Hóa ra có cách giữ cho tỏi để lâu không mọc mầm đơn giản thế này mà trước nay rất ít người biết.
Tỏi là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Nhiều người không muốn mất thời gian đi mua tỏi thường xuyên nên hay mua về nhà để ăn dần. Tuy nhiên, với khí hậu có độ ẩm cao, tỏi rất dễ mọc mầm. Tỏi mọc mầm không có hại cho sức khỏe, thậm chí mầm tỏi rất tốt nhưng củ tỏi lại mất hết chất dinh dưỡng. Lúc này ăn củ tỏi không còn thơm ngon nữa. Do đó, người trồng tỏi đã mách bí quyết rất hay để bảo quản tỏi không phải ai cũng biết.
Vậy đó là bí quyết nào, chị em hãy tham khảo cách làm dưới đây nhé:
Trước tiên, khi mua tỏi, bạn cần chọn những củ cầm lên chắc tay. Những củ lép, mốc, mọc mầm thì bỏ đi. Củ tỏi mọc mầm đã bị giảm dinh dưỡng rất nhiều vì còn phải nuôi mầm tỏi. Hơn nữa những củ tỏi mọc mầm kém thơm, ruột to, mềm đi và kém tươi giòn. Do đó tốt nhất bạn không nên mua chúng.
Ngoài ra không nên mua những củ tỏi “há miệng”. Mặc dù tỏi há miệng rất tiện bóc vỏ nhưng việc bảo quản loại tỏi này tương đối khó khăn. Những củ tỏi có lớp vỏ bọc chặt, không dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí nên loại tỏi này có thể bảo quản được lâu hơn. Còn đối với những loại tỏi há miệng, để lâu sẽ dễ bị nấm mốc, hư hỏng vì thế nếu có mua về bạn phải ăn càng sớm càng tốt.
Sau khi mua tỏi xong, chuẩn bị đến khâu bảo quản.
Rửa sạch chảo, cho lên bếp đun cho khô chảo. Sau đó cho một lượng muối thích hợp vào, rang muối trên lửa nhỏ cho muối thật khô. Sau đó tắt bếp, để muối nguội. Đợi muối nguội rồi, cho muối vào túi vải sạch, nếu không có thì dùng khăn giấy bọc lại. Cho bọc muối vào vào túi nilon đựng tỏi, buộc chặt miệng túi lại. Để túi tỏi ở nơi khô ráo, không khí thoáng đãng, mát mẻ.
Mỗi khi muốn sử dụng thì lấy ra đủ lượng tỏi cần thiết, sau đó để thoáng một lúc và buộc chặt túi. Với cách bảo quản này bạn có thể để tỏi lâu mà không mọc mầm. Muối rang có thể hút ẩm, miễn là tỏi không tiếp xúc với hơi ẩm thì tỏi sẽ không dễ mọc mầm. Ngoài ra muối có tác dụng khử trùng, giúp tỏi không bị thối và héo.
Ngoài việc sử dụng muối rang, vẫn còn vài cách bảo quản tỏi, bạn có thể tham khảo:
Dùng gừng: Cắt vài lát gừng, cho gừng vào 1 túi lưới nhỏ, sau đó thả túi gừng vào túi tỏi, buộc kín túi tỏi lại. Gừng có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn giúp tỏi không bị nảy mầm hoặc bị khô.
Dùng thuốc lá: Cho tỏi vào túi giữ tươi, sau đó cho 2 điếu thuốc lá vào túi tỏi, buộc lại. Chất nicotin trong thuốc lá có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tỏi. Ngoài ra, thuốc lá có tác dụng hút ẩm. Để túi tỏi vào trong tủ lạnh sau khi buộc kín để tỏi không bị hỏng trong một năm. Đây là cách bảo quản đơn giản nhưng lại ít ai ngờ tới.
Dùng lọ thủy tinh: Tỏi sau khi đã lựa được những củ lành lặn thì cho tất cả vào một hũ thủy tinh có nắp hoặc hũ sứ. Đậy chặt nắp lại, để nơi thoáng mát ngoài trời. Bằng cách này tỏi trong một năm sẽ không hỏng.
Treo cao: Cho tỏi vào túi lưới và treo ở nơi thoáng mát, cách làm đơn giản và thiết thực để tránh ẩm mốc.
Theo Lam Anh (Tổng hợp) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)
Theo: Eva