Thứ rau này là thực phẩm có ở bốn mùa, bán ở khắp các chợ, nhưng ăn vào mùa xuân là tốt nhất.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1. Tôm sông, rau hẹ
- 2. Gừng, tiêu, muối, đường, dầu hào, xì dầu
Không chỉ mùa nào thức nào, mùa xuân ở mỗi vùng miền khác nhau cũng có món ăn ngon và bổ dưỡng. Nhiều nơi cho rằng, ăn măng mùa xuân mới ngon, có người lại nói ăn hành lá vào mùa xuân mới chuẩn nhất.
Tuy nhiên, được mệnh danh là “thuốc dưỡng mùa xuân”, thì hẹ vẫn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn cả. Mùa xuân là thời điểm tốt nhất để ăn hẹ. Mặc dù trong nấu ăn hàng ngày, hành lá được sử dụng phổ biến hơn cả. Nhưng vào mùa xuân, chị em nhất định không được bỏ lỡ thần dược mùa xuân trị bách bệnh là rau hẹ.
Mùa nào cũng có rau hẹ thôi, nhưng ăn vào mùa xuân vị hẹ mới ngon đậm đà nhất. Hẹ vào các mùa khác mùi vị cũng không được như mùa xuân, thậm chí ăn vào mùa hè, hẹ còn có mùi hôi. Chẳng thế mà có câu ca dao gợi ý về thời điểm ăn rau hẹ: “Gió đông lạnh buốt tái tê. Thanh hao lá hẹ tràn trề cỗ xuân” hay câu tục ngữ “Ăn hẹ xuân thì thơm, ăn hẹ hè thì thối.”
Mùa xuân thời tiết nhiều biến động, nóng lạnh, mưa ẩm, nắng hanh thất thường. Vì vậy, cơ thể cần phải được bảo dưỡng dương khí. Mà vừa hay rau hẹ trong y học cổ truyền lại có tính ôn, vị ngọt cay, tính ấm nên thích hợp để sử dụng. Chính vì có thể hỗ trợ ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương mà rau hẹ còn được gọi là “rau khởi dương”.
Để có sự kết hợp nhất với rau hẹ, chị em có thể thử món tôm sông rang lá hẹ. Mùa này tôm sông cũng béo mẫm, vị giòn kết hợp với rau hẹ rất bổ dưỡng. Ai cũng có thể thưởng thức món ăn tươi ngon này, vì vậy đừng bỏ lỡ nhé!
Cách làm tôm đồng rang hẹ
Tôm sông (đồng) mua về, có thể cắt bớt râu hoặc đầu nhọn. Rửa sạch, để ráo nước. Hẹ rửa sạch, cắt khúc dài khoảng 3cm.
Hành tím bóc vỏ bằm nhuyễn. Gừng thái chỉ.
Cho chút dầu vào chảo, phi thơm hành gừng. Cho tôm vào đảo, đợi khi tôm chuyển sang màu đỏ gạch đều thì trút rau hẹ vào xào.
Nêm gia vị hoặc một chút dầu hào. Có thể thêm một xíu rượu nấu để dậy mùi. Đảo đều. Tắt bếp và bày món ra đĩa.
Chỉ với vài bước đơn giản, chị em có thể thực hiện được món tôm sông (đồng) rang hẹ cực phẩm rồi.
Chúc chị em thành công với cách làm tôm đồng rang hẹ này nhé!
Rau hẹ có tác dụng gì với sức khỏe?
Rau hẹ là loại cây thân thảo, còn được gọi là cửu thái, khởi dương thảo, giàu dược tính và mùi thơm đặc trưng. Rau hẹ rất giàu dinh dưỡng bao gồm nhiều vitamin (B, C), chất xơ và các khoáng chất. Không chỉ được dùng trong ẩm thực chế biến nhiều món ngon, hẹ còn là cây thuốc trị được nhiều bệnh.
Cũng giống như hành tỏi, hẹ còn chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, tiêu viêm. Rau hẹ có vị hơi cay, the nhẹ nên dễ ăn, vừa được dùng làm gia vị vừa làm rau ăn. Các món ngon như mì vằn thắn, sủi cảo hay bánh bao đều không thể thiếu được rau hẹ.
Theo y học cổ truyền, rau hẹ có vị ngọt cay, tính ấm, có tác dụng tích cực trong việc ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương. Một số tác dụng chữa bệnh của hẹ như chữa cảm mạo, ho do lạnh; hỗ trợ điều trị đái tháo đường; nhuận tràng, trị táo bón; chữa ăn uống kém.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng chất xơ trong rau hẹ có tác dụng kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, có thể phòng chống bệnh táo bón. Thêm vào đó, chất xơ trong rau hẹ còn có khả năng cân bằng các nhóm vi khuẩn đường ruột, ngăn ngừa tác động của chất gây ung thư ở niêm mạc ruột. Đây cũng là loại rau dự phòng tích cực để tránh bệnh ung thư đại tràng.
Rau hẹ cũng có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp và các bệnh liên quan đến cơ tim.
Mặc dù được coi là kháng sinh trừ viêm vào mùa xuân, nhưng rau hẹ cũng khó tiêu nên không nên ăn quá nhiều mỗi lần. Đồng thời, những người thể chất âm hư nội nhiệt, hay bị mụn nhọt và mắc các bệnh về mắt thì nên kiêng ăn hẹ, hoặc ăn với số lượng rất ít.
Theo kinh nghiệm dân gian, người xưa cũng khuyên khi nấu ăn, rau hẹ không nên kết hợp với mật ong và thịt bò, sẽ tạo ra chất khó tiêu, ảnh hưởng đến sức khỏe.
https://afamily.vn/loai-rau-nay-an-tot-nhat-vao-mua-xuan-rang-voi-tom-nua-thi-dinh-cua-chop-20220320064147233.chn
Theo: Afamily