Tiệm trứng hàu phát đạt sau Covid-19

Covid-19 khiến tình hình buôn bán qua mạng của tiệm trứng chiên hàu của gia đình ông Fong thêm khởi sắc, mỗi ngày bán hơn 100 suất.

Những làn sóng nối tiếp nhau của dịch Covid-19 tại Đông Nam Á nói chung và Malaysia nói riêng đã gây tác động lớn đến ngành du lịch và ẩm thực. Phần lớn các xe đẩy đồ ăn tại các khu phố ẩm thực, chợ đêm – một hình ảnh quen thuộc với khách du lịch quốc tế – đã biến mất. Chủ các cửa hàng này đã phải tạm thời đóng cửa hoặc đóng cửa vĩnh viễn vì tình trạng ế khách.

Con hẻm tại Johor Bahru từng rất tấp nập, chật kín thực khách nước ngoài tới để thưởng thức các món ăn bình dân ngon bổ rẻ theo phong cách Trung Quốc. Hiện nay, con hẻm trở nên hiu quạnh với một cửa hàng duy nhất còn mở bán. Đó là tiệm trứng hàu JB Fried Oyster trên đường Meldrum Walk. Trái với tình trạng ảm đạm của những người hàng xóm, cửa tiệm này dường như kinh doanh còn phát đạt hơn trước khi có dịch Covid-19.

Chủ cửa hàng là một cặp vợ chồng già – ông bà Fong Ah Seng và Go E Cheng – và cậu con trai Richard Fong. Đứng từ xa, thực khách đã nghe thấy tiếng xèo xèo của những chảo trứng chiên hàu toả hương thơm nức mũi. Ông Fong là người đứng bếp chính, luôn tay luôn chân, vừa chiên vừa đảo chảo trứng hàu trên bếp lửa đỏ rực. Còn bà Go là người đóng gói đồ ăn vào các gói giấy mang đi. Anh Richard là người sẽ xử lý đơn hàng, giao cho shipper thông qua ứng dụng đặt đồ ăn. Gia đình bắt đầu công việc từ 10h đến 19h, bán 4 ngày trong tuần.

JB Fried Oyster là điển hình hiếm hoi cho sự thành công giữa đại dịch. “Chìa khoá” chính làm nên sự hút khách này chính là món trứng hàu chiên xù, khiến người dân trên khắp Malaysia liên tục đặt hàng.

Tiệm trứng hàu phát đạt sau Covid-19

Món trứng chiên hàu nổi tiếng tại tiệm của ông Fong.

Trứng tráng hàu chiên, hay gọi gọi là orh luak, là món ăn yêu thích, có mặt ở hầu khắp các khu chợ ở Malaysia và Singapore. Món ăn mang phong cách ẩm thực Trung Hoa, được nấu bằng phương pháp wok hei – theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là cách chế biến bằng một chiếc chảo xào (wok), nấu với lửa lớn. Món ăn nấu theo phương pháp này sẽ có mùi hương đặc biệt thu hút, bên ngoài hơi xém giòn nhưng bên trong vẫn mềm, không bị chín quá kỹ.

Ông Fong cho biết, điểm quan trọng khiến món trứng hàu của cửa hàng mình trở nên ngon hơn những nơi khác là do ông nắm được các mẹo chiên và xử lý trứng tráng ở nhiệt độ thích hợp. “Trăm hay không bằng tay quen, tôi đã làm công việc này 50 năm rồi”.

Người đàn ông 72 tuổi lần đầu học các mẹo làm món orh luak khi là một phụ bếp. 18 tuổi, ông đã làm việc tại một nhà hàng ở Johor Bahru, chuyên phục vụ các món Trung Quốc. Chủ nhà hàng đã truyền cho ông công thức này và vài năm sau đó, ông Fong mở cửa tiệm buôn bán cho riêng mình.

“Đầu tiên, tôi múc lớp bột sền sệt màu trắng sữa lên chảo, cho hàu, sau đó đập khoảng 20 quả trứng, khuấy đều, rồi múc một chút mỡ lợn vào chảo rồi canh thời điểm thích hợp, cho tiếp hành hẹ, tỏi và một số gia vị bổ sung. Khi trứng chín một mặt, tôi dùng xẻng để lật rồi chiên mặt còn lại. Người ta có thể ăn orh luak vào bữa ăn nhẹ hoặc là một món của bữa chính trong ngày”, ông nói.

Sau khi hoàn thành, món ăn có màu vàng nâu. Hàu của cửa tiệm ông Fong được nhập khẩu từ Thái Lan ngay buổi sáng hôm đó và sử dụng hết trong ngày nên luôn có vị tươi ngon. Sau cùng, món ăn được gói vào giấy chống thấm dầu mỡ rồi chuyển vào các hộp giấy để giao cho khách, đi kèm một hộp sốt sambal nhỏ để chấm kèm.

Ông Fong là người duy nhất đảm nhiệm công việc chiên trứng hàu. Vợ ông, bà Go (63 tuổi), người đã kết hôn 40 năm và đồng hành cùng chồng khi buôn bán cửa tiệm này, cũng không bao giờ trực tiếp đứng bếp. Bà cho biết, chồng mình là người hiểu rõ nhất cách chế biến, khách tới đây ăn cũng vì thích mùi vị do ông ấy nấu.

Tiệm trứng hàu phát đạt sau Covid-19

Ông Fong và chiếc chảo trứng chiên hàu theo phong cách wok hei.

Richard, con trai của họ, người đã dừng nghề lập trình viên CNTT để hỗ trợ thêm cho công việc kinh doanh của cha mẹ, cũng đồng tình với việc này: “Cha tôi là người đứng bếp hoàn hảo. Ông ấy đã dạy tôi chiêu để chiên trứng hàu ngon nhưng cha vẫn là người làm ngon nhất. Một ngày nào đó tôi sẽ tiếp quản công việc này. Nhưng tôi sẽ để cha mình tiếp tục làm, miễn là ông đủ sức khoẻ”.

Tiệm ăn gia đình chỉ mở cửa 4 ngày một tuần và mỗi ngày bán được 100-200 gói trứng hàu với giá 2,9 USD (khoảng 67.000 đồng). Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch Malaysia khốn đốn và tình hình kinh doanh ở con hẻm nơi gia đình ông Fong buôn bán sa sút. Tuy nhiên, bằng sự nhanh nhạy của một lập trình viên, Richard đã xoay chuyển tình hình bằng cách kinh doanh trực tuyến.

“Tiệm nhà tôi trở nên nổi tiếng nhờ việc truyền miệng. Sau đó, chúng tôi quyết định mở một page trên Facebook để nhận đặt hàng và giao tiếp với thực khách. Hiện, page của chúng tôi có hơn 13.000 người theo dõi. Sau Covid-19, chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn. Khách hàng mua cả thùng, từ 30 đến 40 gói và mang về quê để bán lại. Trong đại dịch, người dân không muốn ra khỏi nhà để mua đồ ăn nên hình thức cung cấp dịch vụ này lên ngôi”, anh nói thêm.

Gian hàng của nhà ông Fong cũng thu hút sự theo dõi nhờ xuất hiện trên một số nền tảng mạng xã hội khác như Youtube sau khi một tài khoản tại Singapore quay video review. Đoạn video thu hút 11 triệu lượt xem và phản hồi trên khắp thế giới. Kỹ năng nấu ăn của ông Fong được nhiều người biết tới. Ông cho biết: “Tôi đã shock và xúc động khi thấy con số tương tác trên mạng và các phản hồi. Một ngày nào đó khi biên giới mở cửa trở lại, tôi hy vọng nhiều người trong số những người xem này sẽ đến quầy hàng của chúng tôi”, ông nói.

Tiệm trứng hàu phát đạt sau Covid-19

Tiệm trứng chiên hàu của gia đình ông Fong tại Malaysia. Video: CNA

Nguyên Chi (Theo Asian News, CNA)

Theo: Ngôi sao

Gửi phản hồi