
– 1 cái bắp cải
– 1 củ cải trắng lớn
– 2 trái su su
– 1 củ sắn lớn
– 1 trái lê to
– 5 củ cải muối
– 1 bịch ngãi bún
– 1 chén tương đậu nành
– 1 hủ chao
– 6 củ sả
– 1 chén sả bằm + 1 muỗng canh ớt xay
– 2 miếng rong biển lớn ( loại rong biển dùng để cuộn sushi )
* Phần nhân:
– 1 bịch tôm chay
– 1 bịch cá chay
– 3 trái cà tím
– 2 cây nấm đùi gà
– 2 bìa đậu trắng chiên vàng
– 10 trái ớt
– 1 ít đậu sống + nấm mèo + rong biển + bộp năng.
– Bún
– Rau: rau đắng, rau muống chẻ, giá, bắp chuối bào… ( những loại rau mà mình dễ dàng tìm thấy mua ở chợ nơi mình ở)
– Ngò gai.
Cách làm:
– Hầm tất cả các loại củ: bắp cải, củ cải trắng, củ sắn, củ cải muối, táo cùng với một ít muối và 3 tép sả và một cục đường phèn. Cho nước ngập phần rau củ 3 đốt ngón tay hầm khoảng 2 tiếng để lấy nước dùng, lọc bỏ xác .
– Bún xay nhuyễn cho vào ít nước vắt lấy nước trong, bỏ xác.
– Xay tương đậu nành và chao cho nhuyễn
– Phi dầu thơm cho sả bằm cùng ớt xay vào xào cho sả thơm, tiếp đến cho hỗn hợp đậu nành và chao xào cùng, đảo liên tục và xào cho đến khi hỗn hợp quyện lại với nhau thành một khối.
– Cho hỗn hợp tương và chao vào nồi nước dùng cùng với 3 củ sả còn lại đập dập và nêm lại với hạt nêm nấm cho vừa ăn. Thả thêm 2 miếng rong biển vào để tạo mùi cho nồi nước dùng. Nếu thích ăn vị hơi ngọt kiểu miền tây thì nêm thêm đường.
– Nấm cắt miếng vừa ăn xào cho thơm cùng với tôm và hạt nêm nấm.
– Cá chay chiên sơ cho vàng hai mặt.
– Ớt bổ sống lưng móc bỏ ruột ớt nhồi ớt với đậu sống bóp nhuyễn trộn đều với lá rong biển bóp nhỏ và bột năng, nêm một ít hạt nêm nấm hoặc thêm nấm mèo tuỳ thích. Nhồi nhân vào trong ớt, hấp chín, chiên vàng 2 mặt.
– Cắt cà tím thành miếng vuông ngâm qua nước muối loãng thả vô nồi nước dùng, cho nước ngãi bún vào, thả đậu chiên vào cùng một ít màu điều để thêm hấp dẫn.
– Cho bún vào tô, xếp nấm, tôm, cá, ớt nhồi lên trên, chan nước lèo cùng ít cà tím và đậu chiên.
– Cuối cùng nêm ngò gai cắt nhuyễn ăn kèm với rau ghém các loại và tận hưởng một tô bún mắm chay nhưng mùi cũng nồng nàn không kém gì mắm thứ thiệt đâu nhé.
4. Hủ tiếu chay
Tô hủ tiếu thơm lừng, được làm từ các nguyện liệu rau củ quả ngon ngọt tự nhiên, tạo cảm giác thanh tịnh cho người thưởng thức.
Nguyên liệu: cho khoảng 7-8 bát lớn như trong hình
– Phần nước dùng: 2-3 quả táo, 1 quả lê, 1-2 bắp ngô, 1/4 cây bắp cải, 2 củ cà rốt, vài viên nhỏ đường phèn, nấm hương
– 300g mỳ căn, 2-3 bìa đậu phụ, 2 -3 cây sả, ngũ vị hương
– Phần chao ăn kèm: 1 thìa canh chao đỏ, 1 thìa canh chao trắng, đường
– Sợi hủ tiếu tươi hoặc khô
– Giá đỗ, xà lách xoăn, muối, xì dầu, đường.
Cách làm:
– Phần nước dùng: rửa sạch tất cả các loại rau củ, táo bổ làm đôi, ngô tách bỏ lá và râu ngô cho thật sạch, cà rốt cạo vỏ sạch, cho tất cả vào nồi, thêm vài viên đường phèn và muối, đặt lên bếp đun sôi hầm lấy nước dùng.
– Mỳ căn rửa sạch, xắt thành từng lát vừa ăn.
– Đậu phụ rửa sạch, xắt quân cờ vừa ăn.
– Đun nóng nồi, cho dầu, thả mỳ căn, đậu phụ vào rán vàng, vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu ăn.
– Cho mỳ căn, đậu phụ, thêm sả đập dập, một thìa nhỏ ngũ vị hương vào nồi, thêm một thìa nhỏ muối, một thìa canh xì dầu, một thìa canh đường, trộn đều ướp khoảng 30 phút trước khi chế biến.
– Đặt nồi đậu phụ lên bếp, đun lửa nhỏ thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều và đổ vào một ít nước lọc, kho khoảng 30 phút, nêm nếm lại gia vị tùy theo sở thích của bạn, nêm hơi mặn vì bạn dùng ăn kèm với nước dùng và hủ tiếu.
– Giá đỗ nhặt sạch, xà lách xoăn rửa sạch, để ráo.
– Nấm hương ngâm nở, cắt bỏ rễ, rửa sạch.
– Phần chao ăn kèm: hòa chao đỏ, chao trắng vào bát, thêm đường tùy theo sở thích của bạn.
– Phần nồi nước dùng ở bước 1 sau khi hầm để các loại rau củ ra hết chất, vớt rau củ bỏ đi, bạn thêm nấm hương vào nồi, tiếp tục đun sôi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, ở nồi nước dùng bạn chỉ nêm muối không nêm xì dầu vì xì dầu sẽ làm cho phần nước dùng bị chua.
– Đun nồi nước sôi, cho hủ tiếu vào chần sơ, đổ hổ tiếu vào bát lớn.
– Khi dùng múc một ít đậu phụ và mỳ căn kho vào bát, thêm nấm hương và chan nước dùng, bên trên thêm một ít chao, dùng kèm với giá và xà lách xoăn.
5. Bún riêu chay
Tô bún thơm, nước dùng ngọt từ củ quả và phần riêu làm bằng đậu phụ, được dùng kèm với các loại rau ăn thanh mát.
Nguyên liệu:
– Phần nồi nước dùng: 2-3 củ cải trắng, 2 quả táo, 1 quả lê
– 2-3 bìa đậu phụ tươi
– 1/2 hộp đậu phụ non
– 1 thìa canh tương Cự Đà hay tương đậu nành
– 200g thanh cua chay (bạn có thể tìm mua tại siêu thị)
– 300g nấm đông cô
– 300g nấm đùi gà
– 3-4 quả cà chua
– Đậu phụ rán sẵn
– Dấm bỗng hay me chua
– Bún ăn kèm
– Rau kinh giới, tía tô, giá, có thể dùng thêm rau muống chẻ, hay xà lách xoăn thái nhỏ
– Hành barô, rau mùi
– 1 thìa canh bột mỳ.
Cách làm:
– Táo, quả lê, củ cải rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hột, cắt vừa ăn, cho tất cả vào nồi, thêm nước lọc và hai thìa nhỏ muối, hầm để lấy nước dùng.
– Đậu phụ rửa sạch, để ráo, cho đậu phụ tươi, đậu phụ non vào âu sạch.
– Dùng tay sạch bóp nhuyễn đậu phụ, thêm tương Cự Đà và một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, dùng thìa trộn đều.
– Thanh cua chay rửa sạch, cắt nhỏ.
– Dùng dao băm nhuyễn hay dùng máy xay tơi thanh cua.
– Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
– Nấm đông cô, nấm đùi gà cắt bỏ chân rửa sạch, để ráo.
– Rau xà lách xoăn rửa sạch.
– Nấm đùi gà cắt lát vừa ăn.
– Giá đỗ rửa sạch, để ráo.
– Hành barô rửa sạch, lấy phần đầu hành trắng đập dập, phần barô xanh thái nhỏ.
– Đậu phụ rán để ra bát, bạn có thể dùng đậu phụ rán sẵn hay mua đậu về rán.
– Rau kinh giới rửa sạch, để ráo.
– Đun nóng một ít màu dầu điều, phi đầu hành thơm.
– Cho cà chua vào xào chín, thêm vào một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, xào khoảng 5-7 phút thì đổ cà chua ra bát để riêng.
– Dùng lại chảo đó, cho hai loại nấm vào xào chín, xào khoảng 5 phút thì tắt bếp, đổ ra bát lớn để riêng.
– Rưới vào chảo một ít màu dầu điều, cho thanh cua chay vào xào.
– Cho bát đậu phụ ở bước 3 vào xào cùng với thanh cua, dùng muôi trộn đều.
– Xào khoảng 5-7 phút cho thấm thì rảy bột mỳ lên bề mặt đậu phụ, dùng muôi đảo đều, bột mỳ có tác dụng kết dính để khi đun sẽ tạo thành mảng riêu nổi lên bề mặt. Nếu bạn muốn dùng phần riêu cứng hơn có thể thêm bột mỳ.
– Phần nồi nước hầm ở bước 1 sau khi củ quả đã mềm, vớt ra bỏ bã, lọc lại nước dùng cho trong thì cho cà chua, nấm , đậu phụ rán đã xào vào đun cùng, đun khoảng 15 phút.
– Nêm vào nồi nước dùng một ít giấm bỗng hoặc bột me chua, dùng thìa múc từng muôi hỗn hợp đậu phụ ở bước 16 thả vào nồi nước dùng cà chua, đun lửa nhỏ để mảng riêu đậu phụ nổi lên bề mặt.
– Khi phần riêu chín sẽ nổi lên bề mặt, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, thêm một ít hành barô thái nhỏ vào.
– Tắt bếp, khi dùng gắp một ít bún vào bát lớn, chan nước dùng có lẫn cà chua, đậu phụ, nấm các loại và múc một ít riêu đậu phụ, rắc thêm một ít hành barô, rau mùi thái nhỏ. Dùng nóng với các loại rau ăn kèm.
6. Mỳ Quảng chay
Nước hầm ngọt tự nhiên từ rau củ, quyện với nấm giòn ngọt và đậu phụ thơm, điểm xuyết thêm lạc và bánh đa ăn kèm.
Nguyên liệu:
– Nấu nước dùng: 1 củ cải trắng, 1/4 cây bắp cải, 1/2 cây súp lơ có thể thêm cà rốt hay quả lê
– 300 g nấm bào ngư hoặc nấm rơm
– 1 quả cà chua nhỏ
– 2 bìa đậu phụ
– Hành ba rô, rau mùi, muối, bột ngọt
– Rau ăn kèm: 1 cây xà lách xoăn, giá, rau húng lủi, rau thơm
– Sợi mỳ quảng, nếu không có sợi mỳ quảng bạn có thể thay bằng sợi bánh phở lớn, nửa thìa nhỏ bột nghệ để tạo màu
– Lạc rang, bánh đa nướng ăn kèm
– Dầu điều
– Phù trúc (ván đậu hay còn gọi là tàu hũ ky)
– Xì dầu hoặc chao trắng ăn kèm.
Cách làm:
– Nấu nước dùng củ cải, bắp cải, súp lơ rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào nồi, đổ nước ngập mặt, đun sôi lấy nước dùng, nêm vào hai thìa nhỏ muối, đun khoảng từ 30 – 45 phút sau đó vớt bỏ phần rau củ.
– Nấm bào ngư cắt bỏ chân, rửa sạch, ngâm nấm vào âu nước lạnh có pha một ít muối, ngâm khoảng 15 phút sau đó vớt nấm ra rửa lại cho thật sạch, để nấm lên rổ cho ráo nước.
– Đậu phụ rửa sạch, cắt quân cờ, đổ dầu vào chảo, rán đậu đến khi vàng đều.
– Phần hành lá của cây ba rô bạn rửa sạch, thái nhỏ, phần đầu trắng dùng cán dao đập dập. Rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
– Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
– Lạc rang vàng, giã thô.
– Tiếp theo cắt phù trúc thành từng miếng vừa ăn, đun nóng dầu cho phù trúc vào rán vàng đến khi vàng đều, gắp phù trúc ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
– Đun nóng ba thìa nhỏ dầu điều, phi đầu hành cây ba rô cho thơm, cho cà chua vào đảo cùng.
– Tiếp theo cho nấm, đậu phụ vào xào cùng, nêm vào một thìa nhỏ muối, đảo đều.
– Sau đó châm từ từ nước dùng nấu từ rau củ vào nồi đậu phụ, tuyệt đối bạn không nên nêm xì dầu vào nồi nước dùng vì xì dầu sẽ làm món ăn bị chua.
– Tiếp tục đun sôi khoảng từ 10-15 phút , nêm vào nửa thìa nhỏ bột ngọt bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, tắt bếp rắc phần hành và rau mùi đã thái nhỏ vào nồi.
– Rau xà lách, giá, các loại rau thơm nhặt sạch, để lên rổ cho ráo nước.
– Sợi mỳ chần sơ qua nước sôi, nếu dùng mỳ quảng sợi khô bạn nêm ngâm sợi mỳ quảng vào âu nước lạnh khoảng 15 phút, sau đó đun nồi nước luộc đến khi sợi mỳ mềm, vớt mỳ ra rổ và xả lại dưới vòi nước lạnh để sợi mỳ không bị dính chùm.
– Khi dùng, bạn xếp một ít rau xà lách, giá, các loại rau thơm xuống dưới đáy bát lớn, thêm một ít sợi mỳ, chan nước dùng kèm với đậu phụ, nấm, nước dùng ăn kèm mỳ quảng chỉ xâm xấp với mặt sợi mỳ, thêm phù trúc bẻ nhỏ, bên trên rắc một ít lạc và bánh đa nướng bẻ nhỏ. Bạn có thể pha thêm xì dầu hay chao trắng, ăn kèm nếu nhạt.
Hạt Tiêu
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET