Cách muối cà pháo trắng giòn để được lâu mà không lo nổi váng hay thâm đen không khó. Mâm cơm ngày hè có bát cà muối giòn thì đưa cơm phải biết.
Cà muối là món ăn dân dã của nhiều gia đình Việt Nam, nhất là ở miền Bắc và miền Trung. Cách muối cà không quá cầu kỳ nhưng mỗi người lại có bí quyết riêng để làm cho món cà ngon nhất.
Bài viết này, Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn 5 cách muối cà pháo giòn ngon, ai ăn cũng khen tấm tắc.
Cách chọn cà pháo ngon
Chọn đúng loại cà sẽ giúp bạn có được món cà muối ngon, giòn như mong muốn. Các cách muối cà hiện nay đều sử dụng loại cà pháo. Loại cà này được chia thành 2 loại là cà pháo xanh và cà pháo trắng.
Cà pháo xanh thì có vị hơi chua chua, ít hạt tuy nhiên lại không được giòn tan. Ngược lại, cà pháo trắng nhiều hạt nhưng lại cực kỳ giòn. Vì thế nếu muốn làm cà muối giòn thì người ta sẽ lựa chọn cà trắng, còn cà xanh thích hợp làm cà muối xổi hơn.
Tùy vào sở thích của mỗi người mà lựa chọn loại cà pháo phù hợp. Dù có lấy cà xanh hay cà trắng để muối thì bạn cũng nên chú ý một số vấn đề sau khi mua cà.
– Nên chọn những quả cà có kích thước vừa phải, không quá to hoặc quá nhỏ. Những quả này lượng hạt không quá nhiều, khi muối sẽ giòn ngon cực kỳ hấp dẫn.
– Chú ý độ tươi của cà bởi cà héo khi ngâm sẽ không được giòn và ngon như mong muốn. Quả cà tươi cuống sẽ xanh tươi, không bị sâu hay sứt sẹo.
– Mua cà bánh tẻ, đừng chọn quả quá non hay quá già. Nếu cà non thì ít hạt nhưng không giòn, ngược lại cà già thì giòn tan nhưng lại nhiều hạt và có mùi hăng.
– Chọn địa chỉ mua cà pháo uy tín để đảm bảo cà ngon, không bị phun quá nhiều hóa chất.
1. Cách muối cà pháo miền Bắc
Cà pháo miền Bắc trắng giòn, ăn cùng canh cua rau đay là chuẩn bài.
1.1. Nguyên liệu muối cà pháo
– Cà pháo tươi: 1kg (Chọn mua cà pháo tươi, trái đều nhau, không quá non cũng không quá già)
– Ớt: 10 quả
– Tỏi: 3 củ
– Gừng: 1 nhánh
– Riềng: 1 củ
– Gia vị: Muối, đường
– 1 dụng cụ đựng: hũ, âu, khay đựng…
1.2. Cách muối cà ngon qua 1 số bước sau
Bước 1: Phơi cà
– Trước khi muối, để cà giòn hơn, bạn có thể đem cà phơi ngoài nắng chừng 2 tiếng hoặc để ở nơi mát khoảng nửa ngày
– Khi cà đã héo, bạn tiến hành cắt sạch cuống cà. Lưu ý không nên cắt sát cuống cà.
– Ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 30 phút để diệt khuẩn và loại trừ độc tố.
Lưu ý: Cà pháo sau khi cắt cuống phải cho ngay vào nước muối để không bị thâm đen phần cuống. Nếu bạn muốn cà nhanh chín thì có thể khía quả, hoặc nhanh hơn là bổ đôi cả quả.
Bước 2: sơ chế gừng, tỏi
– Tỏi: Bóc vỏ, đập dập.
– Ớt: Bỏ cuống, rửa sạch, thái lát vừa.
– Gừng: Cạo vỏ, rửa sạch, thái chỉ.
– Riềng: Rửa sạch, thái lát dày vừa phải
– Hũ đựng: Rửa sạch, để khô ráo, hết nước
Bước 3: Cách muối cà giòn ngon
– Làm phần nước muối cà: Bạn tiến hành đun sôi 1 lít nước cho thêm 1 thìa đường, 3 thìa muối. Để nguội khoảng 30 độ C là vừa, nếu muốn cà nhanh chín bạn có thể cho thêm chút nước mắm.
– Cách cho các nguyên liệu: Bạn nên để 1 phần tỏi, riềng, ớt xuống đáy hũ đựng. Sau đó cho một nửa phần cà muối. Tiếp đến thêm nốt phần tỏi, riềng, ớt lên trên. Và cuối cùng cho phần cà cuối cùng vào hũ. Thực hiện điều này để đảm bảo các nguyên liệu ngấm đều vào quả cà, đảm bảo được hương vị.
– Đổ nước: Thao tác cuối cùng là bạn đổ nước muối cà. Chú ý là phải đổ ngập quả cà để tránh tình trạng bị thâm đen, không ngấm được nguyên liệu gia vị, tránh váng.
– Nén cà: Để cà không bị thâm, giòn thì ta phải nén cà cho ngập nước. Nếu hũ đựng nhỏ thì ta có thể sử dụng 1 chiếc đĩa vừa miệng đặt lên trên hay dùng 1 túi bóng đầy nước buộc kín. Với các loại hũ to thì ta dùng phên tre đặt lên trên và cho viên đá quậy nén trên cùng.
Bước 4: Bảo quản và sử dụng
Hũ cà muối khoảng thời gian từ 3-5 ngày là có thể dùng được. Khi lấy sử dụng bạn không nên khuấy mà nên lấy từ trên xuống. Không quá nổi bật nhưng đây sẽ là món đáng chú ý trong bữa cơm gia đình bạn.
2. Cách muối cà xổi
Trên đây là cách muối cà để dài ngày. Ngoài ra, còn có cách muối cà có thể ăn ngay, hay còn gọi là muối ăn ghém. Bạn có thể thực hiện và dùng luôn ngay sau khi muối.
2.1. Nguyên liệu muối cà ăn xổi
– Cà pháo tươi: 300-500gr
Lưu ý: Vì đây là muối ăn xổi nên không thể muối với số lượng lớn. Thời gian bảo quản của hình thức muối này không bằng muối truyền thống.
– Ớt: 1
– Tỏi: 2-3 nhánh
– Gừng: 1 nhánh nhỏ
– Riềng: 1 củ nhỏ
– Gia vị: Muối, đường
– 1 dụng cụ đựng: hũ, âu, khay đựng…
2.2. Các bước thực hiện muối cà ăn xổi
Bước 1: Sơ chế cà
– Bạn rửa sạch cà pháo, cắt bỏ cuống (có thể cắt bỏ sâu phần cuống). Sau đó, bỏ vào nước muối loãng để làm sạch tương tự như muối truyền thống, khoảng 30 phút vớt ra để ráo nước.
– Các nguyên liệu rửa sạch, thái mỏng hoặc giã nát.
Bước 2: Muối xổi
– Vì là muối ăn ngay nên với cà pháo bạn cần thái, xắt miếng thật mỏng, càng mỏng càng tốt. Thao tác này bạn nên cẩn thận bởi quả cà cứng nên rất dễ gây sát thương khi gọt với dao ở dạng mỏng.
– Sau khi thái lát mỏng, bạn bỏ cà vào phần nước muối khác để ngâm. Thao tác này nhằm mục đích loại bỏ nhựa cà, giúp miếng cà không bị thâm đen.
– Vớt cà xắt miếng mỏng là bát, đĩa, âu… sau đó bỏ các nguyên liệu gia vị vào, trộn đều. Để chừng 15 phút khi cà và các gia vị thấm đều là có thể dùng được ngay.
3. Cách muối cà pháo tỏi ớt chua ngọt
Một cách muối cà pháo cực ngon mà không phải chị em nào cũng biết đó là món cà pháo tỏi ớt. Vị chua giòn của cà, cay cay của ớt, chút thơm nồng của tỏi, tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn dân dã lại cực kỳ hao cơm. Mâm cơm ngày hè mà có thêm món này thì hết sảy.
3.1. Nguyên liệu
– Cà pháo: 1kg
– Tỏi: 3 củ
– Ớt sừng
– Muối
– Đường
– Nước mắm
– Giấm ăn
– Lọ thủy tinh
3.2. Chi tiết cách muối cà pháo tỏi ớt
Bước 1: Sơ chế cà
– Cà pháo mua về rửa sạch, cắt bỏ phần cuống rồi bổ làm đôi (đối với những quả có kích thước lớn) hoặc để nguyên trái sau đó ngâm vào bát nước muối pha loãng.
Thao tác này vừa giúp cà “nhả” hết nhựa cùng chất độc ra bên ngoài lại giúp cho hũ cà khi muối xong trắng tinh đẹp mắt.
Thời gian ngâm cà là khoảng 1 tiếng.
– Tỏi khô bạn bóc vỏ rồi đập dập. Ớt sừng rửa sạch rồi đem băm hoặc xay thật nhuyễn.
Bước 2: Làm nước ngâm cà
Một trong những yếu tố làm nên thành công của cách muối cà này chính là nước ngâm.
– Trước tiên, bạn cho tỏi, ớt và đường vào cối xay. Vì tỏi và ớt đã sơ chế ở bước 1 nên thao tác này thực hiện rất nhanh. Giã nhuyễn hỗn hợp trên cho các gia vị quyện vào nhau sau đó cho vào đây 1 thìa giấm ăn, 1 thìa nước mắm.
* Lưu ý: Tùy vào lượng cà pháo mà bạn có thể gia giảm cho phù hợp.
– Trộn đều tất cả các nguyên liệu rồi nếm thử, nếu thấy đủ vị chua cay, mặn ngọt là được. Yêu cầu của nước mắm ngâm cà là phải sánh sệt như thế khi muối cà mới ngon.
Bước 3: Muối cà pháo tỏi ớt
Lần lượt cho phần cà pháo đã ngâm và để ráo nước vào trong bát tô lớn. Rưới bát nước ngâm cà vừa làm ở bước 2 vào.
Dùng tay trộn đều hỗn hợp cà và nước sốt để phần cà thấm đẫm gia vị.
Xếp cà pháo vào trong hũ thủy tinh, đậy nắp kín và để trong ngăn mát của tủ lạnh. Món cà này chỉ để khoảng 1 đêm là có thể thưởng thức.
Bước 4: Thành phẩm
Dùng đũa sạch, khô gắp cà pháo tỏi ớt ra bát rồi thưởng thức cùng cơm trắng, thịt heo luộc, canh rau muống hoặc canh cua thì tuyệt phẩm.
Cách muối cà kiểu này giữ được độ giòn ngon của cà pháo thêm chút đậm đà của mắm, cay nồng của tỏi ớt ăn cực kỳ đưa cơm.
Phần cà muối chưa sử dụng hết phải bọc kín và để trong tủ lạnh. Cà muối tỏi ớt có thể để được từ 5 – 7 ngày.
4. Cách muối cà pháo miền Trung
Người miền Trung có cách muối cà pháo siêu giòn, ngon, đậm đà, ăn một lần là nhớ mãi.
4.1. Nguyên liệu làm cà pháo muối
– Cà pháo: 1kg
– Muối: 200g
– Bã rượu: 1 bát nhỏ
– Riềng: 1 củ
4.2. Hướng dẫn cách muối cà pháo miền Trung
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Cà pháo sau khi mua về đem phơi cho héo. Cắt bỏ phần cuống của quả cà rồi cho vào bát nước muối pha loãng khoảng 2 – 3 tiếng. Sau khi ngâm, bạn vớt cà ra rồi để cho ráo nước.
Bước 2: Muối cà
– Cho 200g muối vào trong hũ thủy tinh muối cà rồi thêm vào đây khoảng 500ml nước. Dùng đũa khuấy đều cho muối tan.
– Lấy riềng chặt miếng rồi đem thái sợi. Cho riềng thái vào bát bã rượu rồi trộn đều lên.
– Trút phần cà pháo đã sơ chế sạch sẽ vào trong hũ nước muối rồi thêm bát riềng, bã rượu. Đảo đều để cà ngấm gia vị.
– Dùng đá hoặc vỉ nén đè lên trên mặt cà để cà trắng giòn, thơm ngon không bị thâm.
Bước 3: Hoàn thành món cà pháo muối
– Với cách muối cà này thì sau 3 – 5 ngày là bạn đã có một hũ cà giòn ngon, để lâu không bị chua. Nếu muốn giữ cà lâu hơn thì chỉ cần rải lên bề mặt của hũ một lớp muối là được.
Cà muối kiểu miền Trung khi thành phẩm rất trắng, giòn ngon và không bị chua gắt. Bạn nên muối bằng vại sành, vại sứ sẽ ngon hơn. Trường hợp muối bằng hũ thủy tinh nhỏ thì có thể bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh để làm chậm lại độ chua của cà.
5. Cách muối cà ghém
Hầu hết các cách muối cà đều chỉ để được 3 – 7 ngày, nếu quá thời gian này cà sẽ chua gắt, không được ngon. Tuy nhiên có cách muối cà ghém vừa ngon lại để được rất lâu, mọi người cùng Bếp Eva tham khảo công thức sau đây nhé.
5.1. Nguyên liệu muối cà
– Cà bát: 8 – 10 quả (tùy vào mỗi gia đình)
– Muối: 1 bát con
5.2. Các bước trong cách muối cà ghém
– Cà bát mua về đem rửa sạch rồi cắt bỏ phần cuống xanh. Đặt cà lên thớt rồi dùng dao bổ cà thành 8 miếng nhỏ. Lưu ý, không nên cắt rời các miếng cà mà phải để chúng kết dính với nhau nhé.
– Ngâm cà trong bát nước muối loãng để cà ra hết nhựa.
– Vớt cà ra để cho ráo nước. Dùng tay tách nhẹ các miếng cà rồi lấp đầy khoảng trống bằng muối hạt. Lần lượt thực hiện thao tác này cho tới khi hết cà, hết muối thì dừng lại.
– Xếp từng quả cà vào trong hũ sành/hũ sứ rồi đặt vỉ lên trên và nén lại bằng 1 viên đá sạch. Để khoảng 5 – 6 ngày là có thể lấy cà ra ăn.
Cách muối cà ghém này để được rất lâu. Khi ăn, cà có vị chua chua, đậm đà, và vẫn giữ được độ giòn ngon.
Bữa cơm có quả cà ghém ăn cùng bát canh rau muống luộc dầm sấu thì quả là điểm 10 cho chất lượng.
Cà muối ăn với gì ngon?
Mâm cơm ngày hè của các vùng quê Việt Nam đều không thể thiếu được cà muối. Cà muối ăn với gì ngon?
Cà pháo muối ăn cùng với một bát nước mắm ớt thêm đĩa rau luộc cùng bát canh là đã đủ ngon. Ngày nay, để gia tăng sự phong phú cho bữa cơm, các chị em biến tấu món cà muối kết hợp với rất nhiều món khác nhau. Một vài “combo” cà muối mà bạn không thể bỏ qua:
– Thịt luộc + Cà muối + Canh rau luộc + Đậu phụ rán
– Canh mướp + rau xào + Cá rán + Cà muối
– Cà muối xổi + Rau muống luộc chấm mắm
– Canh cua mồng tơi + Cà pháo muối + Thịt heo luộc + Đậu phụ rán
– Rau lang xào tỏi + Canh cua mồng tơi + Cà muối + Thịt ba chỉ rang cháy cạnh + Tôm rang
– Cháo đậu xanh/đậu đen + cà muối
Mẹo muối cà ngon, trắng giòn không bị thâm đen
Để hũ cà muối của bạn ngon đạt chuẩn thì ngoài cách muối cà còn cần một vài bí kíp mà ít người mách cho bạn.
– Phơi cà ra nắng
Việc phơi cà ra ngoài nắng sẽ giúp cà héo đồng thời loại bỏ 1 lượng nhựa cà nhất định, nhờ đó mà cà sau khi muối sẽ giòn ngon hơn.
– Không muối quá nhiều
Vì cà rất nhanh chua nhất là trong mùa hè vì thế bạn chỉ nên muối 1 lượng vừa đủ ăn. Việc muối quá nhiều không ăn hết sẽ khiến cà chua gắt, nổi váng không ngon.
– Nước ngập mặt cà
Nguyên nhân khiến cho cà muối trở nên thâm đen là do nước muối không đủ ngập bề mặt của cà. Bạn có thể sử dụng vỉ nén rồi đặt vật nặng lên trên như thế cà sẽ luôn trắng giòn.
– Hũ thủy tinh sạch
Một trong những nguyên tắc giúp cà muối hay bất cứ món rau củ muối nào để được lâu, không nổi váng là hũ đựng phải sạch.
Bạn nên rửa hũ thủy tinh, vại sành/sứ rồi tráng qua nước nóng. Dùng khăn sạch lau khô rồi mới tiến hành cho cà vào muối.
Ăn cà muối có tốt không?
Ông bà ta có câu “Một quả cà bằng ba thang thuốc”, vậy ăn cà muối có tốt không?
Theo Đông Y, cà muối là một trong những món ăn có tính hàn. Nếu biết sử dụng đúng cách thì nó không những không hại mà ngược lại còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cứ 100g cà pháo muối sẽ chứa khoảng 20 – 22 calo.
Một số lợi ích khi ăn cà muối có thể kể đến như:
– Giúp nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu viêm…
– Hỗ trợ kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan
Bên cạnh đó, cà muối cũng có không ít tác động xấu tới sức khỏe, cụ thể:
– Trong cà muối có chứa các solanin nhất là cà muối xổi. Khi vào cơ thể, chất này rất dễ gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt. Thậm chí, nếu hàm lượng solanin quá cao còn có thể làm tê liệt, mất cảm giác và tăng nguy cơ tử vong.
– Muối cà trong thùng nhựa sẽ tiềm ẩn nhiều tác nhân gây hại cho sức khỏe, trong đó có chất monome. Chất này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, nếu kéo dài dễ gây ung thư.
– Giống như các món muối khác, trong cà muối hàm lượng nitrat rất cao. Khi vào dạ dày nó sẽ kết hợp cùng các axit amin và hình thành nitrosamine – chất làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Những người không nên ăn cà muối
Cà muối ngon, cách muối cà cũng đơn giản nhưng có một số nhóm đối tượng không nên ăn cà muối dù thèm đến mấy.
– Bệnh nhân đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa
– Người bị cao huyết áp
– Người được chẩn đoán suy thận
– Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai
Nếu muốn ăn cà muối, bạn cần lưu ý một vài điểm sau để không hại sức khỏe:
– Thứ nhất, tự học cách muối cà ở nhà thay vì mua ngoài hàng.
– Thứ hai, không ăn các loại cà có dấu hiệu mốc vàng, nấm đen bởi trong loại cà này có chứa hàm lượng lớn các aflatocin – tác nhân gây ung thư gan.
– Cuối cùng, hạn chế ăn cà muối xổi để giảm nguy cơ ngộ độc solanin.
Vừa rồi là 5 cách muối cà ngon, đơn giản cùng các thông tin liên quan đến món cà này mà Bếp Eva muốn chia sẻ cùng bạn. Tham khảo thêm cách làm các món ăn ngon khác để chiêu đãi cả nhà trong mùa hè này nhé.
Theo: 24h