Mỗi vùng miền tại có cách lựa chọn sản vật để chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ khác nhau.
Đặc trưng của Tết Đoan Ngọ là hướng về cội nguồn, về cộng đồng nên ông cha ta thường làm mâm cơm canh, bánh trái, chè xôi, trà rượu dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, nhà nhà yên vui. Tùy theo quan niệm của từng vùng mà người ta lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Cùng xem mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền khác nhau như thế nào các chị em nhé!
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ Miền Bắc
Cơm rượu nếp cái hoa vàng và nếp cẩm
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân trên cả nước ai nấy đều ăn món cơm rượu nếp bởi ông cha ta quan niệm chúng có tác dụng “tiêu diệt” sâu bọ, loại bỏ ký sinh gây hại cho cơ thể người. Cơm rượu nếp cái hoa vàng là món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc. Nếp cái hoa vàng không phải nơi nào cũng trồng được và phải không phải vụ nào cũng làm nên hạt nếp đặc biệt ngon dẻo. Hạt nếp cái hoa vàng ngon phải là hạt nếp nguyên vỏ cám to, tròn, đồng đều màu sắc, có như thế cơm rượu mới ngon được.
Cơm rượu nếp cẩm cũng rất phổ biến ở miền Bắc. Cơm rượu nếp cẩm khi ăn vị ngọt ngọt cay cay lan dần xuống bụng tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu.
Bánh gio (bánh tro)
Bánh gio được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Gạo được lựa chọn phải là những hạt gạo mẩy nhất, thơm nhất, đều hạt. Nước gio để ngâm bánh được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, sau đó sẽ pha thêm một chút nước vôi trong.
Chẳng ai có thể cưỡng lại được những chiếc bánh gio với màu hổ phách óng ánh, trong suốt và mềm dẻo. Khi chấm bánh gio với mật mía ngọt ngào bạn sẽ cảm thấy như có một bản hòa tấu vô cùng thơm ngon trong miệng mình. Theo ông bà xưa, gạo luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, có tác dụng tiêu tan bệnh trong người, đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ Miền Trung
Cơm rượu
Cơm rượu miền Trung được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Cơm rượu miền Trung có dạng miếng nhỏ vuông vức. Để có những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt, cần chọn nếp ngỗng cũ màu trắng đục, vo sạch, ngâm nước trong 8 giờ. Đặc biệt nếp được hấp hai lần để hạt nếp chín mềm từ trong ra ngoài.
Khi uống người ta cho thêm đá vào cốc, ăn cả cơm rượu nếp và nước sẽ rất ngon. Rượu nếp kiểu miền Trung là loại thức uống giải khát thông dụng của người dân nơi đây.
Thịt vịt
Sở dĩ là thịt vịt mà không phải các loại thịt heo, bò, gà là vì người Việt xưa tin rằng thịt vịt mát, ăn vào sẽ làm cơ thể mát cả năm. Theo quan niệm từ xưa, ngày 5/5 Âm lịch thường là ngày nóng nực. Bên cạnh đó thịt vịt còn được cho là có khả năng bổ máu, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, còn có một lý do khác đó là vào tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa nên béo, thịt thơm hơn nữa.
Chè kê
Chè kê là món ăn đặc biệt quen thuộc với những ai gốc Huế. Thời điểm Tết Đoan Ngọ cũng là lúc mùa kê vào mùa, vì thế người dân Huế thường làm chè kê để dâng ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó, đây cũng là một món ăn quen thuộc trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ của người Quảng Nam.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ Miền Nam
Cơm rượu
Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu không để rời mà được viên thành những viên tròn trước khi ủ. Rượu dậy mùi, người ta thường thêm nước đường vào. Người miền Nam thích ăn cơm rượu với xôi vò giống như xôi chè ở miền Bắc.
Bánh ú bá trạng
Đây là món bánh làm từ gạo nếp, là món ăn truyền thống của người Trung Quốc vào ngày Tết Đoan Ngọ. Bánh bá trạng tương tự bánh tro nhưng to hơn một chút, bánh làm từ gạo nếp và được nhồi nhiều loại nhân sau đó gói trong lá rồi nấu chín bằng cách luộc hoặc hấp. Bánh bá trạng có thể được gói bằng lá tre, lá sen, lá chuối… mỗi loại lá sẽ mang đến hương thơm, mùi vị riêng cho chiếc bánh.
Chè trôi nước
Chè trôi nước miền Nam là những viên chè tròn to được làm từ bột nếp trắng, bên trong là nhân đậu xanh thơm bùi. Chè trôi nước được ăn cùng nước đường gừng và nước cốt dừa. Khi ăn bạn cho thêm chút gừng giã nhỏ và vừng vào ăn cùng sẽ rất ngon. Theo quan niệm dân gian, chè trôi nước được làm từ gạo nếp nên món ăn này cũng có khả năng diệt sâu bọ tốt.
Bên cạnh các món kể trên thì mâm cúng Tết Đoan Ngọ còn phải đủ các lễ vật hương, hoa, vàng mã, trầu cau, trái cây… Trái cây được các gia đình lựa chọn trong ngày này là những loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua như: mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, Tết Đoan Ngọ được tiến hành cúng vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 âm lịch. Bởi lẽ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h.
Chúc các chị em chuẩn bị những mâm cúng Tết Đoan Ngọ thật đẹp mắt nhé!
Nguồn: Afamily