Nhìn những mâm cỗ này, hội gái đoảng chắc chắn sẽ phải ngả mũ thán phục tài nấu nướng của team gái đảm cho mà xem!
Nói không ngoa: Tết có lẽ chính là “sân chơi” của hội gái đảm, yêu chuyện bếp núc. Ngày Rằm tháng Chạp còn chưa qua mà chị em đã nô nức khoe thành quả là những mâm cỗ cúng vừa đủ đầy, vừa được trang trí bắt mắt.
Xem những bức ảnh này, chắc hẳn không ít người sẽ phải trầm trồ. Dù là để tham khảo sắp tới làm mâm cúng Tết tiễn ông Công – ông Táo, bữa cơm tất niên hay chỉ là một bữa ăn bình thường trong ngày Tết, thì “giao diện” của những mâm cơm này vẫn là đỉnh của chóp!
Chị Hoàng Thị Hiền hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM chia sẻ: “Mình rất thích cùng các con vào bếp làm cỗ cúng Tết. Để con cùng tham gia vào quá trình nấu nướng, ép xôi, học cách bày biện mâm cỗ cũng là cách để cùng con duy trì văn hóa truyền thống dịp Tết.”
Một mâm cỗ cúng do chị Hiền và các con cùng thực hiện
Cỗ cúng ông Công – ông Táo năm ngoái được chị Hiền chuẩn bị hết sức công phu
Mâm cơm cúng hết Tết năm ngoái của gia đình chị Hiền
Chị Nguyễn Thảo Vy hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội lại cho biết: “Nhiều người muốn gộp Tết âm vào Tết dương nhưng mình thì khác. Mình rất thích dịp Tết Nguyên Đán vì có cớ để trang hoàng nhà cửa, có thời gian làm những món ăn mình thích cho những người mình yêu thương.”
Và đây là thành quả khá mãn nhãn của Thảo Vy.
Trong khi đó, chị Tô Thị Hương Giang – Nàng dâu đảm của Hà Nội lại chia sẻ về mâm cơm Tết truyền thống của người Hà Nội gốc: “Mâm cỗ Tết truyền thống Hà Nội xưa có rất nhiều kiểu, 8 bát – 8 đĩa, 4 bát – 8 đĩa, 4 bát – 6 đĩa, hay thậm chí nhà giàu là 8 bát – 12 đĩa. Với gia đình nhỏ 5 người như nhà mình (2 vợ chồng và 3 con), mình thường chọn phương án 4 bát – 8 đĩa cho mâm cúng đầy đủ và 2 bát – 6 đĩa cho mâm cúng vừa.”
Mâm cơm Tết của gia đình chị Hương Giang
Mâm cơm ngày Tết của gia đình chị Hương Giang
“Mình không phải là người quá cầu toàn hay kỹ tính trong việc nấu nướng cho đến khi lấy chồng. Năm đầu làm dâu Hà Nội, mình vừa lo lắng vừa lóng ngóng vì không biết chuẩn bị, bày biện cỗ Tết thế nào. Nhưng may mà có mẹ chồng hướng dẫn.”
Đến năm thứ 2, vợ chồng mình chuyển ra ở riêng và việc làm cỗ mình tự chuẩn bị hết. Vừa bận con cái, vừa phải sắp cỗ cúng nên mình đã phải nghĩ cách làm sao chuẩn bị trước mọi thứ sẵn sàng từ trước để sáng mùng 1 chỉ cần khoảng 1 tiếng là mâm cơm đã phải đầy đủ cúng tổ tiên – ông bà.
Nhiều người thường nghĩ rằng Tết là để nghỉ ngơi sao phải vất vả, nhưng mình lại nghĩ khác. Tết là dịp để cả gia đình sum họp, để con trẻ được trải nghiệm văn hoá, thế nên mình muốn gìn giữ nét truyền thống này của dân tộc để mãi mãi về sau các con mình sẽ không bao giờ quên ngày Tết Việt Nam.” – Chị Hương Giang chia sẻ.
Lắng nghe những tâm sự của “hội gái đảm” này về dịp Tết truyền thống, có lẽ chúng ta đều cảm thấy rằng: Tết không chỉ là một kỳ nghỉ, một cơ hội để gia đình sum vầy mà còn là nét văn hóa cần duy trì.
Dù bận rộn công việc đến đâu, chị em cũng hãy cố gắng sắp xếp để tận hưởng một cái Tết thật vui và đầm ấm bên gia đình nhé!
Nguồn: Afamily